1. LỜI CHÚA

* Bài Ðọc I: St 15, 5-12. 17-18

“Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.

Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.

Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát”.

* Bài Ðọc II: Pl 3, 17 – 4, 1

“Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.

Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

* Phúc Âm: Lc 9, 28b-36

“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

2. SUY NIỆM

DỰNG BA LỀU

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Từ trong vô thức, Thánh Phê rô bất thần xin dựng ba lều. Điều này dễ thấy trong tâm lý phòng vệ, trốn chạy hay ẩn nấp trước cho chắc. Chúa Giê su mở dần từng khúc mắc, để sống con người tự do, khỏi những điều ràng buộc, yếu nhược, trốn chạy khỏi Chúa.

Tâm lý phòng vệ.

Phòng vệ với việc che đậy bằng lý tưởng cao đẹp.

Kinh nghiệm của Thánh Phê rô cho thấy, khi Chúa cho biết, chính Người sẽ bị nộp vào tay người đời, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. Thánh Phê rô đã phản ứng ngay, Thầy không thể như thế! (Xem Mt 16, 21 – 23).  Không thể đang kỳ vọng hết sức vào Chúa mà lại rớt thê thảm vào tay người đời. Không thể, là một phản ứng phòng vệ, trước một lý tưởng cao đẹp, đi chinh phục các linh hồn, chữa lành nhiều đau thương mà chính mình lại rơi vào thảm hoạ. Không công bằng chút nào, vì gieo lành sao lại gặp dữ?

Biết bao lần mình nói những ước mơ cao đẹp, sao lại rơi vào những vũng lầy, không thể chấp nhận như thế? Nhưng, thực ra, mình đã quên mất lý tưởng, ước mơ cao đẹp kia đang là bình phong che cho mình những khuyết điểm, những yếu đuối thật của con người mình. Đối diện cách can đảm với những yếu nhược, khuyết điểm của mình, mới mong khắc phục được nó. Chúa bảo: “Hãy vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24).

Phòng vệ bằng cách chạy trốn.

Trước ánh sáng quá sáng, trắng đến loà mắt, trong buổi hiển dung. Thánh Phê rô đã phản ứng xin dựng ba lều, với ý chỉ của việc chạy trốn trước những gi vượt quá hiểu biết. Tư thế phòng thủ bao giờ cũng được cho là thích ứng với những cái quá mới. Điều ấy đôi khi là tốt nhưng cũng đôi khi mất đi những cơ hội để thăng tiến. Cho nên, Chúa Giê su mời gọi hãy ra khỏi cái lều tạm ấy mà đối diện với thực tế, ra khỏi cái mơ màng về cái vinh quang mà không có đau khổ. Đón nhận thực tế, vươn lên bằng mọi nỗ lực như Chúa Giêsu mời gọi: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12).

Phòng vệ bằng cách chối bỏ.

Hoảng sợ đến chối bỏ, như Thánh Phê rô ở sân thượng tế, khi họ bắt Chúa Giêsu, xử án trong đêm. Có nhiều bản án trong đêm tối, không cần bản án ngay chính. Một bản án Chúa Giê su bị quy chụp, bởi sự oán ghét, Chúa cũng đã báo trước cho các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15, 18). Sự việc đến lúc không ngờ và cũng chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, nên thông thường cứ chối trước rồi tính sau. Không ngờ việc chối bỏ như vậy lại là thảm kịch đổ vỡ của tâm hồn. Đã bao lần quyết tâm, rất hào hùng: “Dù có chết con cũng không chối bỏ Thầy” (Lc 22, 33), nhưng cái chết gần kề mới thấy con người nhát đảm của mình.

Tình Yêu Của Chúa

Chạy trốn, rút lui, thường là yếu tố khiếm khuyết của con người trước những nguy cơ. Chúa biết tất cả những yếu kém của con người. Nhiều khi Chúa còn chịu đựng cả những vấp ngã của con người, nhưng tất cả điều đó là vì Tình yêu của Chúa dành cho con người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2,17).

Vì lẽ đó, Chúa không ngừng bảo khuyên và tha thứ. Tình yêu làm cho con người yếu kém trở nên mạnh sức, yếu nhược trở nên can đảm, chạy trốn trở nên người chinh phục… Tình yêu hoán cải con người như người phụ nữ ngoại tình được tha thứ, như Thánh Phê rô được gặp ánh mắt nhân từ, như tên trộm trên thánh giá được lòng xót thương.

Dựng ba lều từ nay không còn là nơi ẩn nấp mà trở thành nơi đón Chúa đến để Người thay đổi chính con. Dựng ba lều không còn là nơi để lẩn tránh, nhưng được hoán đổi thành nơi dừng lại cầu nguyện, tịnh tâm, sám hối.

Xin Chúa cứu giúp sự yếu kém của con.

https://www.mtgthuduc.net/index/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-2-mua-chay-nam-c_2016/#D%E1%BB%B0NG_BA_L%E1%BB%80U_

 

1. LỜI CHÚA

* Bài Ðọc I: Ðnl 26, 4-10

“Dân được chọn tuyên xưng đức tin”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: “Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạvà bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con”. Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người.

1. LỜI CHÚA

* Bài Ðọc I: Hc 27, 5-8

“Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói”.

Trích sách Huấn Ca.

Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người.

1. LỜI CHÚA

* Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

* Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

* Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

2. SUY NIỆM

YÊU KẺ THÙ

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Có nhiều hiểm nguy đe dọa con người trên trái đất. Dịch bệnh như Covid đã giết chết gần sáu triệu người. Thiên tai như hạn hán, lụt lội, động đất, nắng nóng, cũng là những mối đe dọa thường xuyên. Các khoa học gia sợ một ngày nào đó, có một thiên thạch lao vào trái đất, và làm nó tan thành tro bụi. Dầu sao đó không phải là những mối đe dọa đáng sợ nhất. Hận thù mới là mối đe dọa tất cả loài người. Con người nuôi hận thù từ thời Cain giết Aben, từ thời ông Giuse suýt bị giết bởi chính anh em của mình. Hận thù tiếp diễn trong dòng lịch sử giữa các tôn giáo, các dân tộc và sắc tộc, giữa những ý thức hệ khác nhau, và ngay trong gia đình, trong mọi tổ chức.

Tin Mừng của Đức Giêsu nói về cách thức loại bỏ hận thù, cách thức đối xử với kẻ thù của mình. Ngài kể ra một số kẻ thù quen thuộc của chúng ta: kẻ ghét ta, nguyền rủa ta, hay vu khống cho ta, kẻ tát vào mặt ta và đoạt áo ngoài của ta (Lc 6,27-29). Ngài chỉ cho ta cách cư xử với những kẻ thù đó. Không lấy hận thù đáp lại hận thù, nhưng lấy ân báo oán. Giáo huấn quan trọng của Ngài là: hãy yêu kẻ thù. Yêu ở đây không phải là chuyện tình cảm hay cảm xúc, mà là chuyện thể hiện ra bằng hành động cụ thể. Làm ơn cho kẻ ghét, chúc lành cho kẻ nguyền rủa, cầu nguyện cho kẻ vu khống, không dùng bạo lực với kẻ xúc phạm đến mình. Những hành động như thế hiển nhiên là khó, và có vẻ đi ngược với bản tính tự nhiên của con người. Đức Giêsu mời chúng ta bước lên một trình độ cao hơn, vượt xa phản ứng ăn miếng trả miếng bình thường, để bước vào thế giới siêu nhiên của Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng đòi ta ra khỏi thái độ có qua có lại: Yêu kẻ yêu mình, làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, cho vay để được trả lại sòng phẳng (Lc 6,32-34). Đối với Ngài, thái độ ấy, kẻ tội lỗi cũng làm được. Người môn đệ của Ngài phải làm hơn thế nhiều: yêu kẻ không yêu mình, làm ơn cho kẻ gây oán, cho vay mà chẳng hy vọng sẽ được trả lại. Sống như thế là sống theo kiểu của Đấng Tối Cao, Đấng nhân hậu với cả những kẻ vô ân và gian ác. Chỉ khi sống theo cung cách của Cha trên trời, chúng ta mới thực sự trở nên con cái của Cha (Lc 6,35). Cách cư xử của Cha trên trời là mẫu mực cho chúng ta. Những kẻ xấu xa gian ác, Ngài vẫn coi họ là con, vì Ngài có lòng thương xót, từ tâm với mọi người. Kẻ xấu, người tốt đều có chỗ trong trái tim Ngài. Ngài vui khi thấy chúng ta yêu thương và tha thứ cho nhau, không xét đoán, kết án, hay loại trừ nhau (Lc 6,37). Thiên Chúa Cha là Đấng thích cho cách quảng đại. Khi ta cho và cho vay, Ngài không để ta chịu thiệt bao giờ. Nếu người vay không trả, Ngài sẽ đứng ra lo liệu để chúng ta được hưởng đấu đầy, dư tràn vạt áo. Các tôn giáo thường dạy lấy ân báo oán. Chỉ Đức Giêsu mới dạy cho biết tại sao phải làm như vậy. Ngài đưa ta vào một tam giác của tương quan, nơi đó có Thiên Chúa, có tôi và kẻ thù của tôi. Tôi và kẻ thù là anh em của nhau, con của Cha trên trời. Cha mong tôi bắt chước Cha khi đối xử với kẻ thù: nhân hậu, tha thứ, cảm thông, độ lượng, cao thượng. Như thế là xóa bỏ hận thù, biến kẻ thù nên bạn.

CẦU NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,

thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung

đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ

cho bao người trên thế giới và cho Giáo Hội.

Chúng con muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,

và làm cho Giáo Hội chỉ gồm những người thánh thiện.

Nhưng lạy Thầy Giêsu,

Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,

và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.

Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,

và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.

Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,

Đấng kiên nhẫn chờ con người hối cải,

Đấng cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,

và mưa rơi trên ác nhân.

Thầy cũng cho chúng con thấy khuôn mặt của Thầy,

Đấng không bẻ gãy cây lau bị giập,

không làm tắt tim đèn còn khói.

Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận

cuộc xung đột kéo dài đến tận thế

giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm,

giữa lúa tốt và cỏ lùng.

Và xin cho chúng con tin rằng

chiến thắng cuối cùng

sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện,

công lý và tình yêu.

https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/chua-nhat-7-thuong-nien-nam-c-lc-6-27-38-53470

1. LỜI CHÚA

* Bài Ðọc I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

* Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

* Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

2. SUY NIỆM

NGHÈO KHÓ VÀ GIÀU CÓ

Lm. Thái Nguyên 

Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc thật. Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang phú quý, được danh thơm tiếng tốt và quyền cao chức trọng… ai cũng rất sợ nghèo nàn, túng thiếu, thấp kém… Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với một não trạng khác:“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”. Các môn đệ Đức Giêsu là những người có phúc, vì phải chịu nghèo, chịu đói, chịu oán ghét, và bị khai trừ vì Ngài. Nước Trời thuộc về họ từ hôm nay và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Người nghèo phải chăng là người thiếu thốn của cải vật chất? Phải chăng Đức Giêsu chúc phúc cho một giai cấp xã hội? Thật ra chẳng có thực trạng xã hội nào được phong thánh hay được đặt quan hệ trực tiếp với Nước Trời. Chúa Giêsu đến cho mọi thành phần xã hội chứ không chỉ riêng cho người nghèo. Tuy nhiên, sứ mạng của Đức Giêsu liên hệ cấp bách đến những người bị đói khát, khóc lóc, bách hại, ngược đãi… Họ là những người bị bỏ rơi, bị loại ra bên lề xã hội vì bệnh tật, nghèo hèn hay vì thành kiến của xã hội và tôn giáo. Chúa Giêsu đến trước tiên là để giải thoát họ khỏi tình trạng quá éo le trong đời. Họ phải là những người được chúc phúc đầu tiên khi Nước Trời đến, và như vậy Ngài đem lại một trật tự mới, vượt qua sự phân chia giai cấp giàu nghèo. Nghèo không thể là ý nghĩa dự phóng của đời người, vì Chúa đến là để cho mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

Thật ra, tự bản chất giàu-nghèo chưa là gì cả, không xấu cũng không tốt. Hạnh phúc hay đau khổ phát xuất từ trong tâm chứ không đến từ bên ngoài. Những gì bên ngoài chỉ làm tăng thêm cảm xúc chứ không tăng thêm hạnh phúc. Hạnh phúc hay không là tùy thuộc tâm thái của mỗi người trước mọi tình cảnh, dù nghèo vẫn sống vui. Hạnh phúc hay đau khổ là một tâm thái, nên nó cũng là một lựa chọn: sống yêu thương hay ích kỷ, tha thứ hay thù hằn, mở ra hay khép lại, đón nhận hay từ khước… Phúc hay họa đã nằm sẵn trong thái độ sống.

Giàu có bị phủ nhận vì mãi lực của nó muốn biến thành tuyệt đối, đòi được tôn thờ, khiến toàn thể cuộc sống con người bị cuốn hút vào đó. Giàu có làm ta xao lãng và xa cách Thiên Chúa, vì nghĩ rằng hạnh phúc phát sinh từ những gì ta có. Thực chất, giàu chỉ đem lại một thứ an toàn giả tạo, vật hóa tinh thần, vô hiệu hóa khả năng hiệp thông. Những kẻ giàu phải bảo vệ những gì họ có, nên khó sống chân tình với mọi người. “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”. Không yêu tiền bạc, không đặt nặng vật chất, không coi nhẹ tình nghĩa, sao có thể làm giàu?

Lời Chúa hôm nay cũng cảnh cáo:“khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Chúa Giêsu đã từng nói nhiều về vấn đề này: Ngài gọi kẻ lo thu tích của cải là “đồ ngốc” (Lc 12, 20), coi sự ham muốn giàu có là “bất chính” (Lc 16, 9), ham mê tiền của là điều “ghê tởm” (Lc 16, 14), và khẳng định: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24). Ngài yêu cầu các môn đệ phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và tiền của (x. Lc 16, 13).

Tuy nhiên, nghèo không phải là không có nguy cơ. Nghèo cũng dễ đưa tới gian tham, trộm cắp và mọi thứ tội phạm, có khi đưa tới tuyệt vọng. Những lý do nghèo có thể là tiêu cực, nhưng căn nguyên của nó vẫn là sự bóc lột lẫn nhau, tạo nên một phân chia giai cấp, bất bình đẳng và phi nhân hóa. Chỉ khi từ bỏ não trạng chạy theo lợi nhuận, xa hoa và thu tích tài sản, con người mới tạo được một xã hội nhân bản, công bình và huynh đệ. Lúc đó giàu mới là điều tốt và được chúc phúc, vì giữ được tâm hồn sạch tội, không chạy theo của cải, tiền tài (x. Hc 31, 8).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Kitô (x. Lc 6, 20) nhằm xây dựng Nước Trời tại trần gianngười Kitô hữu cần phải sống đơn sơ giản dị, giảm bớt nhu cầu, để có thể sống yêu thương và chia sẻ cho bao người đang lâm cảnh túng thiếu. Điều cần thiết là sống thân phận thụ tạo, thoát khỏi sự kiềm chế của bản năng tham lam, quyền hành và độc chiếm, để đón nhận và trao ban. Mọi của cải đều là ân huệ Chúa ban, nên cũng phải biến thành ân huệ cho người khác. Đã được cho không thì cũng phải cho không. Điều quan trọng là hoàn thiện bản thân, trong việc sống gắn bó và tùy thuộc vào Thiên Chúa. Đây là cốt lõi của tinh thần khó nghèo, cho ta có được hạnh phúc siêu nhiên thanh thoát ngay ở đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Mối phúc đầu tiên Chúa công bố,
dành cho ai có tâm hồn nghèo khó,
là điều làm cho con phải giằng co,
giữa việc sở hữu và sống đời từ bỏ.

Thật ra chẳng có gì là mâu thuẫn,
giữa văn minh tiến bộ và hồng ân cứu độ,
giữa đời này và hạnh phúc đời sau,
vì ơn Chúa trao là cuộc sống dồi dào.

Nhưng lời Chúa cho con biết rõ hơn,
tâm hồn nghèo khó là yếu tố quyết định,
để mọi phát triển trở thành điều chân chính,
vì chúng con dễ ham mê tiền tài danh vọng,
nên cũng dễ lật lọng và đối xử bất công,
gây ra bao khốn cùng cho cuộc sống.

Nghèo khó tinh thần cho con sự bình tâm,
không để cho cảm xúc đẩy đưa hay chế ngự,
không bị lôi cuốn theo những thứ bên ngoài,
để tâm hồn luôn thoải mái an vui.

Hạnh phúc không chỉ là tinh thần nghèo khó,
mà còn dám có một cuộc sống khó nghèo,
là cuộc sống rất thanh cao và giản dị,
tự giải thoát mình khỏi tính tham sân si.

Thật ra sự nghèo khó tự nó chẳng tốt gì,
khi người ta đành phải chịu vì cam phận,
chứ không vui lòng đón nhận vì tình yêu,
hay không chờ đợi mọi điều từ nơi Chúa.

Con nghèo khó khi không ham mê giàu có,
coi mọi sự trong đời dù có cũng như không,
để mở rộng lòng quảng đại biết cho đi,
và dám dâng hiến ngay những gì còn lại.
Cho con sống trọn vẹn giây phút hiện tại,
luôn bên Chúa với tâm hồn thư thái. Amen.

https://www.mtgthuduc.net/index/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-6-thuong-nien-nam-c/#H%E1%BA%A0NH_PH%C3%9AC_TH%E1%BA%ACT!_