Trong bài giáo lý giải thích về Mối Phúc thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Họ (người hiền lành) không phải là kẻ hèn nhát, ‘kẻ yếu đuối’, người tìm thấy một đạo đức thu mình lại để tránh xa rắc rối”, nhưng “người hiền lành là môn đệ của Chúa Kitô, người đã học cách bảo vệ một miền đất khác. Họ bảo vệ sự bình an của mình, bảo vệ mối quan hệ của mình với Thiên Chúa và bảo vệ những ơn sủng của Ngài, giữ gìn lòng thương xót, tình huynh đệ, niềm tin, hy vọng. Bởi vì những người hiền lành là những người có lòng thương xót, có tình huynh đệ, tin tưởng và là những người có niềm hy vọng” và “hiền lành xây dựng tình thân, chiếm được trái tim người khác”.
Tư tưởng này được Đức Thánh Cha suy tư cách sâu sắc hơn trong tông huấn Gaudate et Exultate Hãy Vui Mừng và Hân Hoan (HVMHH) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, được ban hành ngày 19 tháng 03 năm 2018. Trong chương IV “Các dấu chỉ thánh thiện trong thế giới hôm nay”, một trong năm chương của tông huấn, Đức Thánh Cha đưa ra những dấu chỉ của sự thánh thiện như là “biểu thức lớn lao của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân” (HVMHH số 111). Trong khuôn khổ của bài suy tư này, tôi chỉ xin dừng lại ở dấu chỉ mà Đức Thánh Cha gọi là Hiền Lành.
Xã hội hiện nay là một xã hội luôn lay động, ồn ào, đầy “bạo lực và gây hấn” (HVMHH số 112). Lời mời gọi “lội ngược dòng”, tức là sống “nhẩn nại và bền bỉ” trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Đức Thánh Cha nói : “Đó là dấu chỉ được sinh ra bởi tình yêu, vì những người đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì cũng có thể trung thành với người khác” (HVMHH số 112). Lòng trung thành phát xuất từ tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa làm cho con người luôn đi cùng nhau, nhất là khi gặp sóng gió trong đời “Họ không bỏ mặc người khác trong những khi khó khan, họ đồng hành với người khác trong nỗi lo âu và căng thẳng của họ” (HVMHH số 112). Ta có thể liên tưởng đến hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh cùng với hai Môn Đệ trên đường Emmaus. Trong lúc thất vọng ê chề nhất, Chúa Giêsu hiện ra cùng đồng hành với họ. Chúa Giêsu đi đến cùng nỗi chán chường của con người để dẫn đưa họ đến niềm hy vọng và tin yêu.
Cuộc sống xô bồ dễ đưa ta đến gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn.... (x. HVMHH số 113). Vị Cha Chung mời gọi ta : “khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp, chúng ta có thể gắn liền với cái neo của sự cầu nguyện (cầu nguyện không ngừng là một dấu chỉ của sự thánh thiện được đề cập sâu sắc hơn trong những số 147-157), một việc sẽ đưa chúng ta trở lại với bàn tay của Thiên Chúa và nguồn mạch sự bình an của chúng ta” (HVMHH số 114). Phó thác cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh : “ Mọi lo âu trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5, 7).
Cầu nguyện bổ sức cho tâm hồn, cho ta thêm sức mạnh nội tâm. Sức mạnh ấy giải thoát ta khỏi ách nô lệ của bạo lực, một thực tại xã hội hôm nay không chỉ thấy trong cuộc sống mà còn trên các trang mạng xã hội (x. HVMHH số 115). Sự hiền lành khoả lấp mọi gây hấn. Sự hiền lành sẽ kiên nhẫn với những khuyết điểm của tha nhân và coi tha nhân hơn chính mình (x. HVMHH số 116).
Cha Gioan Martinô MOYE cũng đã dạy con cái của cha : “ Các con chớ có tự hào, cho mình là vượt hơn những nguời khác... các con hãy kính trọng họ, yêu thương họ, ca ngợi họ và cầu nguyện cho họ...” (HD trang 108). Cử chỉ này, hành động này đòi hỏi ta phải có tinh thần khiêm tốn thật sự. Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta “người là con đường” ((HVMHH số 118). Sự tự hạ đến hủy mình đi của Chúa Giêsu đã mang lại ơn cứu độ cho con người. Mẫu gương tự hạ ấy như đang mời gọi ta phải dám chết đi cho “cái tôi” kiêu căng để xem người khác hơn mình.
Khiêm tốn đón nhận mọi sự không có nghĩa là “ bước đi với đôi mắt khép lại, không nói một lời....Đôi khi, rõ ràng vì ai đó không ích kỷ, thì người ấy có thể dám bất đồng cách dịu dàng” (HVMHH số 119). Cha Á Thánh cũng đã chỉ dạy các con của cha điều này : “ khi một chị nào đang oán giận một chị khác…đợi cho tới khi nào cơn khó tính qua hẳn đi, rồi chị mới có thể đem lòng thương yêu và sự dịu dàng mà chỉ cho chị kia thấy điều đáng trách mà mình nhận ra nơi chị ấy” (HD trang 177). Ở chỗ khác cha nói thêm : “Các con sẽ gắng lôi kéo trẻ em và các thiếu nữ, bằng sự dịu dàng, những cách cư xử tự nhiên, đầy lòng nhân từ và thương yêu. Nếu có điều gì đáng khiển trách ; thì các con sẽ khiển trách mà vẫn cũng với tâm tình dịu dàng và khiêm nhượng ấy” (HD trang 186).
“Lội ngược dòng” mệt lắm. Điều đó đòi hỏi ta phải cố gắng, phải không ngừng chiến đấu với các tôi quy ngã và vị kỷ của bản thân. Chính vì thế, tâm hồn ta phải “được lấp đầy bình an của Đức Kitô” để “thoát khỏi sự gây hấn” mà có được con tim hiếu hoà và hiền lành. Hãy phó dâng cuộc sống của ta, con người của ta cho Lòng Thương Xót Chúa. Hoà bình sẽ ngự trị. Hãy học cùng Chúa Giêsu “...anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường...’’ (Mt11, 29). “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Xin uốn lòng con giống như trái tim Chúa”
Sr Marie Barnabé Kiều My
TD. Cần Thơ