Mỗi từ sẽ được định nghĩa theo ý nghĩa chung và ý nghĩa riêng của Hội Dòng.
A. Đặc sủng hay Đoàn sủng (charisme)
1. Nghĩa chung: Đức Thánh Cha Phaolô VI đã dùng hạn từ này lần đầu tiên trong Tông huấn Chứng Tá Phúc Âm số 11. Ngày nay hạn từ này trở thành thông dụng khi nói về đặc sủng của những vị Sáng Lập Dòng hay của chính các Dòng tu.
Charisme: Gốc từ hy lạp có nghĩa là tặng vật, ân huệ, có thể hiểu về ân sủng, nhưng nhiều khi cũng có nghĩa là ơn siêu nhiên, phi thường mà Chúa Thánh Thần ban cho một cá nhân để phục vụ lợi ích của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Người đón nhận ơn này cảm thấy được mời gọi theo Chúa Giêsu để thực hiện một giáo huấn hay noi theo một gương mẫu của Người, tùy theo khả năng riêng của mình, hầu phục vụ Giáo Hội và nhân loại một cách mới mẻ, theo nhu cầu của thời đại và hoàn cảnh.
Đoàn sủng: Việc chia sẻ đặc sủng của Đấng Sáng Lập cho nhiều người khác sống, qua lời khấn dòng, là sống Đoàn Sủng của Đấng Sáng Lập dòng hay của Dòng (xem Tông Huấn CTPÂ số 12).
2. Đặc sủng của Dòng Chúa Quan Phòng: Ơn riêng Chúa ban cho Cha Á Thánh Gioan Martinô MOYE và Cha đã chia sẻ lại cho các nữ tu Chúa Quan Phòng. Đó là:
“Thực hiện kế hoạch lòng thương xót Chúa trên mọi người,
đặc biệt là giới thanh thiếu niên và những người nghèo nhất, bị bỏ rơi nhất”
(xem HD.tr.66)
B. Tôn Chỉ (devise)
1. Nghĩa chung: Nguyên tắc chính chi phối mục đích hoạt động của một tổ chức, một đoàn thể.
2. Tôn chỉ của Dòng Chúa Quan Phòng:
“Tất cả cho vinh quang Thiên Chúa vì Danh Đức Giêsu Kitô”
C. Dự Án (projet)
1. Nghĩa chung: Dự thảo văn kiện luật pháp hoặc kế hoạch.
2. Dự án của Cha MOYE: “Gởi các thiếu nữ đến bất cứ nơi nào xin họ đến, mà không có vốn liếng nào khác ngoài Chúa Quan Phòng, với xác tín rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai tin cậy phó mặc cho Ngài” (HD. 64).
D. Tinh thần (esprit)
1. Nghĩa chung: Theo văn mạch, người ta có thể hiểu tinh thần của Đấng Sáng Lập là “tâm thức” (mentalité), đường lối, cảm nghĩ và xử sự của Đấng Sáng Lập mà những thành viên tiên khởi của Hội Dòng đã học được và truyền lại cho hậu thế cách trung thực.
Người tu sĩ do được huấn luyện và sống trong Dòng mà từ từ được thấm nhuần tinh thần Dòng.
2. Tinh thần của Dòng Chúa Quan Phòng: “Tinh thần thực sự của nếp sống chúng ta, chính là tinh thần "ĐƠN SƠ, NGHÈO KHÓ, THƯƠNG YÊU VÀ PHÓ MẶC HOÀN TOÀN CHO CHÚA QUAN PHÒNG" (HD.376)
E. Linh đạo (spiritualité)
1. Nghĩa chung: Đường hướng sống đời sống tâm linh.
2. Linh đạo của Dòng Chúa Quan Phòng: Linh đạo của Dòng cũng là Tinh thần của Dòng.
Đó là 4 nhân đức căn bản mà Cha Á Thánh để lại cho chị em dòng Chúa Quan Phòng như “bốn cột trụ chống đỡ tòa nhà Dòng” (HD.376): "ĐƠN SƠ, NGHÈO KHÓ, BÁC ÁI VÀ ĐẶC BIỆT LÀ PHÓ THÁC HOÀN TOÀN CHO CHÚA QUAN PHÒNG"