Tôi nhớ một bài hát sinh hoạt đã nghe từ bé, bây giờ chỉ còn thoang thoảng vài câu, đại ý như: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ? Kẻ thù ta tên nó là hận thù, tên nó là gian ác..”. Rồi thời gian ở học viện sinh hoạt với trẻ, tôi biết thêm bài hát với tựa bài là ‘Con tim’. Tôi vẫn không thuộc hết lời, vì vốn rất dốt về nhạc, dù rất thích nghe. Lời rằng: “Này anh này chị này em, con tim không bao giờ ganh ghét. Này anh...Con tim không bao giờ ghét ghen. Tim ghét ghen là tim hết máu. Tim ghen ghét là tim hết chơi...”. Chỉ đại khái như vậy thôi, không biết có chính xác không; nhưng đại ý lời là thế. Tôi chợt nhớ những bài hát sinh hoạt này là vì, ngày mai bước vào Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh Giáo Hội mời gọi ta ngắm nhìn vào dung nhan của một con người, đích thật là ‘Người’ (C’est l’Home ! – This is human !). Nơi ‘Con Người’ có tên là Giê-su này bao hàm: cả hận thù và bao dung, cả kết án và tha thứ, cả ganh ghét và nhân từ, cả hủy diệt và xây dựng...Một thách đố đầy mâu thuẫn mà con người cần ngắm nhìn, suy gẫm để tìm cách vượt qua.

Trình thuật Tin Mừng Gioan ghi nhận sự kiện Chúa Giê-su bị xét xử: “Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: ‘Kính chào Vua dân Do thái !’, rồi vả vào mặt Người. Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do thái... ‘Đây là người !’. Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: ‘Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !’ ” (Ga 19, 1-6)

“Đây là Người !”. Phi-la-tô chỉ vào Chúa Giê-su và nói với hàm ý mỉa mai, vì hình dáng không còn ra dạng của một con người nữa. Một con người đã bị tra tấn đánh đập dã man, đón nhận ‘Vương miện’ bằng gai trên đầu, kèm theo những lời miệt thị khinh bỉ, dáng đi xiêu vẹo vì đòn vọt, gương mặt hốc hác bơ phờ...Vì không còn ra dáng người nên bị đám đông điên cuồng gào thét kết án: “Đóng đinh nó vào thập giá !”  Nhưng tất cả những gì bên ngoài có thể nhìn thấy không ra gì đó, lại là dung nhan của một ‘Người’ theo đúng nghĩa là một ‘Con Người’ đích thật nhất. Một mẫu con người mà Thiên Chúa muốn tái tạo lại sau thảm kịch bất tuân của nguyên tổ, đã làm biến dạng hình người.

“Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ?”. Lời gào thét:  “Đóng đinh nó vào thập giá !”, nghĩa là đòi phải giết chết một con người; vậy đám động đầy thù hận đó sống với ai ?. Tại cổng của trại tập trung nổi tiếng Auswich – Ba lan, đã hủy diệt dân Do thái, thời Đệ nhị thế chiến có ghi: “Nơi đây không có Thiên Chúa.”. Sau khi thế chiến kết thúc, người ta cho viết thêm câu: “Nơi đây không có con người.” Thật đúng như vậy, vì đây là lò thiêu hơi ngạt giết trên dưới ba triệu dân Do thái. Một nơi chốn quả thật là địa ngục, vì không còn nhân tính mà chỉ là ác quỷ. Tuy nhiên vẫn có những nơi tưởng chừng là thiên đàng, lại là nơi có ác quỷ đội lốt để hòa lẫn với con người. Bởi tuy sống chung và cùng nói nên lời yêu thương, nhưng trong thâm tâm đang tìm cách cắn xé nhau, loại trừ nhau và không thèm nhìn mặt nhau. Dù là môi trường nào đi nữa, nếu không có Thiên Chúa, nên sẽ không có con người và chỉ con lại ác quỷ cư ngụ mà thôi !

“Người ta cứ dấu này mà biết các con là môn đệ Thầy, là: Hãy yêu thương nhau !”. Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu, rồi nhìn sang anh chị em mình để xem, có gương mặt  đáng ghét nào đang cận kề không ? Tôi rất mong được trở thành người đích thực; nhưng con tim héo úa ‘hết máu’ cứ ngăn cản, không cho tôi mở ra để biết sống yêu thương nhau. Tại sao tôi lại phải cực khổ để ghét người này, giận người kia, bất hòa người nọ...? Chung quanh tôi là địa ngục trần gian mà chính bản thân tôi dựng nên bằng thù hận, bằng ganh ghét. Tôi chỉ thấy chung quanh một màu đen u tối vây bủa ngột ngạt. Nhưng khốn nổi tôi lại thích như vậy hơn là được khai quang cho ánh sáng của yêu thương soi rọi. Một trong các lời cuối cùng của tử tội được xem ‘Đây là Người’ đã thốt ra: “Lạy Cha, xin Cha tha  cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”. Lạy Cha, con muốn làm người như chính Con Một của Cha đã làm người như chúng con. Xin cho con biết tha thứ và sống yêu thương như Con của Cha đã yêu thương con, để nhờ đó con có thể là người hơn.

“Đây là Người !”. Một con người không còn ra dáng người lại là tiêu chuẩn để nhân loại ngắm nhìn, noi gương nếu muốn là người sao ? Nhìn người cùi hủi, nhìn người tàn tật ăn xin, nhìn những người vô gia cư dơ bẩn, nhìn những người nghèo ít học ăn nói thô lỗ, nhìn những người tệ nạn...đang đầy dẫy trên thế giới này...họ có là ‘người’ không? Trong thâm sâu, tôi có nhìn nhận họ là anh chị em của tôi không? Hay chỉ là cái nhìn dửng dưng; hoặc tốt lắm là cái nhìn có chút trắc ẩn còn lại của cái gọi là ‘tình người’ ? Nếu nhìn vào kẻ được xem “Đây là Người !” là tiêu chuẩn để tôi có thể là người thì, tôi phải thay đổi cái nhìn khác về đồng loại. Không phải Đấng ‘là Người’ đó đã từng nói với tôi: “Khi xưa ta đói, khi xưa Ta khát, khi xưa Ta tù tội, khi xưa Ta đau yếu...” đó sao? Và hiện nay ‘Người’ vẫn đang tiếp tục nói với tôi qua chính những anh chị em đáng thương mà tôi gặp trên đường đời. Họ là những hiện thân sống động nhất của giá trị ‘người’ mà tôi cần trở nên. Nếu loại trừ họ, gạt họ ra bên lề cuộc sống của tôi, có lẽ tôi không nào trở nên người thật sự được. Bởi trong họ là chính hình ảnh của Đấng ‘là Người’ mà tôi mong muốn được trở nên. Tác giả thư Hipri xác nhận tư cách Đấng ‘là Người’: “Người trở nên giống anh em mình mọi đàng ngoại trừ tội lỗi.”. Người giống đến nỗi đi sâu vào tận cùng của mầu nhiệm tự hủy trên thập giá, để cho tất cả những ai có cuộc đời bi thảm nhất vẫn không bao giờ mất đi hy vọng được làm người đích thực cả.(x.Pl 2, 6 tt)

 Thánh Phao-lô sau khi nhận được ánh sáng của Đấng Phục Sinh khai mở tâm trí, ngài đã chọn lựa dứt khoát; “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.”. Nhưng Đức Ki-tô nào mà ngài chọn như là mẫu mực cho đời mình noi theo? Hãy nghe lời tâm sự của ngài vào những năm tháng tù tội cuối đời: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh  vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Quả thật,...điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới.” (Gl 6, 14-15). Như vậy, thánh nhân đã nhận ra nơi dung mạo của Đấng bị đóng đinh, chính là nguồn hy vọng để cho ngài nguồn hy vọng ‘trở nên một thụ tạo mới’. ‘Thụ tạo mới’ hay còn có thể nói, đó chính ‘là người’ mới được tái sinh từ máu của Đấng đã chết trên thập giá đổ ra. Đấng đã bị khinh miệt khi bị gọi : “Đây là Người !”, thì giờ đây trở thành người mẫu cho cả nhân loại đang đi tìm một mẫu người đích thực.

Thánh Phao-lô đã khám phá con đường để trở nên con người mới, thụ tạo mới bằng  băng qua hành trình ‘đóng đinh thế gian và bản thân vào thập giá Chúa Giê-su Ki-tô’. Ngài chia sẻ kinh nghiệm tuyệt vời đó cho tất cả những ai thành tâm mong muốn có được một dung mạo ‘là người’ mới, là nơi: “Đức Ki-tô bị đóng đinh.”. Khổ nỗi như Vị tôi tớ Chúa là Hồng y. Fx. Nguyễn văn Thuận chia sẻ: Thiên đàng thì nhiều người muốn vào, nhưng thập giá lại có rất ít người chịu khó vác ! Đây cũng là một chướng kỳ mà thánh Phao-lô đã nói khi người Hy lạp và Do thái từ chối đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giê-su thực hiện bằng con đường thập giá.(x. 1Cr 1, 17-22). Riêng bản thân ngài và các tín hữu “thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Ki-tô bị đóng đinh”. Bởi ngài không tìm được nơi đâu có dung mạo của một con người thực sự ‘là người’, ngoại trừ nơi Đấng bị đóng đinh. Đó là tất cả sự xác tín và hy vọng cho cuộc đời của Vị Tông đồ Dân ngoại vĩ đại.

Còn tôi thì sao ? Tôi đã thấy, nhưng tôi có dám dấn thân trên con đường thập giá để trả lại dung mạo ‘là người’ đích thực mà tôi muốn tìm không ? Xin Chúa ban cho con sức mạnh của niềm tin và ý chí kiên vững để con tiến bước trên con đường thập giá, mà Chúa đã chỉ cho con. Xin cho con luôn ngắm nhìn Đấng bị đâm thâu để con nhận ra dung mạo ‘là người’ mà con đang tìm kiếm mỗi ngày.

BTT.TD.Cù Lao Giêng