Chúng ta đang bước vào Tuần Thánh mà cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua. Trong những ngày này, chúng ta sẽ chứng kiến những ngày cuối cùng của Đức Giêsu nơi trần gian. Suốt 3 năm ngắn ngủi trong cuộc đời hoạt động công khai, Đức Giêsu đã làm biết bao nhiêu việc tốt lành: giảng dạy, chữa bệnh phần xác cũng như phần hồn, trừ quỷ…biết bao người nhờ Ngài mà “ được sống và sống dồi dào”. Vậy mà, cũng chính những khuôn mặt ấy, những con người ấy đã góp phần làm nên cái chết của chính vị ân nhân mình. Chúng ta hãy điểm qua một vài khuôn mặt xuất hiện trong cuộc thương khó này, và biết đâu thấp thoáng trong đó, có khuôn mặt của chính chúng ta.
Các Thượng tế - Kinh sư – Kỳ mục
Đây là hàng lãnh đạo của Do Thái giáo. Họ là những bậc vị vọng, là những người có thế giá và tiếng nói trong tôn giáo. Đáng lẽ họ phải đại diện cho sự thật, cho tình yêu, công bằng và những điều thiện hảo, thì chính họ lại là những người làm nên cái chết của Đức Giêsu.
Sau một loạt tranh cãi căng thẳng giữa Đức Giêsu, người Pharisêu và các kinh sư về việc nộp thuế cho Xêda (Mt 22,15-22); về vấn đề kẻ chết sống lại (Mt 15,23-33); về điều răn trọng nhất; rồi việc Đức Giêsu khiển trách sự giả hình của các Kinh sư và Pharisêu (Mt 23,1-36) những cuộc tranh cãi về việc Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabat, những lần họ gài bẫy nhưng Đức Giêsu không “sập bẫy”… họ đã tức điên lên cùng nhau lập mưu bắt và giết Đức Giêsu (Mt 26,3-4). Những cái đầu dùng để lãnh đạo giờ đây dùng để nghĩ ra những mưu thâm kế độc; những trái tim lẽ ra phải yêu thương thì lại chất chứa thù hận thâm sâu và không hề biết phục thiện. Vì ghen tỵ, người ta sẵn sàng loại trừ người không cùng quan điểm với mình và làm tốt hơn mình.
Giuđa It-ca-ri-ôt
Mưu kế của các Thượng tế - Kinh sư và Kỳ mục đưa ra liền được một người đáp ứng - Giuđa It-ca-ri-ôt. Tin Mừng ghi rất rõ: “ Bấy giờ, một người trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa It-ca-ri-ôt đi gặp các thượng tế mà nói: “ Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” (Mt 26, 14-16). Rất nhiều lần tôi tự hỏi liệu Chúa có lầm khi chọn Giuđa không? Một tông đồ mà Chúa đã thức suốt đêm cầu nguyện để xin ý Cha, và Ngài đã chọn Giuđa trong tình yêu. Ngài dùng 3 năm để dạy dỗ, huấn luyện và cho Giuđa cơ hội chia sẻ cuộc sống và sứ vụ của Ngài; Ngài giao nhiệm vụ quan trọng là “túi tiền” của cả nhóm cho Giuđa…vậy mà giờ đây, chính đồng tiền đã làm Giuđa mờ mắt, bán Thầy với giá ba mươi đồng bạc bằng với giá của một tên nô lệ. Đồng tiền đã khiến Giuđa để mình “rơi tự do” mặc dù Đức Giêsu đã nhiều lần nói rất ẩn ý: “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn.” (Mt 26,24) Giuđa đã bỏ ngoài tai lời của Đức Giêsu, ông dùng chính cái hôn nghĩa tình giữa thầy trò để chỉ điểm cho quân lính bắt thầy. Nỗi đau bị chính người mình yêu thương phản bội là nỗi đau không diễn tả hết bằng lời. Đức Giêsu nói với Giuđa một câu nghe xót lòng: “Giuđa ơi, anh dùng chính cái hôn mà nộp Con Người sao?(Lc 22,48). Nhưng lúc này, mọi lời nói đã không thể thức tỉnh được một con người đang cố tình ngủ.
Philatô
Khi đọc lại đoạn Philatô xử án Đức Giêsu, tôi vừa bực, vừa thương ông. Là một người nắm quyền lực trong tay, đáng lẽ ra ông phải biết phân biệt trắng đen, tốt xấu và chính trực, công minh trong từng quyết định. Nhưng cuối cùng, sức ép của đám đông đã chiến thắng “một trái tim do dự”. Không hẳn Philatô xấu, chính ông đã 2 lần muốn cứu Đức Giêsu: sau khi xét hỏi Đức Giêsu, Philatô đã nói: “Ta xét thấy người này không có tội gì.” (Lc 23,4), nhưng đám đông dân chúng khăng khăng không chịu. Để cứu Đức Giêsu, Philatô đã chuyển giao Đức Giêsu cho Hêrôđê, nhưng Hêrôđê trả Người về cho Philatô vì Đức Giêsu không đáp ứng điều ông ta muốn. Biết được chỉ vì ghen tỵ mà các Thượng tế, Kinh sư và Kỳ mục muốn giết Đức Giêsu nên Philatô đem Baraba cho dân chúng chọn, hy vọng họ sẽ chọn tha Đức Giêsu. Nhưng Philatô một lần nữa bị lầm. Khi con tim người ta trở nên chai cứng, lòng thù hận lên ngôi, thì sự thật và tình yêu đều không còn tồn tại. Dưới sự xúi giục của những người đứng đầu tôn giáo, dân chúng thà chọn một tên cướp của, giết người hơn là chọn Đấng thi thố Tình yêu và cho họ được sống. Còn Philatô vì sợ mất “nồi cơm”, mất “cái ghế” và vì áp lực từ đám đông, ông đã “rửa tay” để mặc người vô tội bị đem đi đóng đinh.
Có lẽ nhiều lần trong cuộc sống, sức ép từ đám đông cũng khiến chúng ta không dám làm chứng cho sự thật, chúng ta nhắm mắt làm ngơ không dám bênh vực người cô thế cô thân, người đang cần sự nâng đỡ của chúng ta. Những lúc đó, chúng ta cũng đang mang chính khuôn mặt của Philatô.
Dân chúng
Trong 3 năm thi hành sứ mạng, Đức Giêsu đã làm không biết bao điều tốt đẹp cho dân chúng: giảng dạy, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, trừ quỷ… Những bàn tay ngày nào giơ ra để sờ vào tua áo của Người với hy vọng được khỏi bệnh; những bàn tay đưa ra nhận lấy những chiếc bánh để được ấm lòng sau một ngày dài đi theo Chúa; những bàn tay đã từng được Chúa cầm lấy, chạm vào để xua trừ bệnh tật, để cứu sống, và mới hôm qua đây thôi, những bàn tay ấy cầm cành lá tung hô Chúa vào thành, trải áo lót đường cho Chúa đi… Vậy mà chỉ sau một “cú hích” của giới lãnh đạo Do Thái, những bàn tay đã từng nhận ân huệ ấy đã xoay 1800 chỉ thẳng vào Đức Giêsu đòi đóng đinh và giết chết Người: “ Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người.” (Lc 23,23) Rồi khi Đức Giêsu hấp hối trên thập giá, họ đứng nhìn và nhục mạ Người, thách thức Người xuống khỏi thập giá. ( Mt 27,39). Hiệu ứng đám đông vừa có thể cứu người, nhưng cũng là nơi chôn vùi một cuộc đời.
Binh lính
Dường như việc làm cho người khác đau là niềm vui của một số người. Khi trái tim không có tình người, thì bạo lực, mù quáng và vô cảm sẽ lên ngôi. Những tên binh lính mặc dù thi hành theo mệnh lệnh, nhưng nếu mệnh lệnh là bất công, là tàn ác thì sẽ dẫn đến bạo lực. Khi hành hạ Đức Giêsu, họ xem sự đau đớn của Người như một trò tiêu khiển, Đức Giêsu càng đau thì họ càng hả hê, càng cố sức hành hạ thật nhiều. Sau một đêm bị xét xử ở trước Thượng hội đồng, Đức Giêsu đã bị các binh lính khạc nhổ và đánh đấm, rồi bị tát vào mặt và sỉ nhục.(Mt 26,67-68 )
Sau khi bị đưa qua dinh Philatô xét xử, Đức Giêsu lại tiếp tục bị binh lính “tập trung cả cơ đội” rồi lột áo Người ra, làm đủ trò để nhạo báng Người. Khi đã đánh chán chê, chúng điệu Người đi đóng đinh. Trên đường đi, chúng cũng đâu có để cho Người yên, chúng đánh đập bắt Người phải đi cho nhanh. Kinh Thánh ghi một câu đầy ẩn ý từ miệng Philatô : “Này là người” mà thật sự Người đâu còn hình dạng con người nữa. Chúng ta hãy nhìn khuôn mặt của từng tên binh lính: mỗi khi đánh vào Đức Giêsu họ lại cười hả hê đầy khoái trá, thấy Đức Giêsu té ngã họ lạnh lùng lôi Người dậy để đi tiếp.
Khi trái tim chúng ta không còn đập bởi tình yêu, chúng ta xem nỗi đau của tha nhân như trò vui của mình, thấy anh chị em té ngã, va vấp trong cuộc sống chúng ta lại đạp thêm một cú cho họ đau hơn, chúng ta sảng khoái vì đã loại trừ được một người ta không ưa không thích. Liệu chúng ta có đang mang khuôn mặt của các binh lính xưa để tiếp tục làm đau thân thể Đức Giêsu qua anh chị em ta không?
Tên gian phi bên trái
Dân gian có câu: “ Họa vô đơn chí ” câu này áp dụng rất đúng trên Đức Giêsu. Dường như mọi đau khổ của cuộc đời đều dồn về những ngày cuối cùng này của Ngài: bị Giuđa phản bội, bị Phêrô chối bỏ, các môn đệ bỏ chạy tán loạn, bị xét xử bất công, bị dân chúng “quay xe”, bị binh linh chế nhạo, đánh đòn và cuối cùng chết nhục nhã trên thập giá. Ấy vậy mà trước khi trút hơi thở Đức Giêsu lại bị tên gian phi bên trái nhục mạ, thách thức: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu lấy mình đi, và cứu cả chúng tôi với.” (Lc 23,39). Đấng vô tội lại bị một tên có tội sỉ nhục.
Tên gian phi này đại diện cho những con người chỉ thấy tội của người khác mà không thấy tội của mình. Hắn chỉ thấy cuộc đời làm khổ mình mà không biết mình đã làm khổ đời người khác như thế nào, nên hắn chửi trời, chửi đất, chửi đời và chửi luôn cả Chúa. Cuộc đời hắn luôn tìm cách đổ lỗi cho đời, cho người. Hắn cay cú cho đến lúc chết, mà không biết Đấng là Tình yêu đang ở ngay bên cạnh mình.
Vâng, Đức Giêsu đã đi qua cuộc thương khó như thế đó. Ngài đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc: lo lắng, sợ hãi, buồn sầu, đau đớn... với những khuôn mặt Ngài từng yêu mến, gắn bó, cả những khuôn mặt từng chạm trán và đối đầu, rồi những khuôn mặt chưa từng quen biết nhưng đã góp phần tạo nên cái chết đau đớn ô nhục của Ngài trên thập giá. Những khuôn mặt thật “khó thương”, nhưng Ngài đã dùng Thánh Giá và cái chết của Ngài để biến những cái “khó thương” ấy thành Tình Yêu và ơn cứu độ cho nhân loại.
Cuộc đời của người môn đệ Đức Giêsu cũng không tránh khỏi những cái “khó thương” ấy trong khi thi hành sứ mạng, đôi khi phải trả giá bằng nước mắt và đau đớn. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giêsu, Thầy của chúng ta đã đi trước, Ngài đã dùng Tình yêu để biến Thập giá thành Thánh Giá. Chúng ta hãy để cho lời mời gọi “ Hãy theo Thầy” vang vọng trong trái tim của chúng ta, để khi bước theo Thầy, chúng ta cũng sẽ đi theo con đường Thầy đã đi năm xưa, để từ Thập Giá chúng ta mới đến được vinh quang Phục Sinh.
Sr. Ter.Trúc Băng