Mầu nhiệm cứu độ là ý định yêu thương từ muôn đời của Thiên Chúa, nhằm thông ban sự sống hạnh phúc của Thiên Chúa cho loài người. Ngoài việc cứu ta khỏi sự tiêu diệt và vô vọng, Thiên Chúa còn muốn đồng hành, dẫn đưa ta tới cuộc sống kết hiệp với Ngài để giúp ta hoàn tất mọi công việc cho tốt đẹp. Lịch sử của Thiên Chúa đối với nhân loại đã có từ lâu, với biết bao sự kiện, kể từ lúc dựng nên sự sống, cho đến việc Chúa Giêsu được sai đến trên trái đất, và lịch sử này còn tiếp diễn nơi từng người trong chúng ta. Sau khi học xong lịch sử cứu độ điều mà tôi tâm đắc nhất là đau khổ tinh thần khi dân Israen (Giuđa) khoảng 30 – 50 ngàn người phải đi lưu đày, họ bị thử thách về đức tin và có quá nhiều câu hỏi nhức nhối được đặt ra: Có Giave thật không? Nếu có Chúa thì tại sao Ngài lại để mất nước, thành Thánh Giêrusalem và đền thờ bị phá hủy như vậy? ... Cũng trong tâm tình đó nhiều lúc trong cuộc sống của ta cũng đã biết bao lần mất niềm tin vào Chúa như thế.
Quả thật, chính trong cùng cảnh ngộ của dân Giuđa thời bấy giờ, tôi cũng cảm nhận được sự đau khổ tột cùng của họ. Khi đang chênh vênh giữa dòng đời, làm nô lệ cho nước khác, họ thấy cuộc đời sao quá nhiều đau khổ trong khi đó không có một điểm tựa nào, kể cả Chúa, họ mất hết niềm hy vọng từ nơi Chúa. Trong cuộc sống hàng ngày hôm nay cũng vậy, có nhiều lúc tôi cũng rơi vào tình trạng đó, khi làm việc gì mà tôi bị thất bại, đau khổ, tôi cũng tự hỏi chẳng lẽ Chúa bỏ rơi tôi khi mọi sự xung quanh đều quay đầu lại với tôi. Tôi vô cùng thất vọng và trách Chúa sao Ngài nỡ lòng nào đối xử với tôi như vậy. Tôi đã không nhận ra Chúa làm như thế là muốn điều tốt cho tôi, qua những đau khổ Chúa lại cho tôi những bài học quý giá, Ngài tôi luyện tôi trong tình yêu của Ngài.
Đối với nhân loại hôm nay cũng vậy đứng trước nạn dịch Covid-19, biết bao người hoang mang hỏi Chúa đâu? Ngài ở trên cao hay nơi xa cuộc đời bể dâu? Chúa ở đâu mà không đến để tiêu diệt nạn dịch này, sao Ngài vẫn im lặng làm cho lòng người như mất hết niềm hy vọng. Nếu như thời dân Giuda lưu đày “Kế hoạch của Thiên Chúa thì cuộc lưu đày không phải là viên thuốc độc mà là viên thuốc đắng mà Thiên Chúa phải dùng đến để chữa trị chứng bệnh nan y của dân” (LSCĐ trang 44). Thì thời nay cũng vậy Chúa muốn dùng những đau khổ thể xác, những tai họa, nạn dịch để nhằm thức tỉnh con người, giúp họ nhận ra những sai lầm của họ và chính tôi cũng thế. Cuộc sống thật mong manh nếu ta không biết lợi dụng từng dây từng phút trong đời để sống thật tử tế và nhận ra được những hậu quả ghê ghớm do tội lỗi gây ra mà sửa đổi, trở về với Chúa. Bởi tội làm ta xa khỏi tình yêu Thiên Chúa và làm ta cảm thấy cuộc đời thật khổ, ta đã đánh mất hạnh phúc của mình.
Khi học xong lịch sử cứu độ, tôi nhận ra được điều gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta cũng đều nằm trong chương trình và tình yêu quan phòng của Chúa. Ước gì mỗi người cảm nhận được tình yêu của Ngài và cảm thấu được sự chăm sóc của Thiên Chúa, biết bám víu lấy Chúa trên bước đường sống của mình.
Tiền Tập, Têrêsa Đinh Thị Hoài - TD Tây Nguyên
La Sơn hè năm 2020