Mỗi dịp tết đến xuân về, người người háo hức được sum vầy bên những người thân yêu, trẻ em tung tăng đón chào tuổi mới. Thế nhưng ở đâu đó vẫn còn những mảnh  đời tha hương, và còn đây, những người đang long đong vất vả để kiếm thêm thu nhập trong những ngày cận Tết.

Họ là ai? Có phải họ là anh chị em của chúng ta? là những con người âm thầm làm đẹp thành phố với từng xe rác chất đầy, với tiếng sột soạt của cây chổi cọng dừa trong buổi sáng lạnh, trời đầy sương mù và họ còn là những người già bệnh tật đi nhặt ve chai, bán vé số để sống qua ngày.v.v… Xuân về, họ ước mơ gì? Có tấm áo mới, có vài trăm ngàn trả nợ, có viên thuốc giảm cơn ho và đau nhức…

Các Cô giáo Trường mầm non Tuổi Thơ và các nữ tu Chúa Quan Phòng đã men theo những con đường giữa lòng thành phố mộng mơ để chia sẻ những món quà yêu thương bất ngờ đến với họ. Một chút sẻ chia và nhận lại món quà vô giá: tình yêu và hạnh phúc! Chỉ vậy thôi, cũng làm lòng người thêm ấm áp và niềm vui được nhân đôi.

Xin cho ước mơ của người không được may mắn trở nên hiện thực khi xuân về.

 

 

Một vài hình ảnh

 

Ban Truyền Thông - TD Tây Nguyên

 

Chúng con chào tất cả quý Soeurs,

Chúng con là Đệ Tử Sinh Viên thuộc Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Tây Nguyên nè. Chị em chúng con đang sống tại nhà Đệ Tử Eakao, thành phố Buôn Ma Thuột. Đời sinh viên chẳng có chi đáng nói ngoài việc học hành, ngày ngày lên lớp, chiều về học bài chuẩn bị cho ngày mai. Điệp khúc một ngày như mọi ngày cứ được lập đi lập lại!

Ồ! Có vài điều thật là thiếu sót nếu chúng con không nói ra đó là: ngày lại ngày từ sáng sớm chúng con đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ dâng ngày mới, và tập cầu nguyện một chút, cũng như ngày cuối tuần được học để hiểu biết giáo lý, hiểu biết về hội dòng và nhân bản v.v…

Chúng con rất may mắn vừa được theo chân quý Soeurs, đến cộng đoàn quý Soeurs dòng Phaolô gói hơn 300 phần quà nhỏ, làm chả ram chuẩn bị cho ngày gặp mặt. (ngày đi Buôn!) Chúng con soạn lại quần áo của mình để đóng góp vào gian hàng 0$ được tổ chức tại buôn.

Từ sáng sớm, chúng con đã háo hức nhanh chân vào Buôn! Đi buôn lấy lời cho Giêsu mà… Trong buôn có anh chị em Kitô hữu, và có cả những anh chị em chỉ mới có cảm tình với Giêsu. Chúng con vào buôn rất sớm để chuẩn bị gian hàng 0$. Vào đến nơi, chúng con đã phân loại và treo lên mọi thứ đã được giặt giũ thơm tho: nào là quần áo, giày dép, mũ nón, cặp sách v.v… để mọi người trong Buôn có thể chọn lựa theo nhu cầu của mình. 

Sau bữa ăn tất cả mọi người đến gian hàng chọn mũ nón áo quần…

Anh chị em rất vui khi chọn được cái áo, túi xách theo nhu cầu  của mình.

Sau đó tất cả các em thiếu nhi, người lớn cùng nhau chơi các trò chơi, sinh hoạt với nhau và ra về trong niềm hân hoan.

 

Được theo chân quý Soeurs, được đi Buôn kiếm lời…  

“Giêsu ơi, con dâng Ngài tình con bé nhỏ

Một chút tập tành để lòng rộn lên vui sướng.

Ước chi mọi người trong vòng tay nắm chiều nay đều tin nhận Ngài là Đấng cứu độ.”

 

Thông tin Tỉnh Dòng Tây Nguyên

Kẻ hành hương

 

Hôm nay là ngày 3/11, những ngày đầu của tháng 11. Những cơn mưa cuối mùa như trúc hết tất cả những gì còn lại để nhường cho cái se lanh của mùa đông. Bước vào những ngày đầu đặc biệt hướng về các Thánh Nam Nữ đang vui hưởng vinh phúc thiên đàng song song đó là ngày lễ cầu cho các linh hồn. Tâm trí tôi khắc khoải nhớ đến các thai nhi và câu chuyện của Mái Ấm Mong Thọ

Đây chắc có lẽ là lần đầu tiên tôi ngồi xuống để hoài niệm về Mái Ấm.

Mái Ấm Mong Thọ được thành lập do Cha Phaolô Nguyễn Đức Thiện, một Linh Mục trẻ nhưng cuộc sống của Ngài là một minh chứng hùng hồn và sắc bén về Lòng Thương Xót của Chúa. Từ khi còn làm Thầy, Ngài đã tham gia vào công tác bảo vệ sự sống, lòng nhiệt thành của Ngài với các thai nhi và mong ước của Ngài là giành lại sự sống cho các em. Có lần tôi có nghe Ngài nói: “chôn bao nhiêu em mới cứu được một em thì đã là mừng lắm rồi”. Sau đó Ngài lập một nhóm bảo vệ sự sống, cộng tác viên của Ngài đến các bệnh viện và phòng khám tư chờ chực để mang các thai nhi về, và mỗi đầu tháng ngài dâng lễ chôn cất thai nhi tại đất thánh Giáo xứ Tân Lập. Được biết khi Ngài còn làm Cha Phó giáo xứ Trung Thành, Ngài đã cùng cộng tác với Cô Maria Trần Thị Hương, thuộc giáo xứ Trung Thành, giáo hạt Tân Hiệp để nuôi các bé được cứu sống. Phần lớn mẹ của các bé là những cô gái lỡ lầm, có khi là những gia đình không có đủ điều kiện, Cha đã nuôi các bé từ lúc còn trong bụng mẹ.

Số lượng các bé ngày một tăng lên, tại gia đình cô Hương cũng không còn đủ chỗ nên Cha mới quyết định xây Mái Ấm tại giáo xứ Mong Thọ, mảnh đất Cha mua từ một người giáo dân và cũng thuận tiện cho việc giáo dục đức tin và giáo dục tri thức cho các bé.

Cha bắt đầu khởi công vào những năm tháng mùa Covid, mặc dù phải chật vật để lo vật tư xây nhà nhưng cha vẫn cố gắng hoàn thành sớm để các bé có chỗ ở tốt hơn.

Cùng lúc với việc xây dựng, Cha cũng gửi lời mời đến Tỉnh Dòng Cù Lao Giêng, xin các nữ tu cộng tác vào công trình Mái Âm. Đáp lại lời mời, Bề Trên Giám Tỉnh đã gửi hai nữ tu đến ở với các em. Bước vào những ngày cuối năm âm lịch 2021 và đầu năm 2022 tức ngày 27/01/2022 các bé được chuyển  đến ngôi nhà mới.

Những ngày đầu tôi còn nhớ như in cảnh các bé bò lểnh nghểnh, đứa nằm khóc, đứa bệnh. Được bề trên tín nhiệm sai tôi đến chăm sóc các em, nhưng ngoài lòng nhiệt thành và sự tận tuỵ thì tôi chẳng có chút vốn luyến nào khác ngoài Chúa Quan Phòng.

Nhìn các bé mà tôi không khỏi bâng khuâng lo lắng không biết bắt đầu từ đâu và phải làm gì với các bé, vì đây là một sứ mệnh hoàn toàn mới mẻ, nằm ngoài khả năng và sự hiểu biết của tôi. Ngày các bé về mái ấm là những ngày giáp tết Nguyên Đán, có 2 bé phải nằm viện nên chị em chia sẻ công việc với nhau. Người thì lo đi bệnh viện người ở nhà chăm lo các bé, vừa lo mục vụ nhà thờ. Các vú nuôi đã nghỉ tết. Đối mặt với những thị phi lời ra tiếng vào, những chống đối, sỉ nhục. Lúc này tôi nhớ tới lời Cha Á Thánh  Gioan Martinô Moye: “những công trình được Chúa chúc lành thường gặp thử thách, khó khăn, chống đối buổi  đầu”. Tôi tin tưởng Chúa đang chúc lành cho công trình này. Bao vất vả, chống đối mọi khó khăn như đổ về cùng một lúc, nhưng chị em trong cộng đoàn nâng đỡ và thấu hiểu cùng nhau vượt qua khó khan, cùng nhau mỉm cười, cùng nhau học tập kinh nghiệm của một bà mẹ bỉm sữa.

Sau đó thì cộng đoàn tiếp nhận bé Hoài Thương vào ngày 27/03/2022 và một Mẹ bầu mà vài tuần sau đó đón David chào đời. Ngày 20/06/2022 bé Hoài Thương được Chúa gọi về vì bệnh ‘não úng thuỷ’ mặc dù mọi người đã tận tình chạy chữa mong tìm lại sự sống cho em.

Ngày 05/05/2022 trong dịp tĩnh tâm hạt, Cha Tổng Đại diện Luy Gonzaga Huỳnh Phước Lâm đã làm phép nhà Mái Ấm cùng với sự tham dự của đông đảo các linh mục, tu sĩ, giáo dân và những vị ân nhân của Mái Ấm, Mái Ấm chính thức được thành lập. Mái ấm còn được Đức Cha Giuse Trần Văn Toản đặt cho tên là “NHÀ TÔN TRỌNG SỰ SỐNG” bởi vì sự sống của các em phải đấu tranh mới có được.

Nhờ sự cộng tác và giúp đỡ của giáo dân Mong Thọ cũng như những sự quan tâm giúp đỡ từ những mạnh thường quân nên Mái Ấm ngày một khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn cho các bé.

Những ngày khó khăn cũng qua đi, các bé giờ đều khỏe mạnh và sống vui vẻ hạnh phúc.

Nhìn các bé được phát triển tốt và khôn lớn từng ngày tôi chỉ thầm tạ ơn Chúa và dâng các em cho Chúa, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, xin các Ngài cùng đồng hành với các bé được khoẻ mạnh bình an, hạnh phúc  nơi môi trường Mái Ấm.

Chị em chúng con cảm thấy vui và hạnh phúc khi được phục vụ trong sứ mệnh này, được theo sát cha Gioan Martinô Moye trong đặc sủng: “Thực hiện Lòng Thương Xót Chúa nơi những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất”. Cảm ơn Hội Dòng đã tin tưởng yêu thương quan tâm, thăm hỏi và cầu nguyện cho chúng con để mỗi ngày chúng con có thêm nhiều động lực và sáng kiến mới trong việc nuôi dạy các em nên người.

Khát mong lớn nhất của con là các em được sống vui vẻ hạnh phúc và được yêu thương.

Ưu tư lớn nhất của con là làm cách nào để dạy dỗ và nuôi dưỡng các bé nên người.

Sơ Marie Christianne Phan Ngọc Như

ĐÔI DÒNG CẢM NGHIỆM

Sơ Marie Félice Nguyễn Huỳnh Cẩm Thu

Quả thật diễm phúc khi tôi được cùng chị em thi hành sứ mạng tại một Mái ấm.

Sứ mạng này không phải là mới đối với Hội dòng chúng tôi. Nhưng trải qua dòng lịch sử thăng trầm của sự tồn tại và phát triển Hội dòng, sứ mạng này nay đã được dần dần khôi phục.

Trước đây, các chị tiền bối đã từng chăm sóc người già neo đơn, các trẻ mồ côi tại Tu viện Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tại cộng đoàn Sóc Trăng,… Trải qua những thay đổi của thời đại, sứ mạng này như chìm trong bóng tối, nay lại được khởi sắc bởi một linh mục triều. Bởi sự ưu tư và lòng trắc ẩn, ngài thương xót và cưu mang các em nhỏ không chỉ bị bỏ rơi, mà còn thương đến các em có hoàn cảnh khó khăn. May mắn thay, tôi được cộng tác vào sứ mạng chăm sóc và nuôi dạy các em này. Với số phận bất hạnh vì thiếu tình thương của gia đình, thì bù vào đó các em lại nhận được rất nhiều sự quan tâm và lo lắng của nhiều người. Trước tiên là của cha sáng lập Mái ấm, quý ân nhân giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, quý sơ và các vú nuôi trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy các bé. Tuy có vất vả và nặng nề trong việc dạy dỗ các em, nhưng tôi lại cảm nghiệm niềm hạnh phúc vì được thi hành đặc sủng của Hội dòng: “Thực hiện kế hoạch lòng thương xót Chúa trên nhưng người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất”.

Tôi rất thích trẻ em. Khi tôi được Bề trên sai đi sứ vụ ở đây, tôi vui lắm. Tuy nhiên, mới ngày đầu đặt chân đến Mái ấm, tôi nhức đầu không chịu nổi, bởi những tiếng khóc và la hét của bọn trẻ. Qua ngày thứ hai, thứ ba,… tôi dần quen với tiếng ồn ào đó, và các em cũng mỗi ngày một lớn, đỡ khóc hơn, biết nghe hơn.

Chắc chắn với hoàn cảnh xuất thân của các em, các em sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển tâm sinh lý. Thế nhưng, tại môi trường sống này, tôi vẫn cảm nghiệm được sự hồn nhiên và đơn sơ của các em. Các em ăn, ngủ, vui chơi, học tập với không gian sinh hoạt thật lý tưởng. Có thể nói các em được đầy đủ hơn nhiều các em khác bên ngoài. Các em được dạy dỗ, được tiếp xúc với nhiều người giúp các em thêm can đảm, dũng cảm và mạnh mẽ hơn.

Ở đâu cũng vậy, hay về tiêu chí nào cũng thế, có mặt mạnh thì cũng sẽ có mặt yếu. Với số lượng đông các em, tuổi ngỗ nghịch của chúng, đôi lúc cũng làm cho những người chăm sóc chúng dễ nổi cáu. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải xét mình và xin ơn kiên nhẫn mỗi ngày, để có thể dốc lòng và nhiệt tâm chăm sóc các em một cách tốt nhất với sức khỏe và khả năng Chúa ban.

Người ta thường nói “công sinh không bằng công dưỡng”. Tôi đã từng được chứng kiến nhiều phụ nữ mang nặng đẻ đau, nhưng họ cũng chỉ vất vả 9 tháng 10 ngày là cùng. Còn công dưỡng dục mới là đáng kể. Thật buồn tủi và nặng lòng khi một đứa trẻ mình chăm sóc, nuôi dạy mà chúng không nghe lời. Ra đường gặp ai cũng bị “mắng vốn” “con cha thế này, con sơ thế kia”. Chẳng lẽ cha sơ lại không dạy dỗ sao? Có chứ! Dạy nhiều nữa là đằng khác: nhân bản, đức tin, đời sống thiêng liêng,… Ngay từ thuở nhỏ cha, sơ và các mẹ đã gieo vào chúng những điều tốt. Tuy nhiên, có những em đã lớn, đã có trí khôn mới được gửi vào Mái ấm thì thật vất vả để dạy dỗ các em. Nhưng với thời gian, tôi thấy được sự thay đổi và lớn lên của các em về nhiều phương diện.

Không chỉ có riêng các em, mà còn những người chăm sóc các em cũng nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa, thông qua trung gian con người, là những tấm lòng quảng đại, bao dung của nhiều ân nhân đã rộng tay làm phúc giúp đỡ các em và chúng tôi. Tôi biết ơn và chân thành khắc ghi lòng hảo tâm của tất cả quý vị. Xin Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng ban cho tất cả mọi người những ơn cần thiết, để chu toàn tốt vai trò và sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người theo bậc sống của mình.

BTT

 

Còn gì? Bạn nhìn thấy tôi mang một thứ bệnh mà nhiều người tránh xa. Tôi mang những di chứng của bệnh tật. Tôi không thể hòa nhập vào xã hội và như thế có còn gì nữa phải không bạn?

Có những buồi tủi cho thân phận, sao cảnh đời nghiệt ngã? Sao bị người khác chối từ… Vâng! mọi người có thể nhìn bề ngoài và dễ buột ra lời nói còn gì ?

Còn gì? Tôi, bạn tôi… những người sống trong làng xa còn là một con người, với nhân phẩm, tư cách và giá trị của một con người, người con của Thiên Chúa.

Bệnh hoạn, tật nguyền trong thân phận… cách nào đó tôi cũng được chia sẻ chén đắng với Chúa Giêsu. Tôi hy vọng những thánh giá trong cuộc đời sẽ là nhịp cầu đưa tôi, các bạn tôi… đến bến bờ yêu thương.

Còn gì ? Vâng! còn một lòng yêu mến, kính tôn dành cho Thiên Chúa.

Còn gì ? Vâng! còn đó những bàn tay không đầy đủ các ngón tay nhưng con tìm đầy ắp tình người.

Còn gì ? Vâng! còn đó những và chia sẻ với anh chị em cùng thân phận.

Còn gì ? Tôi còn và có tất cả như mọi người.

Tôi và bạn, chúng ta cần phải cám ơn nhau, vì chúng ta là đối tượng của nhau để được phục vụ, được chăm sóc và được yêu thương.

BAN TRUYỀN THÔNG - TD. TÂY NGUYÊN

Tôi gặp em trên đường sứ vụ và không sao quên được em. Các cô bé gái và những chú con trai đen nhẻm, ánh mắt trong với nụ cười hồn nhiên đã làm cho gương mặt em thêm xinh!

Que kẹo mút ngọt ngào, gói snack giòn rụm cay cay, gói quần áo được các anh chị em chia sẻ... em vui, em cười, em hạnh phúc… và tôi được chia sẻ hạnh phúc với em.

Trên đường về tôi suy nghĩ về em, nghĩ về ngày mai… em có ước mơ gì ???

Cánh diều bay cao nhờ lực đẩy của gió cùng với sự nhịp nhàng của người đang trực tiếp cầm giây để con diều được vươn cao và vươn cao hơn nữa.

Hôm nay, hiện tại… xin mọi người chung tay để em được đến trường, được no bụng, biết con chữ và như thế mới hy vọng và dám nghĩ đến tương lai!

BAN TRUYỀN THÔNG - TD. TÂY NGUYÊN