Kính thưa quý Bề trên và chị em.

Khóa Hội Thảo cho Nam Nữ Tu Sĩ Toàn Quốc do Ủy Ban Tu Sĩ/HĐGM-VN tổ chức (28-30.5.2019) tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn rất hữu ích cho các chị em khối Huấn Luyện và các chị Trưởng Cộng Đoàn. Khóa Hội Thảo gồm 03 thuyết trình viên : 

(1) Nữ tu Thecla Nguyễn Thị Giồng, Dòng Đức Bà.

(2) Lm. Gioan B. Phương Đình Toại, Dòng Camilô.

(3) Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Dòng Chúa Cứu Thế.

Xoay quanh chủ đề : “CÁC THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO TU SĨ TRẺ HIỆN NAY”. Rất tiếc tài liệu lại qua file audio.

Vì lợi ích và theo yêu cầu của chị Giám tỉnh Bernadette Marie, em đã “miệt mài” nghe lại và đánh máy từng câu hai buổi thuyết giảng của Sr. Thecla với chủ đề : “NHÂN BẢN - TÂM LINH VÀ VIỆC ĐÀO TẠO”.

- Cố gắng trung thành với nội dung.

- Chuyển văn nói thành văn viết.

Dựa vào nội dung, em gợi ý 15 chủ đề học hỏi với chú thích trang, vì Thuyết Trình Viên nói tản mạn chỗ này chỗ khác.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Nữ tu M. Vincent Nguyễn Thị Thơ 

 

 

I.  GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

 

  • Số 306: “Thiên Chúa là chủ tối cao của dự án của Ngài. Nhưng để thực hiện dự án này, Ngài cũng dùng đến sự cộng tác của các tạo vật.”
  • Số 307: “Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho có thể tự do tham dự vào sự quan phòng của Ngài, bằng cách trao cho con người trách nhiệm “khuất phục” và làm chủ trái đất. Như Vậy, Thiên Chúa cho con người làm những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn thành công việc sáng tạo, hoàn tất hòa điệu của vũ trụ vạn vật hầu mưu ích cho mình và đồng loại của mình. Con người thường là những hợp tác viên vô ý thức của Thánh Ý Thiên Chúa, nhưng con người cũng có thể chú ý hợp tác vào kế hoạch của Ngài bằng hành độnglời cầu nguyện của mình và cả bằng những đau khổ của mình. Khi đó họ trở thành “những cộng tác viên của Thiên Chúa với đầy đủ ý nghĩa và cộng tác viên của Nước Trời.”

 

 II. CHA GIOAN MARTINO MOYE NÓI GÌ?

 

“Chúa Cứu Thế cũng dạy chúng ta trong Tin Mừng rằng: “khổ ngày nào đủ cho ngày ấy, và chúng ta chớ lo tới ngày mai.” (Mt 6,34)

Điều đó không ngăn cản người ta có những dự trữ kịp thời, thu góp lúa vào mùa gặt là hợp với trật tự Quan Phòng. Điều đó cũng không ngăn cản các con khi thiếu thốn những gì cần để sống thì có thể đi kiếm ở đâu đó…Tuân theo Chúa Quan Phòng là đón nhận những phương kế Ngài dành cho.” (Hướng Dẫn tr.80)

 

  • Lạy Chúa, Chúa hằng tín nhiệm và sử dụng triệt để mọi cố gắng của chúng con trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa. Xin ban ánh sáng để chúng con khám phá những công trình của Chúa qua những biến cố lien quan đến những trách nhiệm của chúng con.

Xin cho chúng con long cậy trông vững vàng, để chúng con có đủ can đảm cộng tác với Chúa ngay giữa những gian nan và thất bại. Amen.

 

 

  III. THỰC HÀNH:

 

Là “cộng tác viên” của Thiên Chúa, bạn sống như thế nào?

  • Bằng lời cầu nguyện,
  • Bằng chính đời sống đức tin, cách giữ đạo,
  • Bằng sự phục vụ miễn phí của bạn đối với người nhà, người quen thân…

 

Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng lúa,

Để đem cơm cho người đói đang chờ,

Và đem nước cho người họng đang khô,

Đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

Đem áo quần cho người đang trần trụi,

Đem mền đắp cho người rét đang run.

 

(Nguyễn Công Đoan, Sj)

 

Sr.M.Flore Võ Thị Vị - TD.Cù Lao Giêng

Xin giới thiệu tài liệu học tập Sách Hướng Dẫn - di sản thiêng liêng của Nữ Tu Chúa Quan Phòng, với những lời dạy bảo của Đấng Sáng Lập để lại cho các nữ tu của ngài. Tài liệu này nhằm giúp chúng ta có thể học hỏi, và tìm hiểu cách dễ dàng hơn. 

 

 

 

Ban Truyền Thông TD Cần Thơ

 

DỰ ÁN CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP

I. Những Nền Tảng Căn Bản

  • Thánh Kinh
  • Giáo Huấn Giáo Hội: MV 5; TĐ 18 ; 19
  • Luật Sống: HP trg 16-23; HD trg 63- 69

II. Triển Khai

  1. Những trở ngại trong việc đào tạo giáo viên

a, Khó tạo tặng lập :

Lý do:

  • Người nghèo không thể thực hiện.
  • Vấn đề tiền nội trú để học sư phạm.

b, Giáo viên chỉ dạy học vì có tặng lập, không vì lòng nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và thánh hoá những trẻ em được giao cho họ.

  1. Dự án của cha Gioan Martinô Moye

“Gởi các thiếu nữ ấy đến bất kỳ nơi nào xin họ đến, mà không có vốn liếng nào khác ngoài Chúa Quan Phòng, với xác tín Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai tin cậy , phó mặc cho Ngài” (Mt 6,25- 33 ; GH 16, 23, 61 ; HD trg 16).

  1. Thực hiện dự án

a, Dự án được đặt trên nền tảng đức tin :

  • Tin rằng dự án này từ Thiên Chúa mà đến.
  • Để Chúa Quan Phòng thực hiện theo ý Người.

b, Tiêu chuẩn chon giáo viên :

  • Những thiếu nữ chỉ tìm kiếm vinh quang cao cả của Thiên Chúa.
  • Những thiếu nữ nhiệt thành.
  • Những thiếu nữ tiết độ và khổ hạnh.
  • Những thiếu nữ không vướng víu gì hết, sẵn sàng từ bỏ tất cả.
  • Những thiếu nữ có đức hạnh đã được tôi luyện.

c, Huấn luyện giáo viên:

  • Đời sống thiêng liêng.
  • Tri thức.
  • Lao động.
  • Những kỹ năng để làm công tác mục vụ:
    • Y tế.
    • Hát thánh ca.

d, Huấn thị của Đấng Sáng Lập cho các giáo viên:

Chứng tá bằng chính đời sống. 

III. Áp Dụng Thực Hành

  • Đọc lại những tiêu chuẩn chọn giáo viên ban đầu, tôi cần tự đào luyện, điều chỉnh điều gì? Quyết tâm.

Với dự án của Đấng Sáng Lập hội dòng, vốn liếng thật sự của tôi là gì? Tôi xác tín thế nào về Thiên Chúa?

Sr Marie - Vincent (còn tiếp)

Nhập đề : 

Trong Tổng Tu Nghị 2016, các tổng đại  biểu đã bỏ phiếu chấp nhận 4 Định Hướng ưu tiên để cho các nữ tu học hỏi và sống trong 6 năm từ 2016-2022. Đó là :

  • Hiệp nhất trong Hội Dòng
  • Tinh thần truyền giáo
  • Huấn luyện
  • Ơn gọi.

Năm vừa qua nữ tu Chúa Quan Phòng trên thế giới đã học tập về tinh thần truyền giáo. Năm nay chúng ta dành ưu tiên cho việc Huấn luyện, theo lời yêu cầu của Bề Trên Tổng Quyền trong Thư Chung số 6.

“Đối với nữ tu Chúa Quan Phòng Portieux, việc Huấn luyện là cơ bản. Đó là công việc của cả cuộc đời. Nó phải được tinh luyện, bổ túc và đào sâu, dần theo năm tháng cho đến hơi thở cuối cùng của chúng ta. Nếu việc Huấn luyện trường kỳ (x.LS 1.130) là cần thiết thì việc Huấn luyện khởi đầu là chủ yếu.” (Hiến Chương Đào Tạo tr. 2).

“Ơn gọi tông đồ của chúng ta đòi đòi phải có một sự Huấn luyện vững chắc, ăn khớp với Dự Án của Cha Gioan Martinô MOYE và di sản thiêng liêng của Hội Dòng. Đối với chúng ta, những phương thế mà sư phạm của thánh I-Nhã đề nghị là những yếu tố nồng cốt phải được ưu tiên sử dụng.” (LS.1.125) 

Là nữ tu Chúa Quan Phòng, chúng ta cùng nhau tìm xem Cha Gioan Martinô MOYE Đấng Sáng Lập Dòng chúng ta nói gì về huấn luyện và người đã huấn luyện chị em chúng ta như thế nào, và chúng ta phải đáp ứng như thế nào.     

  1. Định nghĩa : huấn luyện, giáo dục, đào tạo 

Trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, từ “giáo dục” được biết đến với chữ “education”. Đây là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere” – “Ex-Ducere”. Có nghĩa là dẫn (“Ducere”) con người vượt ra khỏi (“Ex”) hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn. 

  1. Đào tạo: Hiểu theo nghĩa chữ :

– Đào là nặn, nung (đồ sành, đất)

  – Tạo là làm ra một hình dạng mong muốn nhưng vẫn giữ chất liệu đó.

*  Theo từ điển tiếng Việt, đào tạo là giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện để trở nên người có hiểu biết, có nghề nghiệp. Vậy đào tạo là một tiến trình phong phú và phức tạp đòi nhiều hy sinh, từ bỏ. 

  1. Huấn luyện :

– Huấn là dạy bảo

– Luyện là tập tành

Để việc huấn luyện được thành công thì phải có dạy bảo và có thực hành, vì có nhiều chương trình có huấn mà không có luyện. Học nhiều kiến thức mà không biết phải làm gì, không biết đem ra thực hành. Trong bất kỳ nghề nghiệp nào, sau thời gian học lý thuyết phải có phần đi thực tập.

Vậy, nói đến huấn luyện là nói đến một tiến trình hình thành và trở nên, và nó gồm nhiều khía cạnh : nhân bản, tri thức, thiêng liêng...    

  1. Huấn luyện theo Cha Gioan Martinô MOYE. 

“Không gì quan trọng hơn việc giáo dục thanh thiếu niên ; cả cuộc đời tùy vào tuổi trẻ.” (HD. tr.  110)

Đối với Cha Moye, việc dạy đạo hay việc đào tạo giới trẻ để chúng trở thành con cái Thiên Chúa là điểm cao nhất mà Cha đề ra cho mình và phải được các nữ tu do Cha lập ra thấu triệt đầy đủ. Đó là sứ mệnh mà Chúa Quan Phòng đã dành cho Cha và là lý do duy nhất khiến Cha lập nên các nữ tu Chúa Quan Phòng. 

  1. Tầm quan trọng của việc giáo dục (Hd. 110-111) 

Trong Cựu Ước, Môsê đưa ra cho dân Israel hai con đường để chọn : sống hoặc chết. Muốn sống thì phải tuân giữ những giới răn và những thánh chỉ của Chúa (Đnl 30,15-16). Cha Moye của chúng ta cũng xác quyết như thế : nếu con người muốn sống thì phải giữ lệnh truyền của Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh, và qua những gì Hội Thánh dạy. Do đó, đối với Cha, phần rỗi các linh hồn là trên hết, và đó là lý do tại sao phải sớm dạy cho các trẻ những mầu nhiệm trong đạo và các phương châm luân lý Kitô giáo cũng như những điều cần thiết để được ơn cứu rỗi. Những gì được học từ thời niên thiếu thì sẽ in sâu vào trí nhớ và bền lâu cả đời. Kinh nghiệm cho thấy những kẻ không được dạy dỗ kỹ từ thời niên thiếu, thì không bao giờ hiểu biết đạo hoàn toàn. 

Cũng chính thời niên thiếu là lúc mà ta có thể đào tạo cho trẻ em có lòng đạo đức và đưa chúng tới những thực hành lành thánh, tới một cuộc sống có nề nếp và theo tinh thần Kitô giáo, nhờ đó các em sẽ có những thói quen lành thánh. 

Vậy cần phải dạy dỗ và giáo dục trẻ em lúc còn rất trẻ, cả về đời sống đạo đức, thiêng liêng lẫn đời sống nhân bản. Kinh Thánh khuyến khích cha mẹ phải làm cho lòng trí con cái mình được đầy những phương châm thánh thiện. Kinh thánh cũng đưa ra các hình phạt dành cho những cha mẹ không giáo dục và sửa dạy con cái, cũng như chúc dữ cho những con  cái chống lại những lời khuyên bảo sửa dạy của cha mẹ. 

  1. Tư cách của những người có trách nhiệm giáo dục (x. tr. 68-69).
  • Họ phải biết đầy đủ về đạo, về các mầu nhiệm trong đạo. Do đó chính họ phải được huấn luyện, được học hỏi về giáo lý
  • Họ cũng phải biết những gì cần thiết cho cuộc sống của một con người, những đức tính nhân bản, những gì giúp cho cuộc sống đời thường được triển nở. 
  • Tin Mừng nói về Chúa Giêsu rằng Người bắt đầu làm và dạy, nghĩa là Người bắt đầu bằng gương, rồi bằng lời. Người đích thân thực hành những gì Người dạy cho dân. Vì thế, những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em thì trước hết phải lo tự thánh hóa chính mình, trước khi lo việc thánh hóa người khác ; phải biết đầy đủ các chân lý trong đạo để truyền qua cho kẻ khác, vì nếu không thì sẽ không thể gây được ấn tượng trong lòng người nghe. Để gợi lòng đạo và đức hạnh thì chính mình phải có lòng đạo và đức hạnh. 
  1. Phương cách giáo dục của Cha Gioan Martinô MOYE 

Đối với Cha Gioan Martinô MOYE, không phải chỉ có thiện chí là đủ để thành công trong việc giáo dục, còn phải có sự thận trọng và nhiệt tình. Ngoài ra Cha còn cho chúng ta một số nguyên tắc về cách dạy dỗ trẻ em, về khuyết điểm phải tránh, và về những phương châm phải theo ( HD.112-167). 

Ở đây chúng ta chỉ dừng lại trên ba khuyết điểm mà Cha Gioan Martinô MOYE nhắc nhở ta phải tránh : 

  1. Thói biệt ái : Có những trẻ em được phú cho những đức tính dễ thương, học giỏi, tài năng. Theo tính tự nhiên, ta ưa thích những trẻ ấy và lơ là các em “khôn trễ, trí chậm, và nhiều khi là những trẻ nghèo, vì ăn mặc lôi thôi [...] khiến người ta ghê và tránh”. Tuy nhiên những trẻ này lại là những trẻ đáng thương và đáng cho chúng ta chăm lo cho chúng. Cha Moye khuyên chúng ta đừng thiên vị, nhưng phải chăm sóc các trẻ nghèo cũng như các trẻ giàu. Nhiều khi “Thiên Chúa giấu các ơn siêu nhiên của Ngài bên dưới những vẻ bên ngoài đáng khinh thường theo tính tự nhiên.” 
  1. Sự vội vã : Vì nhiệt tình hăng say, người dạy cứ nói mà không quan tâm xem trẻ có nghe và hiểu điều mình nói không. Vì vậy cần lấy thời giờ để giải thích và lập đi lập lại cho các em hiểu. Tuy nhiên đối với Cha Moye, có hai phương châm hết sức quan trọng để dạy cho có hiệu quả :
  •  Luôn hành động cách siêu nhiên, bằng cách kết hợp với Chúa, cầu nguyện và xin Chúa chúc lành cho những điều ta nói và làm. Phải không ngừng chạy tới Chúa để xin ơn soi sáng và giúp đỡ trong mọi trường hợp.
  • Dùng những từ và cách dạy cho vừa tầm, vừa khả năng nghe và hiểu của các em.
  1. Sự nãn lòng : Khi gặp khó khăn và thất bại vì người thụ huấn không tiếp thu những gì ta dạy hoặc không làm theo những điều ta muốn, thì ta mất kiên nhẫn và nãn lòng. Cha Moye dạy chúng ta : “Để tránh khuyết điểm này, các con phải tích lũy lòng lòng kiên nhẫn, và khi thấy mình ở trong trường hợp gặp những thử thách kia, thì phải chạy tới Thiên Chúa, và suy nghĩ rằng chỉ riêng Ngài có thể chúc lành cho các công việc chúng ta làm, và Ngài cho chúng ta thấy những gì chúng ta làm ít có kết quả là để chúng ta tự hạ mình và biết năng cầu xin [...] ơn thánh và phúc lành của Ngài.” 

Nói tóm lại, trong việc giáo dục, Thiên Chúa là tác nhân chính, còn chúng ta chỉ là người cộng tác với Chúa. Do đó ta phải không ngừng chạy đến Ngài, giao phó cho Ngài công việc của chúng ta : “Phaolô trồng, Appolô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). 

  • Cha Gioan Martinô MOYE huấn luyện các nữ tu Chúa Quan Phòng như thế nào ? 

Cha Gioan Martinô MOYE huấn luyện con cái của mình bằng chính gương sáng của người, và bằng lời nói qua những chỉ thị, những lời khuyên nhủ, những bức thư mà Cha viết từ Trung Hoa gởi về để nhắc nhở khuyên bảo chị em. 

Đặc biệt nhất là Cha đưa ra cho con cái mình một đặc sủng là “hoàn thành kế hoạch lòng thương xót của Chúa” và một linh đạo vững chắc dựa trên 4 nhân đức nền tảng như bốn cột trụ chống đỡ tòa nhà Hội Dòng và cuộc sống của mỗi người. 

  • Phó thác : Là một thái độ nghèo khó thiêng liêng, một tâm tình con thảo, chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn chăm sóc và và bao bọc ta : “Bao  lâu các con đặt lòng tin cậy nơi Ngài, các con sẽ được bảo đảm hơn và có chỗ tựa chắc chắn hơn là nếu các con có tất cả mọi vốn liếng và mọi của cải thế gian.” (HD.73) “... Ngài (Thiên Chúa)  bảo đảm trăm ngàn lần trong Kinh Thánh là ai đặt niềm tin cậy nơi Ngài thì sẽ không bao giờ phải thiếu thốn gì hết” (HD. 80).

Để thực hành hoàn toàn hơn việc phó mặc cho Chúa Quan Phòng, cần phải tập cho mình có một thái độ thản nhiên thánh thiện gồm trong sự “bình tâm” không “hấp tấp”, không “tích lũy” gì cho tương lai.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng tìm những gì thuộc đời sống vật chất, nhưng phải tìm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x.Mt 6). 

  • Đơn sơ : “Đi tới Chúa cách thành thật không quanh co, không tìm gì khác hơn là tìm làm đẹp lòng Chúa ; và đến với anh chị em cách thẳng thắng không gian trá và không hiểm độc” (HD. 86). Cha Moye hết sức khuyên bảo chị em phải tránh hai thói xấu ngược với đức đơn sơ, đó là thói tráo trở và tinh thần thế tục. Ta tráo trở khi ta chỉ ra vẻ tìm Thiên Chúa, nhưng trong thực tế là tìm chính mình, bận tâm về dư luận của người khác, cố lấy lòng người khác, sợ làm mất lòng họ. Ta có tinh thần thế tục khi ta suy nghĩ và hành động như người đời : tìm vinh dự, của cải, khoái lạc (x. HD. 88). 
  • Khó nghèo : Sống nghèo trong thức ăn, đồ mặc, nhà ở và trong mọi sự theo gương Chúa và Đức Mẹ, “bằng lòng với những mòn ăn thô sơ của người nghèo ở thôn quê” (Hd. 302) Và “các con sẽ chỉ có vừa đủ để sống nghèo khó, và sẽ không để lòng quyến luyến gì hết.” (HD. 83). Cha Moye đặc biệt nhấn mạnh trên sự không quyến luyến
  • Bác ái : “Vì các con không có mục đích vụ lợi nào bởi các con sẽ làm mọi việc không công, nên chỉ có đức thương yêu khiến các con hành động trong mọi sự và ở khắp nơi” (HD. 91). Cha đặc biệt khuyên chị em thực hiện những việc thương xót về phần xác cũng như về phần hồn. 

Nói tóm lại, bốn nhân đức này tóm gọn trong thái độ nghèo khó thiêng liêng của một đứa con thảo đối với cha mình : vì con không có gì hết, nên với tất cả lòng yêu mến con chỉ cậy dựa vào Cha và phó thác hoàn toàn bản thân và cuộc sống con cho Cha, để làm mọi sự theo ý Cha muốn. 

Cha Moye huấn luyện các nữ tu theo tinh thần của 4 nhân đức này. Ngài mạnh mẽ nói với các chị : “Đó là 4 nhân đức của nếp sống các con. Đó là bốn cột trụ chống đỡ tòa nhà Dòng các con. Bao lâu còn thực hành các nhân đức ấy, các con sẽ tồn tại và hễ các con bỏ mặc các con sẽ rơi đỗ, hoặc các con sẽ chỉ tồn tại là trước con mắt người đời, còn trước mắt Thiên Chúa thì các con sẽ chết rồi” (HD. 377)

Và phương tiện hữu hiệu để ta sống thực sự như một nữ tu Chúa Quan Phòng là Ý ngay lành được diễn tả qua 5 điểm : 

  1. “Mưu cầu không phải vinh quang cho các con, mà vinh quang cho Thiên Chúa.
  2. Cũng không phải lợi ích cho các con, mà lợi ích cho Đức Giêsu Kitô.
  3. Cũng không phải cho vừ lòng các con, mà cho đẹp lòng Thiên Chúa.
  4. Cũng không phải cho vừa lòng người ta, mà cho đẹp lòng Thiên Chúa.
  5. Cũng không phải lo làm theo ý muốn của các con, mà theo ý muốn của Thiên Chúa.

Đó là những ý phải dìu dắt và hướng dẫn mọi việc đi đứng của các con, làm động lực cho mọi hành động của các con” (Hd. tr. 204). 

Trong việc huấn luyện các nữ tu, Cha Gioan Martinô MOYE tỏ ra vừa là người cha, vừa là người mẹ. Cha không ngại thẳng thắng sửa dạy, hoặc có khi lên án, chúc dữ cho những chị em không sống đúng với tinh thần bậc sống của mình, đặc biệt là những chị em sống theo tinh thần thế tục : “Cha đã nói nhiều biết bao để chống lại tinh thần thế gian ... ; Cha đi tới chỗ chúc dữ cho những kẻ nào muốn đưa tinh thần ấy vào giữa các con” (Hd.297). Đồng thời Cha cũng rất  tế nhị và quan tâm đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống đời thường, đời sống thiêng liêng và cuộc sống sứ mạng của các nữ tu.  

  1. Sứ mạng giáo dục của nữ tu Chúa Quan Phòng, theo cách Cha Gioan Martinô MOYE 
  • Là nữ tu Chúa Quan Phòng chúng ta được học hỏi về đặc sủng và linh đạo của Cha Gioan Martinô MOYE nhờ những cuộc gặp gỡ với các bề trên, hay qua những Thư Chung của các ngài. Nhưng điều hết sức quan trọng là mỗi nữ tu phải tự đào tạo chính mình, phải làm cho mình được thấm nhuần tinh thần và đặc sủng của Đấng Sáng lập, bằng cách siêng năng đọc quyển Hướng Dẫn, các sách và các tài liệu nói về lịch sử và về đời sống của Cha Gioan Martinô MOYE.    
  • Sứ mạng của nữ tu Chúa Quan Phòng là giáo dục. Vậy chúng ta nên huấn luyện các học sinh, các em học giáo lý, các em trong ca đoàn, các thanh thiếu niên được giao phó cho chúng ta, theo những chỉ dẫn của Cha, nghĩa là phải dạy cho chúng những chân lý trong đạo ; cho chúng biết về Chúa để chúng yêu mến Chúa ; tạo cho chúng những thói quen lành thánh ; can đảm sửa dạy với tất cả tình thương khi chúng sai phạm. Noi gương Thiên Chúa, chúng ta sửa dạy các em với lòng nhân từ và sự nhẫn nại, biết trọng tự do của chúng nhưng đồng thời hướng dẫn sự tự do đó. 
  • Kỷ luật và đồng hành là những điều gồm trong sứ mạng giáo dục của những người có trách nhiệm. Sách Châm ngôn 13, 24 nói về bổn phận của cha mẹ : "Kẻ ghét con mới không dùng roi vọt, người thương con sẽ lo sửa phạt con." Con cái lớn lên trong những gia đình vô kỷ luật cảm thấy không được quan tâm và cảm thấy không xứng đáng. Chúng thiếu sự hướng dẫn và tự kiểm soát bản thân, và khi chúng lớn lên chúng nổi loạn và có ít hoặc không có sự tôn trọng đối với bất kỳ loại quyền bính nào, bao gồm của cả Thiên Chúa. "Hãy sửa phạt con cái bao lâu còn hy vọng, nhưng đừng nóng nảy khiến nó phải chết (Châm ngôn 19, 18). Kỷ luật với tình yêu phải đi đôi, bằng không con cái khi lớn lên có thể oán giận, chán nản, và nổi loạn (Cl. 3, 21). Chúng ta cũng có thể áp dụng những lời khuyên của sách Châm ngôn vào sứ mạng giáo dục của chúng ta. 

Kết luận :  Để kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta có thể nói như Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II : “Đào tạo là một tiến trình sống động nhờ đó các cá nhân quay trở về với Lời Thiên Chúa, trong cõi thẳm sâu của lòng mình ...”

Đào tạo là một công việc kéo dài suốt đời người và là một phần của việc thanh luyện gian khổ. Đào tạo nhằm giúp một con người đạt tới một hiểu biết sâu xa, vững chắc về chính mình, về các khía cạnh khác nhau của sự phát triển, biết làm chủ bản thân hầu trở nên trưởng thành hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn với các công việc mình làm.

Nuôi dạy con có thể là một việc làm khó khăn và thách thức, nhưng đồng thời là nhiệm vụ xứng đáng và cao cả, vì chúng ta cộng tác với Chúa để làm cho chúng trở nên con của Chúa. 

Vậy cả hai cụm từ đào tạo và huấn luyện đều nhắm đến việc hình thành một con người toàn diện. Quá trình này phải trải qua những thử thách, những khó khăn, hy sinh và từ bỏ. Vậy, mỗi người chúng ta phải ý thức chấp nhận quá trình  huấn luyện này cho chính mình và cho những người mà mình có trách nhiệm đào tạo. Nguyện xin Cha Á Thánh Gioan Martinô MOYE giúp chúng ta thấm nhuần tinh thần của Ngài trong việc tự đào tạo và đào tạo người khác.

 

CầnThơ, ngày 19.05.2019

Nữ tu Joseph-Marie LÊ THỊ VIỆN