Thế giới quanh ta dường như trở nên bận rộn ồn ào, đôi khi chúng ta cảm thấy mình cần phải tăng tốc để bắt kịp nhịp thời gian. Có lẽ chính vì thế mà cảm giác yên bình và tĩnh lặng trở nên quý hiếm trong cuộc sống đời thường của con người, và có thể cũng trở nên quý hiếm trong đời tu của chính tôi. Mừng lễ Thánh Giuse, tôi đọc lại các bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô, viết về thánh Giuse, trong đó có bài: “Giuse, con người thinh lặng”. Bài viết này tựa như chuyên mục “đọc sách với bạn”, để bạn và tôi có lại có dịp học với thánh Giuse – thinh lặng!
- Các sách Phúc Âm không tường thuật lời nào của thánh Giuse, nhưng trình bày ngài như một kiểu mẫu về việc chú ý lắng nghe lời Chúa và hành động theo lời đó. Thật vậy, sự im lặng của thánh Giuse là dấu hiệu của tâm hồn chiêm niệm và chăm chú lắng nghe lời Chúa… Mặc dù không dễ dàng, nhưng nuôi dưỡng sự thinh lặng chiêm niệm là một con đường chắc chắn dẫn đến sự hiểu biết đích thực về bản thân và tăng trưởng đời sống tâm linh.
- Sự thinh lặng của thánh Giuse không phải là sự khuyết tật, không phải là sự lầm lì; đó là một sự im lặng đầy lắng nghe, một sự im lặng cần cù, một sự im lặng bộc lộ nội tâm cao cả của ngài. Thánh Gioan Thánh Giá nhận xét: “Chúa Cha đã nói một lời, và đó là Con của Người, và Lời này luôn luôn nói trong sự thinh lặng vĩnh cửu, và trong thinh lặng, Lời này phải được linh hồn lắng nghe” (Những lời của ánh sáng và tình yêu, BC, MADRID, 417, số 99).
- Chúa Giêsu đã được lớn lên trong “trường học” này, trong ngôi nhà ở Nadarét, với gương mẫu hàng ngày của Đức Maria và Thánh Giuse. Và không có gì ngạc nhiên khi chính Người đã tìm kiếm những khoảng thinh lặng trong những ngày của Người và đã mời gọi các môn đệ hãy có một kinh nghiệm như thế: “Anh em hãy vào nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một lát” (Mc 6,31).
- Đức Thánh Cha giải thích: Đây là lý do tại sao chúng ta phải học nơi thánh Giuse để trau dồi sự thinh lặng: không gian nội tâm trong ngày sống của chúng ta, trong đó, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần có cơ hội tái tạo chúng ta, an ủi và sửa chữa chúng ta. Tôi không bảo là hãy câm lặng. Không. Hãy thinh lặng. Nhưng mỗi người chúng ta hãy nhìn vào nội tâm, nhiều khi chúng ta đang làm một công việc và khi hoàn thành, ngay lập tức, chúng ta tìm điện thoại di động để làm việc khác... chúng ta luôn như thế này. Và điều này không giúp ích được gì, điều này khiến chúng ta rơi vào tình trạng hời hợt. Chiều sâu của trái tim lớn lên cùng với sự thinh lặng, một sự thinh lặng không phải là câm lặng mà là khoảng trống cho sự khôn ngoan, suy tư và Thánh Thần. Chúng ta sợ những khoảnh khắc thinh lặng, đừng sợ! Nó sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều.
- Thánh Giuse đã kết hợp sự thinh lặng với hành động. Thánh nhân không nói, nhưng ngài đã hành động, và do đó thể hiện điều Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “… nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Thinh lặng, nói điều đúng, cắn lưỡi một chút đôi khi tốt cho bạn, thay vì nói những điều vô nghĩa.
Vâng! chỉ khi khao khát và tìm kiếm sự thinh lặng tôi mới tìm về bên Chúa, để rồi tôi nhận ra từng bước Chúa đi qua cuộc đời tôi. Vì thế, lòng nhủ lòng, tôi cần phải dừng lại mỗi ngày, tìm cho mình một góc riêng tư tĩnh lặng để được sống với Chúa và ở lại bên Ngài, lắng nghe Lời trong mọi biến cố vui buồn của đời tôi, Lời yêu thương, Lời của hy vọng và là Lời hằng sống…!
Và tôi xin được khép lại bài viết này trong lời kinh nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Lạy thánh Giuse, con người thinh lặng,
trong Tin Mừng ngài đã không nói một lời nào,
xin dạy chúng con đừng nói những lời vô ích,
để khám phá lại giá trị của những lời nói xây dựng, khuyến khích, an ủi và nâng đỡ.
Xin gần gũi những người phải chịu đựng những lời nói làm tổn thương,
như vu khống và đâm thọc sau lưng,
và xin giúp chúng con luôn kết hợp lời nói với việc làm. Amen
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Ngày 15 tháng 03 năm 2025
Kẻ hành hương
Một chút suy tư qua giờ chầu “Lòng Chúa Thương Xót”
Nhân Ngày Lễ Giỗ Cha Phanxico Trương Bửu Diệp
Đêm 12 tháng 3 năm 2025, trong tâm tình tưởng nhớ 79 năm ngày Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, cộng đoàn tín hữu cùng quy tụ bên nhau để sốt sắng tham dự giờ chầu “Lòng Chúa Thương Xót” do Dòng Chúa Quan Phòng phụ trách. Mọi người cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và đón nhận lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời mình.
Với chủ đề "Lòng thương xót của Chúa ngang qua cuộc đời mỗi người", mọi người cảm nhận được “Lòng Chúa Thương Xót” không chỉ là một ý niệm trừu tượng mà là một thực tại sống động, chạm đến từng người theo cách riêng và đầy ân sủng.
Cuộc đời Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp chính là một minh chứng rõ ràng về tình yêu vô biên của Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn đời linh mục với tâm hồn yêu thương, dám hy sinh đến cùng để bảo vệ đoàn chiên.
Qua cuộc đời Cha Diệp, chúng ta nhận ra rằng lòng thương xót không chỉ là điều để lãnh nhận mà còn là sứ mạng để sống và trao ban. Giữa những thăng trầm của cuộc sống, lòng Chúa thương xót vẫn luôn hiện diện. Có thể là qua những bàn tay nhân ái nâng đỡ ta trong lúc khốn khó, qua những lời an ủi khi tâm hồn ta đau buồn, hay qua chính những biến cố thử thách giúp ta nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài. Mỗi người đều có một câu chuyện riêng, một hành trình gặp gỡ lòng Chúa thương xót theo một cách khác nhau, nhưng tất cả đều dẫn về nguồn cội là tình yêu vô biên của Ngài.
Trong giờ chầu linh thiêng, mỗi người tha thiết xin Chúa tuôn đổ tình yêu và lòng thương xót trên cuộc đời mình. Xin Chúa chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn, nâng đỡ những ai đang đau khổ, và ban ơn bình an cho tất cả mọi người.
Nguyện xin Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp chuyển cầu cho mọi người biết luôn tín thác vào Chúa, sống vui tươi, bình an, và trở nên chứng nhân cho lòng thương xót giữa cuộc đời.
Lạy Chúa, xin đong đầy tâm hồn chúng con bằng lòng thương xót của Ngài, để chúng con biết yêu thương và nâng đỡ nhau, như chính Cha Diệp đã sống và hy sinh. Amen.
TT. TD. Cần Thơ
https://youtu.be/rKMdjhjA2C4?si=AdlnyDO6MxJBnXGShttps://youtu.be/rKMdjhjA2C4?si=AdlnyDO6MxJBnXGS
Bạn không có thời gian cầu nguyện?
Bạn phải học, phải làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, chu cấp cho gia đình, người thân...Bạn nói rằng: đến việc chăm sóc chính bản thân mình, bạn còn thấy không có giờ, thì thử hỏi thời gian nào mà nhớ Chúa.
Bạn nói đúng lắm. Cuộc sống vật lộn với cơm áo gạo tiền khiến bạn không có giờ để nghĩ đến việc gặp gỡ Thiên Chúa. Cầu nguyện trở thành một điều gì đó xa xỉ trong đời sống tất bật hàng ngày của bạn.
Nhưng có bao giờ bạn nghĩ: nếu chỉ lo miếng cơm hàng ngày, mà thiếu đi tương quan với Thiên Chúa, thì linh hồn mình sẽ ra sao?
Bạn lại có thể trả lời: chẳng sao cả, mọi sự vẫn tốt từ trước đến giờ đó thôi. Thật vậy, chẳng sao cả, nhưng điều đó chỉ là cái bạn thấy bên ngoài, còn trong sâu thẳm nội
tâm của bạn, chắc không dễ nhìn ra. Vì cái đói của linh hồn khác lắm so với cái đói thể xác, nó không làm ta rã rời tay chân như khi đói lương thực, một cái chết từ từ mà nếu không tỉnh thức sẽ chẳng thể thấy được.
Cầu nguyện là đối thoại, là chuyện vãn với với Thiên Chúa. Cầu nguyện không hề tốn kém thời gian như bạn nghĩ. Vì là đối thoại, nên ngắn dài tuỳ lúc, tuỳ hoàn cảnh. Chúa cũng chẳng quy định ta phải gặp Chúa bao lâu, cũng không ép bạn nghỉ việc để chạy đến nhà thờ ngồi đó thầm thì với Ngài giờ này qua giờ khác.
Nếu bạn không có giờ đến với Chúa, hãy để Chúa đến với bạn trong nhịp sống hàng ngày.
Bạn không thể vừa cầu nguyện vừa làm việc đúng không? Nhưng bạn vẫn có thể vừa làm việc vừa cầu nguyện. Nếu bạn thấy mệt mỏi khi ê a những kinh nguyện dài lê thê, chi bằng thay thế bằng những lời nguyện tắt nhẹ nhàng, chuỗi Mân Côi gần gũi...
Bạn có thể nói chuyện với Chúa mọi nơi, mọi lúc, vì Chúa hiện diện sống động trong khắp cõi: trong bạn, trong tôi, trong mọi cảnh huống hàng ngày...Biết tỉnh thức qua cầu nguyện ta sẽ gặp Chúa.
Chúa vẫn như người bạn đứng ngoài cửa và gõ, ai nghe và mở thì Chúa sẽ vào nhà người đó...(Kh 3,20)
Bạn hãy mở cửa đón Chúa vào nhà. Chắc chắn, nhà bạn sẽ được chúc lành; và lòng sẽ bình an đi qua giông bão cuộc sống.
Lucianhthy SPP
Cánh diều và khung trời xanh đã trở nên chủ đề cho nhiều bài văn hay, cho những dòng thơ chở đầy mơ ước… Giữa bầu trời lộng gió cánh diều của tôi cũng mang theo những ước mơ bé nhỏ của tuổi thơ. Khi tôi được gửi đến cộng đoàn Kim Phước, trong lúc giúp các em học tập, tôi quan sát, tôi lắng nghe các em, và trong tôi có nhiều suy nghĩ. Tôi tự hỏi mình có thể làm gì để góp phần nào đó cho ước mơ của các em không nhỉ? Và tôi có thể bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ đâu để gây cảm hứng cho các em học tập? Bắt đầu từ đâu để khơi lên trong các em những ước mơ, những hoài bảo… và ai cùng với tôi chắp cánh ước mơ cho các em? Dừng lại! Cầu nguyện xin Chúa soi sáng, hướng dẫn đó là việc bắt đầu quan trọng đối với tôi.
Cơ hội đã đến khi có một đoàn khách đến thăm các em nhà nội trú Kim Phước. Tôi đã ngỏ lời về chương trình phát triển tiếng Anh online. Lời đề nghị của tôi đã được gia đình cô Thảo và chú Christophe nhận lời vào tháng 03/2023. Cô chú rất vui và quan tâm đến việc làm này. Họ đã không ngừng tìm kiếm, kêu gọi các tình nguyện viên hỗ trợ chương trình học online. Ngoài ra, các em sắc tộc nhà nội trú Kim Phước còn được các tình nguyện viên ủng hộ đầu tư các thiết bị như máy tính, ti vi màn hình lớn, loa, microphone… Cô Soraya, là người biết nhiều ngôn ngữ và là hiệu trưởng trường quốc tế tại Atlanta, USA. Cô sẵn lòng hỗ trợ các thiết bị học tập và cô rất thích sứ mạng này của nhà Dòng. Cuối năm 2024, chúng tôi được tài trợ sân chơi cầu lông, bóng rỗ, cũng như một số dụng cụ thể dục. Các em rất hào hứng và biết ơn mọi người!
Chương trình học tiếng Anh khởi động hơn 1 năm. Hiện nay, các em được chia làm nhiều nhóm học tập, cũng như nhiều trình độ khác nhau từ level A – C và cả các sinh viên Đại Học. Các tình nguyện viên hầu hết là người Mỹ, họ là các kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, sinh viên hoặc nhân viên văn phòng. Ngoài việc học ngôn ngữ, các em còn có những buổi trao đổi với các chuyên gia nhằm tạo động lực, hướng dẫn kỹ năng sống, hướng nghiệp và giáo dục giới tính cho các em.
Các nữ tu đang phục vụ tại cộng đoàn Kim Phước rất trân trọng và cảm động trước sự hy sinh của các tình nguyện viên. Việt Nam và Mỹ chênh lệnh múi giờ, các em chỉ có thể học online vào buổi tối; và để đáp ứng điều này các tình nguyện viên phải hy sinh thời gian, thức dậy sớm hơn, hoặc tranh thủ đi làm thật sớm kể cả những ngày cuối tuần để có thể dạy các em.
Qua những năm tôi có cơ hội giúp các em, tôi nhận thấy khi ước mơ của người trẻ được xác định, họ khám phá tiềm năng bản thân và có thể tự tin bước đi trên con đường riêng của mình. Các em cố gắng và thêm cố gắng để ước mơ trở thành hiện thực. Đặc biệt trong hành trình thành nhân và thành công của đời người, luôn có những con người thao thức, chung tay vun vén xây dựng những ước mơ và các giá trị nhân văn tốt đẹp cho người trẻ.
Trong tâm tình của một nữ tu tông đồ Chúa Quan Phòng, với đặc sủng “Thực hiện kế hoạch lòng thương xót của Chúa” tôi được mời gọi lắng nghe những nhu cầu thiết yếu của người nghèo, hoạt động giáo dục và thăng tiến con người, với ưu tiên dành cho giới trẻ và trẻ em. (x.LS 1.12) Tôi xin được thay lời cho các em học chương trình tiếng Anh online và sử dụng sân chơi hằng ngày, cám ơn sự hy sinh cao cả của quý vị dành cho các em. Quý vị cùng với chúng tôi chắp cánh ước mơ cho các em học sinh sắc tộc nghèo. Tôi hy vọng chương trình này được phát triển, được nhân lên cách tốt đẹp và tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội phục vụ những ước mơ.
TT TD Chúa Quan Phòng Tây Nguyên
Viết theo lời kể của sr. Marie Flore Hồng Thanh
TT.TD Chúa Quan Phòng Tây Nguyên
Viết theo lời kể của sr. Marie Flore Hồng Thanh
Mùa Chay là thời gian đặc biệt trong năm Phụng vụ, giúp mỗi người Kitô hữu nhìn lại đời sống mình, sám hối và đổi mới tâm hồn để chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh. Thứ Tư Lễ Tro khai mở hành trình thiêng liêng này bằng dấu tro trên trán, nhắc nhở chúng ta về thân phận tro bụi và lời mời gọi hoán cải: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15).
Page 1 of 146