I. Giai đoạn đầu

Cô Marguerite LECOMTE sinh năm 1737 tại vùng quê nghèo làng Moselle nằm trong Lorraine, địa phận Metz thuộc miền đông nước Pháp.

Sau khi rước lễ vỡ lòng, cô bé bị té vì băng tuyết, cô được đưa vào bệnh viện, tại đây cô học đọc chữ trong lúc rảnh rỗi, và nhờ các y tá chỉ giúp khi gặp chữ khó.  Nhờ chút vốn liếng này cô đã góp sức vào Dự Án của cha J.M.MOYË sau này.

Cô làm công nhân trong một xưởng dệt để kiếm sống. Nơi làm việc cách xa nhà, nên buổi trưa cô thường ở lại và ăn cơm mà cô mang theo tại xưởng. Và giờ rãnh là cô đọc sách. Các thiếu nữ khác thấy thế xin cô chỉ cho, và cô đã tận tình dạy cho họ biết đọc. Không những là một cô gái đầy lòng bác ái, mà cô còn là một cô gái rất đạo đức.

Bởi tính tình siêng năng, chăm chỉ và đáng tin tưởng nên ông chủ xưởng dệt đã giao cho cô làm trưởng phòng. Các cô thợ trong phòng luôn quý mến cô, phòng của cô luôn được đem ra làm mẫu cho các phòng khác.

 II. Giai đoạn gia nhập vào Dự Án cha M.J.MOYË

Lúc cha Moye làm cha phó ở họ Saint-Victor, chị Margeurite LECOMTE được 17 tuổi. Lúc đó chị khao khát được rước lễ, vì chị đi làm về thì nhà thờ đã đóng cửa rồi. Các bạn làm chung với chị nghe điều đó mới rủ chị về nhà thờ của họ là xứ Saint-Victor, theo lời các bạn thì cha xứ ở đó rất thánh thiện, đạo đức ngài luôn ngồi sẵn ở tòa giải tội.

Gần lễ Giáng Sinh năm đó, chị theo các bạn đến giáo xứ xưng tội, chị đã gặp Cha Moye. Qua những lần xưng tội, cha đã nói chuyện và hiểu về chị, cha thấy đó là Chúa Quan Phòng dẫn cô gái này đến cho cha, cha đã gợi ý cho chị về dự án của cha, và chị rất sẵn sàng cộng tác. Chị là người đầu tiên cha J.M.MOYË gửi trao cho sứ mạng thực hiện dự án của ngài, và ngôi trường đầu tiên được thành lập ngày 14.01.1762 tại thôn VIGY địa phận Metz nước pháp là do chị chăm sóc.

 III. Biến cố cách mạng Pháp

Khi cách mạng xảy ra trên đất nước Pháp, đa số các trường học bị đóng cửa, các nữ tu tản mác khắp nơi. Tuy nhiêm chị Margeurite LECOMTE và một vài chị em khác vẫn trụ lại được ở Saint-Hubert, tiếp tục công việc trong những sự khó khăn của thời chiến.

Sau khi cách mạng chấm dứt, các chị trở về gầy dựng lại Hội Dòng, chị Marguerite LECOMTE vẫn tiếp tục ở lại phục vụ làng quê nghèo giáo xứ Saint-Hubert, và tại đó chị đã dựng một ngôi nhà bằng gỗ và bằng đất, được dùng làm chỗ ở và lớp học cho các em.

Nhiều lần người ta hiến cho chị chỗ khác ở tiện nghi hơn, nhưng chị luôn từ chối, chị hiến thân để phục vụ trẻ em nghèo ở nơi đây, chị sẽ không bỏ chúng mà đi. Chị dạy học miễn phí, giờ trống chị làm vườn trồng rau để có thức ăn.  Chị rất yêu mến những người nghèo và trẻ em nghèo trong làng này, và người ta cũng rất yêu quý chị.

Công việc thiếu thốn, khó khăn nhưng không làm hại đến sức khỏe của chị, túp lều bằng gỗ ấy đã che chở chị cho đến năm 1815, lúc đó chị đã 78 tuổi. Chị đã phục vụ ở Metz suốt 53 năm, trong vùng quê nghèo khổ ấy. Thấy công lao phục vụ của chị, chính quyền ở Metz đã cấp cho chị một khoản thù lao nhỏ, và chị được mời vào ở trong nhà của một người tốt bụng ở thành phố đó. Chị ở đây  cho đến năm 1826, vào tháng 10 cùng năm  chị được mẹ Thérèse Mourey mời về sống quãng đời còn lại tại Portieux. Chị đã chấp nhận lời mời. Cộng đoàn Portieux hết sức vui mừng và cảm động vì được đón tiếp người nữ tu đầu tiên của Dòng.

  IV. Thời gian cuối đời

Ở Portieux, chị không ngừng làm gương cho các chị em khác bằng một đức tin sống động, lòng đạo đức dịu dàng, bình dị, ngọt ngào, yêu thương mọi người và luôn vui tươi. Chị chia sẻ và dạy dỗ cho các em bằng những đoạn Kinh Thánh mà chị đã thấm nhuần.

Lòng yêu mến thôn ấp VIGY nghèo nàn của chị luôn mãnh liệt, chị luôn hướng về đó, nên những ngày đầu mới về Portieux chị cảm thấy khó chịu, chị không chịu nổi việc xa rời nơi thân yêu của mình. Chị ước ao là được gặp lại làng quê thân yêu của mình, khiến chị nghĩ rằng chị còn  đủ sức để đi bộ đến đó. Và chị đã đi, có một nữ tu đi cùng, chị đi được đến Essegney, lúc nào chị cũng che giấu sự mệt mỏi, chỉ xin nghỉ một lúc rồi lại đi thêm vài bước và khi đó chị đã thú nhận là không còn sức để đi nữa và chị chấp nhận trở về Portieux. Từ đó chị chỉ nghĩ đến việc dọn mình chết lành.

Những năm cuối, chị không thấy đường nữa, chị không còn đọc sách được, nên chị cầm thánh giá trong đôi bàn tay chấp lại để cầu nguyện. Chị luôn hy sinh, hãm mình đền tội noi gương cha J.M.MOYË. Vài ngày trước khi chết, khi biết người ta cởi bỏ chiếc áo nhặm, chị vừa khóc vừa xin lại, chị nói chị đã hứa với Chúa là mang nó cho đến chết. Cha giải tội đã trấn an chị. Đó là ngày chị lãnh nhận bí tích cuối cùng dành cho kẻ liệt.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 3.06.1835 chị thiếp đi nhẹ nhàng tại nhà mẹ Portieux, hưởng thọ 98 tuổi kém 3 tháng. Chị được chôn cất tại Đất Thánh của nhà mẹ Portieux. Ngày nay  tại Portieux chúng ta vẫn còn thấy căn phòng ngày xưa chị đã ở quãng thời gian cuối đời. Trong nhà nguyện lớn có xương của chị, được đặt trên tường gần Cung Thánh.

 

Nguồn tham khảo:

-Lịch sử Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux. Giai đoạn 1730-1871.