1. LỜI CHÚA

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

 BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

2. SUY NIỆM

Các Vị Tử Đạo Mới Của Thời Đại 

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Mỗi lần nói đến các thánh tử đạo, là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh đầu rơi, máu đổ, gông cùm, gươm giáo… Thế nhưng, ở thời đại đang tiến dần tới Thế kỷ 21, những cảnh hành trình tàn bạo, cổ điển ngày xưa và sự bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự trên thế giới.

Ngày nay, khái niệm về tử đạo được hiểu rộng rãi hơn. Vì tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho con người, nhất là những người nghèo khổ hay bị áp bức, nói chung là chết vì chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống cho chân lý Phúc Âm. Trường hợp của cha Maximilianô Kolbê, ngài đã tự nguyện chết thay cho một người tù khác có gia đình, trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Vào năm 1971, Đức Phaolô VI không coi Cha là vị tử đạo, chỉ coi Cha là một người chịu đau khổ vì đức tin thôi (Confessor). Nhưng khi phong thánh cho cha vào năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đã coi cha là một vị tử đạo. Trong bài giảng phong thánh cho Cha Kolbê, Đức Thánh Cha nói: “Cái chết được cha hồn nhiên đón nhận vì yêu người đồng loại, cái chết ấy lại không làm cho cha Kolbê đặc biệt giống Đức Kitô sao, Đức Kitô là mẫu mực của mọi vị tử đạo, là Đấng hiến mạng sống mình cho anh em?”

Trong Tông Thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba” (TMA), Đức Thánh Cha kêu gọi các Giáo Hội địa phương lập danh mục các vị tử đạo mới của thế kỷ này. Vì “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo, thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh”vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thày về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những Giám mục, Linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (TMA. 37).

Các Thánh Tử đạo là những người sống, làm chứng, loan truyền mầu nhiệm Thánh giá. Mỗi Kitô hữu, dầu không phải trải qua cái chết tử đạo thì đời sống vì đạo, sống vì Chúa, cho Chúa, cũng vẫn có thể loan truyền mầu nhiệm Thập giá cho thế giới. Sống như một chứng nhân là điều kiện thiết yếu để có thể chết như một chứng nhân.

Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam ngày xưa đã dùng Thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là “Quá Khóa”để dùng Thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết: bước qua hay không bước qua Thập giá. Bước qua là được tiếp tục sống ở đời này, được trả lại tất cả những gì đã mất, được tặng thêm bao phú quý vinh hoa. Không bước qua là chấp nhận tù đày, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một quyết định là mọi chuyện sẽ thay đổi. Chỉ cần một bước chân…

Đã có người bước qua và đã có nhiều người không bước qua, không quá khóa. Đã có người được khiêng qua Thập giá, nhưng đã co chân lên, như Thánh Antôn Nguyễn Đích. Đã có người bước qua Thập giá, nhưng sau lại hối hận, đó là trường hợp của ba vị thánh Augustino Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể và Đaminh Đinh Đạt. Vua Quan đã bày ra trước mặt các ông 10 cây vàng, một tượng Chúa Chịu Nạn và một thanh gươm, rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Đúng đây là một chọn lựa nghiêm chỉnh, chọn lựa này đụng đến tương lai và sinh mạng của tôi. Chọn lựa này bày tỏ thái độ của tôi đối với Đức Giêsu. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được”. Thánh Stêphanô Ven nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo Thập giá, nay tôi lại đạp lên Thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”

Nhiều vị tử đạo đã được mời giả vờ bước qua Thánh giá, để quan có cớ mà tha cho, còn đức tin bên trong thì quan không đụng đến. Đây là một cám dỗ khá tinh vi và hấp dẫn, có vẻ được cả hai, đời này và đời sau. Nhưng liệu tôi có thể bên ngoài chà đạp một Đấng mà bên trong tôi tôn thờ không? Đứng trước Thánh giá là đứng trước một chọn lựa dứt khoát, không có giải pháp dung hòa hay lập lờ. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Điều này vẫn đúng cho những chọn lựa mỗi ngày của các Kitô hữu qua mọi thời đại.

Không bước qua Thánh giá là làm chứng về niềm tin vào Đức Kitô. Dù chỉ là cây gỗ xếp chéo nhau, nhưng đó vẫn là một biểu tượng cho Thầy Chí Thánh, Đấng đã chịu chết trên Thánh giá. Các vị tử đạo đã không bước qua Thánh giá, vì họ tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng các ngài không phải chỉ là những chứng nhân đức tin mà còn là những chứng nhân đức mến. Đức Giêsu không phải chỉ là Đấng các ngài tin, mà còn là Đấng các ngài yêu mến bằng một tình yêu lớn nhất: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Cuối cùng, các vị Tử đạo còn là những chứng nhân cho một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống đời sau. Cái chết khủng khiếp đang chờ họ, nhưng họ như nhìn thấy thế giới ở đàng sau cái chết tạm thời. Họ thấy Thiên đàng, thấy sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trường tồn. Chính vì thế, cái chết tử đạo không bao giờ mang nét bi đát của sự tuyệt vọng. Trái lại, nó ẩn chứa một sự bình an, vui tươi của người được hạnh phúc gặp Đấng mình mới tin mà chưa giáp mặt.

Các vị tử đạo là những chứng nhân dám chết cho niềm tin, cho tình yêu, cho chân lý của Tin Mừng. Có thể chúng ta không được ơn tử đạo, nhưng chắc chắn chúng ta phải trở nên chứng nhân cho Chúa. Làm chứng cho Chúa, nếu không phải đổ máu thì cũng phải chấp nhận mất mát thiệt thòi, bị coi rẻ. Làm chứng đòi trả giá. Giá càng cao thì lời chứng càng đáng tin. Mỗi thời đại nhạy cảm với một lối làm chứng. Lối làm chứng của cha Kolbê, của Mẹ Têrêsa Calcutta, của các tu sĩ bị ám sát ở Algêri, rất hấp dẫn con người hôm nay. Cần tìm được những lối sống Tin Mừng phù hợp khiến người ta dễ tin có Chúa, có linh hồn, có đời sau. Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi vật chất và không cần đến Thiên Chúa, phải chăng người Kitô hữu được mời gọi sống một đời sống đơn sơ, chia sẻ và phụ vụ trong vui tươi? Khi con người hôm nay như bị cuốn hút vào cơn lốc của hưởng thụ, khoái lạc, quyền lực, phải chăng người Kitô hữu được mời gọi làm chứng bằng thái độ thanh thoát, trong sáng và vô vụ lợi? Làm chứng bao giờ cũng là lội ngược dòng thế gian. Các Thánh Tử đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong thời đất nước chuyển mình theo kịp thế giới. Thời nào, người Kitô hữu cũng được đặt trước Thánh giá, dấu hiệu của một tình yêu hiến thân, một sự từ bỏ tận căn, một sự khiêm hạ đến tận cùng. Hãy đặt Chúa lên trên mạng sống của mình, yêu Chúa trên hết mọi sự.