“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Ngài về Trời. Quả thật, “truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”, mỗi người được Chúa mời gọi cách khác nhau, có những cách truyền giáo khác nhau và mang lại những hiệu quả khác nhau. Qua việc đến, xem và học hỏi thực tế tại giáo điểm truyền giáo ở Rạch Vọp, con được đánh động và học hỏi được nhiều điều về công tác truyền giáo.
Qua những chia sẻ của cha, con thấy được đặc điểm của nhà truyền giáo phải là một người thực tế, năng động, biết đem Lời Chúa ra thực hành và để Lời Chúa làm kim chỉ nam cho mình. Cha không chỉ quy tụ những người lương dân để tham dự Thánh Lễ, nhưng còn dạy giáo lý, cho họ ăn và phát thuốc cho họ. Trong Tin Mừng cũng nhắc đến, khi Chúa đi rao giảng, Ngài cũng chữa lành cho dân chúng (Mt 15, 29-31) và cho họ ăn (Mt 14, 15-21). Khi anh chị em lương dân đến với nhà thờ, họ đã bỏ cả một buổi sáng lao động, thế nhưng họ không đói vì vẫn có gạo để ăn, có thuốc để uống. Điều quan trọng hơn mà con nhận thấy được, đó là mọi thứ đều chỉ vừa đủ, đúng và có giới hạn. Vì nếu không, thay vì nói học đạo, người ta sẽ nói là “đạo gạo”, thay vì nói là được chữa lành, người ta sẽ nói là “đạo thuốc”, đi nhà thờ chỉ vì lợi ích chứ không vì đạo. Do đó, con cảm thấy việc truyền giáo không phải chỉ bằng vật chất, nhưng còn phải chú ý đến tinh thần. Nếu không, hết gạo thì sẽ hết đạo, việc thực hành và theo đạo chỉ là một hình thức để đổi lấy của ăn và điều đó sẽ trở nên vô ích.
Điều thứ hai con nhận thấy đó là mục đích của việc truyền giáo và mục đích đến với đạo. Mục đích của việc truyền giáo là đưa lương dân đến với Chúa. Nhưng mục đích đầu tiên của lương dân đến với đạo thì chưa chắc đã là Chúa. Những người lương dân đến với đạo, có thể có rất nhiều mục đích khác nhau: vì tò mò, được lôi kéo, vì có ăn, có gạo, có thuốc,… Thế nhưng, những thứ đó chỉ là phương tiện để chúng ta dẫn họ đến với Chúa, chứ không phải là mục đích của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần hướng dẫn, chỉ bảo để mục đích của họ được biến đổi và thanh luyện theo thời gian. Trong Thánh Lễ cha cũng có nhắc đến việc họ theo đạo vì mục đích gì và mục đích cuối cùng của họ phải là vì Chúa. Con được đánh động một câu nói của một chú trong lớp giáo lý: “cha rửa tội cho con hay không cũng không sao, con theo Chúa cho đến chết.” Mục đích của truyền giáo không phải là để rửa tội thật nhiều, nhưng là để nhiều người biết đến Chúa và được biến đổi.
Điều thứ ba con được đánh động là Thánh Lễ dành riêng cho lương dân. Lương dân là người chủ động trong Thánh Lễ, họ không ù lì nhưng tham gia cách tích cực, được phân chia rõ ràng, có trật tự và con thấy có một sự cung kính, tôn thờ. Khi đi đón những người lương dân đến tham dự Thánh lễ, khi được hỏi họ vào đạo hay đi nhà thờ lâu chưa? Con thấy họ trả lời một cách rất tự tin và tự hào, rằng họ đi được một, hai,..năm năm rồi. Sự tự tin đó cho con thấy họ có niềm vui và hãnh diện khi được đi học đạo, được vào đạo. Để một người lương dân bỏ một buổi sáng, lặn lội đường xa, khó khăn trong di chuyển đến để ngồi tham dự Thánh lễ, học giáo lý quả thật là một điều lạ thường, và con thấy đây chính là ơn Chúa và việc Chúa làm.
Điểm thứ bốn mà con rất được đánh động, đó là câu nói của cha: “mỗi lương dân là một nhà truyền giáo.” Qua việc mỗi lương dân đem quà đến cho một lương dân nghèo khác, đó là việc truyền giáo, tạo cơ hội cho người khác cũng biết đến Chúa. Khi biết chia sẻ, sống yêu thương, là người lương dân đang sống Lời Chúa, dù có thể họ chưa ý thức. Người ta thường gọi đạo Thiên Chúa là “đạo yêu thương”, thật là chính xác nếu chúng ta sống yêu thương và tạo cơ hội để những người đến với Chúa thực hiện cử chỉ yêu thương ấy. Quả thật, khi con người biết yêu thương, chia sẻ, họ sẽ đến gần với Chúa và đến gần với nhau hơn. Con rất cảm động khi nghe chia sẻ của một ông lão nhà nghèo được mạnh thường quân cho hai thùng mì, ông đã chạy ngay đến nhà thờ để chia một thùng cho người khác. Với cử chỉ yêu thương, chia sẻ ấy, Thiên Chúa chúc lành, người đàn ông nghèo đó vui, mà người nhận quà cũng vui, tất cả đều cùng vui. Họ nghèo về vật chất, nhưng con thấy họ lại giàu về tấm lòng, về tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đến với giáo điểm, họ không chỉ được dạy về giáo lý, nhưng còn được dạy về cách sống, sống chia sẻ, sống lương thiện, sống trung thực, giúp đỡ nhau, không tham lam, rượu chè,… Quả thật, con thấy đó thật là một điều đáng quý giá. Truyền giáo không chỉ dừng lại ở việc rao giảng Lời Chúa, nhưng còn là dạy họ cách sống Lời Chúa, cảm nhận Lời Chúa và biến đổi nhờ Lời Chúa.
Điều cuối cùng con muốn chia sẻ, với vai trò là một người trẻ, khi nhìn thấy các em thiếu nhi học đạo, con rất mong muốn các em cũng sẽ có cơ hội như con, được tự hào là một người Kitô hữu, được lãnh nhận các Bí Tích. Con hy vọng các em cũng được giao lưu, học hỏi Lời Chúa, sinh hoạt thiếu nhi Thánh Thể với những xứ đạo khác. Tuổi trẻ thì năng động và ham học hỏi, con hy vọng các em được tạo điều kiện để phát triển đức tin, trở nên người truyền giáo nơi chính giáo điểm của mình và xây dựng giáo điểm của mình ngày một vững mạnh.
Con nghe nói rất nhiều về vùng truyền giáo, giáo xứ truyền giáo, giáo điểm truyền giáo, nhưng quả thật chuyến đi này hoàn toàn mới đối với con, nó cho con một góc nhìn mới, một kinh nghiệm mới. Truyền giáo không chỉ dừng lại ở việc thăm viếng, tặng quà, nhưng còn là quy tụ để được dạy dỗ và sai đi. Đặc biệt là làm sao để đời sống của họ mỗi ngày được đổi mới trong Chúa. Họ không phải chỉ biết đến một Thiên Chúa trừu tượng, nhưng là biết một Thiên Chúa cụ thể, không phải chỉ qua lời nói, nhưng còn là qua hành động. Họ không phải chỉ là người được lãnh nhận, nhưng còn phải là người biết cho đi, biết chia sẻ. Họ không phải chỉ học biết đến những điều tốt, nhưng còn phải là người hành hộng tốt.
Với những gì con đã thấy và cảm nhận được, con hy vọng đây sẽ là hành trang quý giá cho con trong đời sống sứ vụ của mình, giúp con có thể đưa người khác đến với Chúa và ở lại trong Người.
M.Odette Trần Thị Thúy Nhi
Tập sinh năm I