1.Khởi đầu
Qua lời mời gọi " Fidei Donum" của Đức Thánh Cha Pi-ô XII, Mẹ Honorine LULLIER, Bề Trên Tổng Quyền đương kim đã quyết định thành lập một số cộng đoàn nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng tại Bờ Biển Ngà. Theo lời xin của Đức Cha DURRHEIMER, Đại diện Tông Tòa ở KORHOGO-KATIOLA, phía Đông-Bắc Bờ Biển Ngà, Mẹ đã phái ba nữ tu đầu tiên là : Sœur Agathe LANGARD, Sœur Sainte-Foi CLAUDEL, Sœur Saint Gabriel THIRIAT. Các Chị đã được tiếp đón tại TRANSUA ngày 05.11.1959, bởi Cha Jules MEYER, thuộc Hội Thừa sai Phi châu (TSPC) Lyon. Vị linh mục thừa sai này đã chính thức mở cộng đoàn này ngày 12.05.1959.
Trong quyển sách : " Lịch sử Truyền giáo ở miền Đông-Bắc, Giáo phận BONDOUKOU, Cha Jean-Paul Eschlimann (TSPC) có ghi, khi nói về việc tiếp đón các chị em :
"Ngay từ lúc ra đi, việc phân chia công tác và sứ mạng giữa các nữ tu đã được ấn định rõ rệt : các nữ tu sẽ điều hành và dạy dỗ trong các trường nữ sinh, chăm sóc bệnh nhân, quản lý phòng chữa bệnh và linh hoạt cho những phụ nữ trong làng (...) còn các linh mục thì sẽ có trách nhiệm loan báo Tin Mừng và ban các bí tích."
Nhưng không bao lâu sau, các chị đã vượt biên giới hoạt động của mình để dấn thân vào nhiều công tác khác như : phụ trách các nhóm hoạt động công giáo : Công giáo Tiến hành – các phong trào thiếu nhi - nhận nuôi các em cô nhi - giáo dục và phát triển nông thôn cho các người phụ nữ - mở lớp dạy thêu để bán sản phẩm làm lợi cho các thành viên của tổ - công tác mục vụ trong làng.
Cũng trong quyển sách nói trên, Cha ESCHLIMANN còn ghi :
"Các nữ tu rất quan tâm đến việc thăng tiến sự tự do của người phụ nữ Abron, khi các chị rời khỏi nghành giáo dục sau nhiều thập kỷ hoạt động tại Transua (....) Nếu dùng từ ngữ phát triển, ta có thể nói, nơi nào các linh mục chỉ lưu tâm đến việc giúp ý thức và soi sáng, thì các nữ tu đi vào những hoạt động cụ thể có ảnh hưởng tích cực trên một số người phụ nữ ..."
Cũng nên lưu ý rằng, nền Độc Lập của Bờ Biển Ngà đã được công bố ngày 07.08.1960. Lúc các nữ tu Chúa Quan Phòng đến thì đất nước còn ở dưới chế độ thực dân pháp, đang sôi sục vươn mình lên để thoát khỏi ách đô hộ, dưới sự thúc đẩy của người mà sau này sẽ trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Bờ Biển Ngà : Félix HOUPHOUET-BOIGNY.
2- Và sau đó...
Nhiều cuộc ra đi khác được nhanh chống tiếp nối và các cộng đoàn từ từ được khai mở :
- Năm 1961 tại TANKESSE : ba nữ tu phụ trách một trường tiểu học, một ký túc xá cho các học sinh từ trong làng ra thành đi học, một phòng chữa bệnh và một nhà bảo sanh.
- Năm 1963 tại làng AGNIBILEKROU, ba nữ tu khác được sai đến để lo cho trường tiểu học và việc thăng tiến các người phụ nữ trong làng. Nhưng sứ mạng thứ hai không được thực hiện do Đức Giám mục người Bờ Biển Ngà của Giáo phận ABENGOUROU, mà các chị tùy thuộc, xin các chị mở một trường trung học để nhận các nữ sinh từ lớp sáu đến lớp chín. Người muốn các nữ tu phải đào tạo “những thiếu nữ có học thức, có trách nhiệm và có khả năng hoạt động cho việc phát triển đất nước..." Tháng 09.1965, “Trường Nữ Trung học Công giáo " Agnibilékrou được khai giảng. Tháng 07.1986, trường được để lại cho Nghành Giáo Dục Công giáo của Giáo phận, và một cựu học sinh của trường được chọn làm Hiệu Trưởng trường.
- Năm 1971, hai nữ tu được cchuyển đến Bondoukou : một chị làm giáo sư toán trong trường Trung học vừa mới được Nhà Nước thành lập ; một chị khác dấn thân trong môi trường mục vụ, cách riêng lo dạy giáo lý cho các thiếu nhi, đặc biệt trong các thôn làng. Về sau, cộng đoàn này có tới năm nữ tu dấn thân trong những hoạt động thăng tiến con người, y tế trong các thôn làng và mục vụ giáo lý cho các thanh thiếu niên và người lớn, giúp các người trẻ có cơ hội học tập, trong liên hệ chặt chẽ với các linh mục - ngoại quốc hay bản xứ.
- Trong thời gian đó, Sœur Agathe LANGARD được có cơ hội rời khỏi TRANSUA để đi xa hơn, đến TEHINI, miền Đông-Bắc, xứ sở của người LOBI, là vùng còn rất hoang sơ trong việc truyền giáo, và cũng là một vùng bị thua thiệt, không ai muốn đến. Sr. Agathe một mình đơn độc hao tốn sức lực trong nhà bảo sanh và phòng chữa bệnh. Khi Chị trở về Pháp, vào năm 1981, hai nữ tu khác đến đây để tiếp tục công việc của Chị trong công tác y tế, và trong mức độ có thể được, giúp dạy vệ sinh cho các người phụ nữ trong làng.
Trong suốt thời gian an bình và thịnh vượng là thời gian 40 năm cai trị của Tổng Thống HOUPHOUET-BOIGNY, cũng như trong những năm kế tiếp với nhiều sóng gió (đảo lộn về chính trị, đấu tranh để giành quyền, cuộc đảo chính, nội chiến), các nữ tu luôn luôn sống gần và sống với những người dân đơn sơ, chất phát, thiếu thốn và thường bị ức hiếp. Khi nói về cách sống này của đời tu tông đồ, Cha Michel DORTEL-CLAUDOT phát biểu :
" Đó chính là Phúc Âm được diễn tả bằng cử chỉ trước khi thành lời nói ; là bàn tay cử động trước khi miệng thốt lên lời, là hành động nói về Chúa Giêsu Kitô trước khi đôi môi ngắc ngứ tên của Ngài. ..."
3- Hôm nay và ngày mai ...
Hiện nay, phần đa những nơi và những nhà được các cộng đoàn linh hoạt thì không còn hiện hữu với tư cách là cộng đoàn nữa, trừ TRANSUA và BONDOUKOU. Các sinh hoạt y tế và giáo dục được đảm bảo bởi những người dân trong xứ, như ở TANKESSE, AGNIBILEKROU, TEHINI. Vào thời thịnh vượng của sứ vụ, có tới 14 nữ tu dấn thân hoạt động.
Giờ đây, ơn gọi ở châu Âu xuống dốc và số chị em cao niên tăng lên. Trong tương lai gần, sẽ không còn có sự hiện diện của nữ tu Chúa Quan Phòng âu châu ở Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên ơn gọi linh mục ngày càng tăng và có thể đảm bảo được các nhu cầu mục vụ cho các giáo xứ.
Sự tiến triển của các Dòng nữ trong vùng không đi theo cùng chiều với ơn gọi nam. Vào lúc bài này được viết ra thì chúng ta có hai nữ tu người Bờ Biển Ngà, và sáu nữ tu người Việt Nam hoạt động trong Giáo phận Bondoukou. Cũng cần lưu ý rằng, ngay từ năm 1962, tất cả các Giám mục của Tây Phi đã yêu cầu các Dòng tu ngoại quốc không được tìm ơn gọi cho Dòng của mình, hầu tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của các Dòng tu bản xứ. Điều này là một cản trở cho sự phát triển của các Dòng quốc tế. Đến năm 1984, yêu cầu này được bãi bỏ. Tuy nhiên khó mà tìm lại số ơn gọi như mình mong ước.
Cũng nên nhấn mạnh rằng tình hình truyền giáo tại địa phương đã thay đổi rất nhiều : Giáo Hội Bờ Biển Ngà đang trong tình trạng chuyển hóa và thực hiện sự tự lập, cả về vật chất lẫn mục vụ.
Các nữ tu đang hoạt động tại đó phải đối chất với lời khuyên nhủ của Cha Gioan Martinô MOYE : " sẵn sàng ra đi, sẵn sàng ở lại ". Trong cuộc họp Hội Đồng Dòng tại Việt Nam vào năm 2009, bản báo cáo được thông qua, có trả lời cho câu hỏi : “Tại sao chúng tôi có mặt ở đó ?”, bằng những lời sau đây :
"Chúng tôi có mặt ở đó bởi vì chúng tôi tin. Bởi vì chúng tôi muốn là dấu chỉ Tin Mừng cho thế giới đang đi tìm hòa bình, công lý và tình huynh đệ. Chúng tôi muốn là những chứng nhân của sự hiệp thông, để cho con người được lớn lên đến mức trưởng thành làm em của Đức Kitô và làm con của Chúa Cha."
Xin cho được như vậy!
Portieux, ngày 13 tháng 08 năm 2018
I/ Từ khởi đầu cho đến Tổng Tu Nghị 2010.
1/Diễn biến lịch sử
Công cuộc truyền giáo của Hội Dòng Chúa Quan Phòng trên đất nước Bờ Biển Ngà được khởi sướng qua lời mời gọi của Giám Mục địa phận tại đó. Bề Trên gửi 6 sœurs người Pháp từ Portieux đi vào ngày 05/11/1959, các chị đã đặt chân đến Bờ Biển Ngà đầu tiên tại TRANSUA.
Nhờ hồng ân Chúa và sự nhiệt thành của các chị, sau một thời gian ngắn, các chị đã tiếp đón thêm những thành viên mới và mở thêm 4 cộng đoàn : SAINTE ODILE , TEHENIE, ABELGROUROU, TANKESSE
Trong thời gian này, Bờ BIển Ngà đã nhận được 29 sœurs truyền giáo của Hội Dòng : 1 sœur người Ý, 20 sœurs người Pháp, 5 sœurs Việt Nam và 3 sœurs người Châu Phi.
2/ Những hoạt động của chị em
-Làm việc trong những trạm xá
-Giảng dạy trong Đại Chủng Viện
-Tham gia trong việc giáo dục khác như : dạy học trong những trường cấp 2, phục vụ trong thư viện, tổ chức các khóa xóa mù chữ, dạy nghề thêu, may trong trung tâm phụ nữ.
-Tham gia trong việc mục vụ như : dạy giáo lý, thăm viếng trong làng, đồng hành với những giới trẻ và thiếu nhi trong giáo xứ.
-Làm trung gian giữa các trung tâm xã hội để giúp các em khuyết tật.
II/ Thời gian sau Tổng Tu Nghị 2010 đến hôm nay
1/ Diễn biến lịch sử
Có nhiều thay đổi trong các lãnh vực : chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, và nhận thức của con người…Sự hiện diện và sứ mệnh của quý sœurs Chúa Quan Phòng cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu xã hội hiện tại.
Vì thiếu nhân sự nên từ 5 cộng đoàn gom lại thành 2 cộng đoàn trong thành phố BONDOUKOU.
Năm 2010, sau Tổng Tu Nghị đã có một luồng gió mới cho Bờ Biển Ngà, cộng đoàn Thỉnh Viện được mở ra tại cộng đoàn BONDOUKOU để tiếp đón 2 em thỉnh sinh người bản địa.
Một năm sau, cộng đoàn Tập Viện được mở cạnh cộng đoàn Sainte Odile để tiếp đón 2 em Tập Sinh mới chuyển lên từ cộng đoàn Thỉnh Viện.
Vào năm 2012, cộng đoàn TRANSUA được mở lại với sự hiện diện của 2 sœurs người Việt Nam và một em tập sinh người bản xứ tại đó.
Sau một thời gian dài, ơn gọi không có nữa nên 2 cộng đoàn Thỉnh Viện và Tập Viện đã đóng cửa.
Đến năm 2016,chỉ có 9 sœurs hiện diện và làm việc tại Bờ Biển Ngà, trong đó có 1 sœur người Pháp, 6 sœurs người Việt Nam, và 2 sœurs người Châu Phi. Quý chị hiện diện trong 2 cộng đoàn BONDOUKOU và TRANSUA thuộc địa phận BONDOUKOU.
2/ Hoạt động mục vụ ngày nay
- Xã hội : Làm việc trong trung tâm bệnh tâm thần Saint Camille. Hướng dẫn đồng hành cho phụ huynh các em khuyết tật để giúp điều trị cho các em
- Mục vụ giáo xứ : Dạy giáo lý, chuẩn bị Thánh Lễ
- Giáo dục : có lưu xá cho các em học sinh nữ cấp II. Mở trường mẫu giáo tại TRANSUA. Dạy trong trường mẫu giáo của địa phận.
Côte D'Ivoire
Page 4 of 4