Xuân hiệp hành, là chủ đề mừng xuân 2024 của nhà Nội Trú Kim Phước.
Sáng Chúa Nhật, 04/02/ 2024 bầu khí vui tươi của mùa xuân thêm rộn ràng và sống động hơn khi các em học sinh nội trú xúng xính trong những bộ trang phục thật đẹp và lòng đầy hân hoan để chào đón quý Sơ, quý thầy cô giáo và quý phụ huynh và quý chị cựu học sinh về tham dự ngày họp mặt cuối năm và chào đón mùa xuân mới.
Đặc biệt trong ngày họp mặt hôm nay có sự hiện diện của cha Phêrô Nguyễn Văn Đông, vị mục tử nhân từ của giáo phận Kontum nói chung và của anh chị em dân tộc thiểu số nói riêng. Qua bài chia sẻ của cha đã làm cho họ cảm nhận sâu hơn sự gần gũi và tình yêu thương của người cha hiền.
Trong phần chúc mừng, các em đã gửi tới cha Đông quý Sơ, quý thầy cô giáo và quý phụ huynh những lời cầu chúc tốt đẹp cùng với những tiết mục văn nghệ đặc sắc và ý nghĩa. Để đáp lại công ơn của quý Sơ cũng như tinh thần đơn sơ và lòng hiếu thảo của các em, quý phụ huynh cũng đóng góp những tiết mục đơn ca, song ca cùng với những tâm tình cám ơn và những lời chúc thật tốt đẹp.
Quý phụ huynh đã rất cảm động và biết ơn Hội dòng Chúa Quan Phòng, biết ơn quý Sơ khi được chứng kiến sự trưởng thành của các con em họ. Nhất là nhiều phụ huynh đã tự hào và hạnh phúc khi được chính tay mình trao những phần thưởng cho các em học sinh giỏi và khá trong học kỳ I vừa qua. Sự hiện diện và những lời tâm sự chân thành của các em cựu học sinh sáng nay đã làm tăng thêm tinh thần liên đới và hiệp thông.
Trong giờ gặp gỡ phụ huynh, Sơ phụ trách cộng đoàn đã nói lên những thành quả và cả những thao thức của Hội dòng trong sứ mạng chăm sóc và dạy dỗ các em. Quý phụ huynh cũng nhiệt tình đóng góp những ý kiến để cùng chia sẻ và đồng hành trong việc giáo dục các em. Sau giờ họp phụ huynh, tất cả mọi người cùng chung vui bữa tiệc mừng xuân với những món ăn khác nhau từ nhà nội trú và quý phụ huynh mang đến từ các làng mạc.
Bầu khí vui tươi, bình an và thân thiện của ngày họp mặt tất niên và mừng xuân tại nhà Nội Trú Kim Phước hôm nay đã làm sáng tươi tinh thần Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ của XUÂN HIỆP HÀNH.
Hình ảnh
Cộng đoàn Kim Phước
TD Tây Nguyên
“ Nguyện xin phúc lành trên trời xuống trên các con và trên trường của các con.” (HD. 225)
Hôm nay ngày 05/09/2023, theo truyền thống giáo dục, trường Mẫu Giáo Tư Thục Sao Mai cũng như tất cả các trường trên cả nước hân hoan khai giảng năm học mới. Còn gì quý hơn khi chúng ta nghe lại những lời nhắn nhủ của cha Gioan Martino Moye: “ Các con thân mến, có những trẻ em có những đức tính tự nhiên dễ thương, người ta quyến luyến những trẻ em đó và lơ là với các trẻ em khác nhiều khi lại cần dạy dỗ hơn… như vậy các con đừng thiên vị ai hết. Hãy chăm lo cho các trẻ nghèo cũng như trẻ giàu. Những trẻ học hành khó khăn có thể là những trẻ về sau sẽ làm các con hài lòng hơn cả.” (HD. 119-120)
Chúng ta cùng hồi tưởng lại ngôi trường đầu tiên của Hội dòng được khai sinh trong một chuồng heo tại làng quê nghèo nước Pháp. Trải qua bao thế kỷ, bao lớp người đã để lại di sản quý báu về vật chất cũng như tinh thần.
Trong tâm tình hiệp hành, chúng ta nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành trên các trường của quý Sơ, đặc biệt là trường Mẫu Giáo Tư Thục Sao Mai. Xin Chúa ban cho quý Sơ, quý cô giáo, quý nhân viên trong trường được bình an và sức khỏe, để quý Sơ và các cô hăng say, nhiệt tâm tạo cho các em một môi trường giáo dục và học tập phát triển toàn diện, giúp các em hạnh phúc, an vui sống hồn nhiên với tuổi thơ của mình.
Ban truyền thông - TD. Cần Thơ
Tân Phú Trung là một xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
Xã có diện tích 29,77 km², dân số năm 1999 là 17.518 người, mật độ dân số đạt 588 người/km².
Lược sử Giáo xứ Tân Phú Trung
Một số giáo dân Sa Đéc vào lập nghiệp (làm ruộng) nên năm 1912 một linh mục thừa sai (thuộc địa phận Nam Vang) cất một Nhà thờ đầu tiên bằng gỗ.
Năm 1946 Nhà thờ bị đốt, giáo dân đi tứ tán, mãi đến năm 1957 cha Philipphê Võ Phước Thạnh cất lại Nhà thờ bằng gỗ lợp fibrô dài 12m x 5m. Họ đạo có thánh lễ thỉnh thoảng hai tuần một lần ngày Chúa nhật do một cha từ Sa Đéc đến dâng lễ, thế là Tân Phú Trung thuộc Sa Đéc.
Năm 1993 Đức Cha Giacôbê tách họ đạo Tân Phú Trung ra khỏi Sa Đéc, đặt cha Gioakim Dương Văn Ngoan coi sóc. Từ thời gian đó, mỗi ngày Chúa nhật đều có thánh lễ. Số giáo dân ban đầu đi lễ Chúa nhật khoảng 30 người, nhưng càng ngày càng trở lại đông, nên Nhà thờ không đủ để cho giáo dân dự lễ.
Năm 1995 Nhà thờ được xây lại dài 30m x 14m để đủ chỗ cho người dự lễ.
Số giáo dân hiện nay là 642 người.
https://giaophanvinhlong.net/Ho-Dao-Tan-Phu-Trung.html
Cộng đoàn nữ tu Chúa Quan Phòng Tân Phú Trung
Công đoàn được thành lập ngày 30/08/1975. Nhà dòng đã dùng vật tư cũ của CĐ. Sa Đéc cất một ngôi nhà cấp 4 bên hông nhà thờ gồm: 1 phòng khách, 2 phòng ngủ (4 giường và 2 giường), che thêm 1 chái làm nhà bếp, phòng tắm và chăn nuôi.
Chị Thérèse Hóa, chị Eustelle Lang và chị Rosalie được gởi đến họ đạo Tân Phú Trung để mục vụ họ đạo. Gần một năm sau, chị Rosalie thuyên chuyển đi nơi khác. Chị Antoine Marie Cách đến cộng đoàn với trách nhiệm Trưởng cộng đoàn. Ban đầu, giáo xứ không có Thánh lễ hằng ngày, các chị đã quy tụ giáo dân đến Nhà thờ để đọc kinh, dạy giáo lý…. thăm viếng họ đạo, thăm những người đau yếu, neo đơn trong vùng. Dần dần, ngoài công tác mục vụ, các chị còn quy tụ một nhóm trẻ để dạy cho các trẻ em biết đọc và viết, trường học chính là một trường học bị bỏ hoang. Ngôi trường đầu tiên của Hội dòng là một chuồng lợn bỏ hoang, các chị có được ngôi trường này cảm thấy tốt lắm rồi.
Hồi ký của Chị Antoine-Marie:
Ngày 13/06/1976 tôi được sai đến họ đạo Tân Phú Trung sống cộng đoàn cùng với Chị Têrêsa và chị Marie-Eustelle. Tân Phú Trung, một họ đạo nghèo ơi là nghèo….Nghèo cả vật chất lẫn tinh thần.
“Thực hiện lòng Thương xót Chúa cho những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất, trong tinh thần Phó thác, Đơn sơ, Khó nghèo và Bác ái”. Đây là thời điểm chị em chúng tôi sống triệt để tinh thần Dòng và thi hành sứ mệnh mà Hội dòng trao phó.
Sống trong một cộng đoàn nghèo: muốn tắm phải chờ nước lớn dưới kinh để có nước tắm, củi nấu phải đi nhặt từng nhánh để xài, cầu cá là nhà vệ sinh…..
Về phương diện thiêng liêng: Có Nhà thờ, có Nhà Tạm, có Mình Thánh Chúa, có đèn chầu loe loét… nhưng thỉnh thoảng Cha mới vào dâng Thánh lễ. Đây là vùng giải phóng, dân rất nghèo, người công giáo rất ít đa số là người lương. Tôi khóc, khóc ngày khóc đêm.
Và Thiên Chúa Quan Phòng can thiệp từ từ… Một hôm có một thanh niên bị bắn chết. Tôi đến viếng xác và hỏi gia đình tang quyến rằng tôi có được phép đọc kinh không? Gia đình đồng ý, thế là tôi dọn Thánh giá và đèn phía trước quan tài và cùng đọc kinh với một số người có đạo. Các em nhỏ xung quanh xúm lại nhìn tôi. Tôi nghe tiếng Chúa nói trong tôi: “Cha gởi con đến đây không phải để con khóc, nhưng để làm cho những người đang nhìn con biết Cha”. Qua đó, tôi cảm nghiệm được chính Chúa trao sứ mạng cho tôi và Ngài đồng hành với tôi.
Tôi bắt đầu quy tụ các em trong vùng lại để dạy chữ nơi một trường học bỏ hoang. Và Chúa Quan Phòng đã lo đến nhu cầu vật chất của cộng đoàn. Cả trăm em đến ghi danh học, mỗi tháng học mỗi em giúp 1 lít gạo và 50 ngàn đồng.
Được một thời gian, trường học sập, và tôi cũng không được phép dạy học nữa vì ‘người ta’ sợ tôi dạy một thời gian nữa các em sẽ theo đạo “Amen” hết.
Thế là xong! Nhưng Chúa Quan Phòng đã mở lối khác cho tôi, Ngài đưa tôi đến với dân nghèo, đi vào cuộc sống của dân nghèo.
Tôi hỏi các em: Không đi học các con ở nhà làm gì?
- Chúng con đi bắt “hôi”.
- Bắt hôi là gì vậy?
- Có những cái đìa, chủ tát nước bắt cá xong, tụi con đi sau tìm trong sình còn con cá nào thì bắt.
Thế là tôi cùng đi bắt cá hôi với các em.
Chúa Quan Phòng cũng gởi đến chúng tôi những người có lòng tốt, quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Có một gia đình cho chúng tôi một công ruộng lúa chín. Thế là dân làng xúm đến gặt, đạp lúa và đổ lúa vào bồ giúp chúng tôi.
Hằng ngày tôi đi thăm dân làng, day giáo lý để các đôi hôn phối được hợp thức hóa.
Trước đây, mỗi ngày Chúa Nhật anh chị em giáo dân đi lễ ở họ đạo Long Thắng hoặc có ghe của một gia đình chở một số anh chị em đi lễ ở Sa Đéc. Tạ ơn Chúa, lúc này Cha vào dâng Thánh lễ mỗi tuần, thế là các em được tập hợp lại để tập hát lễ.
Dần dần, các Cha ở Sa-Đéc, thay phiên nhau dâng Thánh lễ ở họ đạo Tân Phú Trung, đồng thời hợp thức hóa các đôi hôn phối. Giáo dân được lãnh các Bí tích: Hôn phối, Rước lễ lần đầu, Thêm sức, Bí tích Hòa giải… các em cũng được Rước lễ Bao đồng.
Trước đây họ đạo Tân Phú Trung trực thuộc Giáo xứ Sa-Đéc, nay trở thành một giáo xứ của Giáo Phận Vĩnh Long.
Tôi là một hạt cải, Chúa đã đem gieo trồng nơi mảnh đất Tân Phú Trung này. Chúa đã dùng những con người nhỏ bé để thực hiện công trình của Ngài.
Tạ ơn Chúa .
Năm 2000 giáo xứ xây lại cho các chị ngôi nhà cấp 4 và năm 2006 một phòng lớp được ra đời. Từ nay các chị có nơi khang trang hơn để dạy các bé.
Các chị đón tiếp tất cả các em được cha mẹ gởi đến không kể lương giáo. Các em được các chị dạy cho học và lo cho bữa ăn trưa với một lệ phí rất phải chăng để các chị có thể sinh sống. Em nào mà gia đình không đủ diều kiện thì các chị miễn phí hoàn toàn. Hiện nay có khoảng 30 em đến học với các chị.
Như môn đệ được Chúa sai đi từng hai người một. Và sứ mệnh tiếp nối sứ mệnh, bước chân tiếp nối bước chân… Hôm nay, cũng với hai chị, các chị tiếp tục sứ mệnh của các chị đi trước nơi vùng quê nghèo, hẻo lánh trong hăng sai và tín thác.
BTT
Sáng ngày 23.12.2022, cả Tu viện Chúa Quan Phòng Cần Thơ rợp màu sắc đỏ thắm của những "ông già, bà già Noel nhí " trường MG Tư Thục Sao Mai. Năm nào cũng vậy, cứ trước ngày giáng sinh, các bé sẽ được tổ chức một ngày hội vui chơi, được tặng quà của ông già Noel và được các cô giáo dẫn đi tham quan các hang đá trong Tu viện. Các em thích thú trước những trang trí đẹp mắt từ các hang đá, những mô hình trên sân cỏ,những dây đèn sặc sỡ. Kính mời quý Srs xem hình các bé đang tham quan Tu viện nhé!
Ban Truyền Thông - TD Cần Thơ
" Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam
"Tôn sư trọng đạo" trò nào dám quên
Thầy cô như cha mẹ hiền
Ươm mầm nhân cách cho em nên người."
Page 1 of 31