Nếu Lịch sử cứu độ là một bản trường ca vô tận diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, thì tôi là con của Thiên Chúa người được thụ hưởng thứ tình yêu đó, tôi phải diễn tả thứ tình yêu đó như thế nào trong thế giới hôm nay? Đặc biệt là thời gian sắp tới tôi được ký kết với Chúa một bản giao ước qua việc tuyên khấn lần đầu.
Trong bản kết ước này tôi được vinh dự đóng vai trò là chủ thể, có đủ sự tự do và tự nguyện để nói lên lời tuyên khấn. Qua dòng lịch sử cứu độ tôi nhận ra một tình tình yêu bất tận mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, qua cách này cách khác Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và tha thứ, tôi cũng muốn diển tả lại thứ tình yêu đó trong thế giới ngày nay, không phải để nói lên rằng chính tự sức riêng mà tôi có thể trở nên chứng nhân cho một tình yêu vô tận đó, nhưng có một Thiên Chúa luôn yêu thương tôi và yêu thuơng mọi người. Và tôi chỉ là người đang trong quá trình phấn đấu để trở thành nhân chứng tình yêu của Chúa giữa lòng thế giới qua ơn gọi tận hiến.
Người ta thường nói “Chúng ta chỉ thực sự biết yêu thương, khi ta cảm nhận được mình được yêu thương”. Tôi cũng vậy, khi suy ngắm về Mầu Nhiệm Thập Giá, tôi đọc thấy một tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha yêu thương nhân loại đã không ngần ngại ban con một của Ngài đến cho nhân loại. Chúa Giêsu vì yêu sẵn sàng chịu nhục hình trên Thập Giá để chứng minh tình yêu đó, Chúa Thánh Thần vì muốn nhân loại được mãi hưởng nếm tình yêu của Thiên Chúa mà sẵn sàng xuống trên mỗi người để con người luôn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người.
Khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thập Giá của Đức Kitô nếu không cảm được hương vị của tình yêu trong đó thì xem ra thập giá là điều gì đó thật đau khổ và u buồn. Chọn bước theo Chúa Giêsu trong đời sống dâng hiến Thiên Chúa chẳng hứa cho tôi được bước đi trên con đưởng trải đầy nhung lụa, nhưng Ngài mời gọi tôi sẵn sàng cho một hành trình lội ngược dòng, Ngài nói trong Tin mừng Mt 16,24 “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo”. “Từ bỏ chính mình”, từ bỏ làm sao khi tôi đang sống trong một xã hội đang không ngừng chạy theo xu hướng hưởng thụ, tục hóa. Làm thế nào để vác Thập giá khi mà không mấy ai muốn mình phải dây vào những đau khổ, gian nan thử thách. Vậy thử hỏi bước theo Đức Giêsu tôi được gì? Thánh Giá Chúa Kitô là mầu nhiệm tình yêu, một tình yêu trung thành và cao quý. Đức Kitô chịu đóng đinh vì tôi, điều này có phải là mầu nhiệm tình yêu chăng? Tôi có đang đi theo một Đức Kitô vắng bóng thập giá, một bậc thầy tinh thần với đầy an ủi và lời khuyên khôn ngoan? Hay tôi có đang đi theo một cây thập tự vắng bóng Chúa Kitô.
Tất cả mọi vật hiện hữu dưới trần gian này, dù lớn hay nhỏ, dù cao hay thấp đều mang một giá nào đó. Nhưng giá trị của thập giá Chúa Giêsu chính là Tình Yêu và giá trị của ơn tu sĩ chính là cách người tu sĩ diễn tả tình yêu của Chúa cho mọi người. Xin cho con luôn trân quý ơn gọi của mình, biết vun trồng ơn gọi bằng sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, năng suy niệm mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh để tạ ơn Chúa và đáp lại tình yêu Chúa đã dành cho riêng tôi.
Marie Paula Trúc Quỳnh
Nhà Tập năm II - TD.Tây Nguyên
Trải qua một hành trình giao ước thật dài giữa Thiên Chúa và con người, nay đã được hoàn tất nhờ chính Chúa Giêsu Kitô hiến trao cho nhân loại, một Giao Ước Vĩnh Cửu đã mở ra. Hôm nay Chúa cũng mời gọi tôi cùng nhìn lại hành trình dâng hiến để cùng Ngài chuẩn bị cho một bước ngoặc mới, là kết ước cùng Chúa Giêsu, Đấng đã yêu tôi và Chúa đã chọn gọi tôi.
Hôm nay, tôi xin mượn hình ảnh Môsê để nhìn lại hành trình dâng hiến đời mình. Ông Môsê là người luôn khắc khoải tìm Chúa, trăn trở về đời sống đầy đọa của dân mình, ông có một trái tim rộng lớn dành cho Ngài và cho anh em đồng loại. Do vậy Chúa đã nhen nhúm nơi ông ngọn lửa tình yêu Ngài. Ông được trở nên vĩ đại không phải nhờ sức mạnh hay tài năng, nhưng là nhờ ông khiêm tốn lắng nghe và vâng phục tiếng Chúa trong mọi lúc, một lòng với dân là hết lòng với Chúa từ đó ông đã viết nên trang sử vẻ vang cuộc đời mình trong cánh tay và sự soi dẫn của Thiên Chúa.
Nhìn vào Môsê, tôi thấy hình ảnh mình trong đó. Trên con đường theo Chúa, tôi cũng có khoảng thời gian sống vất vưởng và lang thang trong chính sa mạc nội tâm đời mình khi chưa nghe rõ được tiếng Chúa. Nhưng cũng chính nhờ con đường sa mạc hoang vắng mà tôi nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa và hân hoan khi được sống thân mật cùng Ngài. Nhờ ơn Ngài và qua cảm nghiệm, tôi nghe Chúa gọi chính tên tôi, Ngài đưa tôi tới gần ngọn lửa đang bốc cháy trong chính bụi gai, Ngài tạo cho tôi một của tim khắc khoải về Ngài, về tôi và nhân loại lầm than. Ngài mời tôi kết ước cùng Ngài trong khi tôi quá nhỏ bé, bất toàn và yếu đuối. Tôi phát hiện ra con đường tôi chọn không phải là vì sức mạnh năng lực nơi mình tạo ra, nhưng là tình yêu của Chúa đã dọn trước cho tôi đi. Vậy nên động lực duy nhất để tôi cất bước theo Ngài là sự “đáp trả tình yêu”, Ngài đã luôn đi bước trước, Ngài đã chết để tôi được sống. Tôi biết, tình yêu của mình dù có trao trả, dâng hiến hết cũng không thể đền đáp cho cân tình yêu mà Ngài đã đổ ra vì tôi, nhưng ít nhất tôi xin được dâng lên Ngài cuộc đời nhỏ bé của mình.
Quay ngược về thời gian tôi chập chững theo sau Chúa, có những điều nó như là chân lý và nguồn động lực để tôi bám sát Chúa, đó là những lời tự hứa to lớn của mình. Tôi đã nói với chính mình, nếu muốn quay đầu thì hãy để đôi chân được nghỉ ngơi và hồi nghĩ lại mục đích ban đầu tôi đặt ra là gì? Vì sao tôi đi? Tôi đã khao khát được chạy ra khỏi vòng tay của gia đình để dùng chính sức mình trở nên đôi cánh che chở những người đau khổ và nghèo nàn, nhưng thời gian là liều thuốc thử, là liều thuốc giúp tôi tỉnh ngộ ra với sức mình chẳng làm được gì nếu không có cánh tay của Ngài nâng tôi lên. Và ơn gọi của Môsê cũng thế, ông đã không sống trong ơn gọi đó bằng chính sức mình nhưng hệ tại ở việc sống gắn bó và kết hiệp với Chúa.
Cảm tạ Chuá đã yêu và chọn, gọi tôi. Nhờ những bước chân đi trước của Chúa… để một ngày kia tôi được diễm phúc trở nên hiền thê của Ngài. Nhưng không vì thế mà tôi nắm chặt niềm vui cho riêng mình, Ngài đã mời gọi tôi hãy để niềm vui đó đi vào trong cuộc sống, đi vào tha nhân. Hãy rải niềm vui đó trên mọi nẻo con đi qua chính đời sống cầu nguyện trải dài suốt đời con, vì tình yêu của Ta thúc bách con ra đi.
Marie Philip Neerri Vũ Thị Vân Thủy
Tập sinh năm II - TD Tây Nguyên
Ađam mới là chính Chúa Giêsu. Thập giá đã thay cho cây trái cấm ở vườn địa đàng và thập giá đã trở thành cây đem lại sự sống. Tôi rất hạnh phúc khi biết rằng Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương tôi và đã ở lại trong Bí Tích Thánh Thể vì yêu tôi, vì không muốn tôi phải cô đơn trên đường về nhà Cha. Thế nên đối với tôi Bí Tích Thánh Thể chính là giao ước tình yêu Chúa dành cho tôi.
Khi nhìn lại hành trình ơn gọi của mình. Tôi là một người rất bình thường, không có tài cán gì, là người tội lỗi. Lớn lên trong xứ đạo truyền giáo, nên kinh nghiệm hay hiểu biết của tôi về Thiên Chúa rất ít. Nhưng Ngài vẫn chọn và gọi tôi trở thành nhân chứng của Ngài. Tình yêu thương và lòng bao dung tha thứ của Ngài là động lực để tôi dám dấn thân trước lời mời gọi của Ngài. Ngài cho tôi thấy mình là người được yêu thương như thế nào và tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được làm con Chúa đặc biệt là sẽ trở thành hiền thê của Đức Kitô.
Để chuẩn bị cho lời kết ước của tôi, Chúa đã mời gọi tôi vào nhà của Ngài để tôi được chỉ bảo, dạy dỗ và huấn luyện tôi ngang qua Hội Dòng Chúa Quan Phòng. Sống trong nhà của Ngài tôi được gần Ngài hơn, được học hỏi, hiểu biết về Ngài hơn và có những kinh nghiệm riêng giữa tôi và Ngài, đặc biệt là nơi Bí Tích Thánh Thể.
Trước kia tôi không hiểu về Bí Tích này lắm, rước lễ hay chầu Thánh Thể nhưng không có cảm nghiệm sâu xa gì cả. Nhưng bước vào năm tập 1 Chúa cho tôi cảm nghiệm sâu về Bí Tích này, đặc biệt là trong thời gian tôi đi thực tế ngoài cộng đoàn. Tình yêu tự hiến của Chúa nơi Bí tích là nguồn cảm hứng và cũng là sự củng cố cho ơn gọi của tôi. Nơi bí tích Thánh Thể, tôi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho con người, và dành cho chính tôi. Sự hy sinh, hủy mình ra nhưng không của Chúa nơi tấm bánh để cho tôi được sống và sống dồi dào. Sự bẻ mình ra của Chúa để làm của nuôi linh hồn cho bao người. Chúa cho tôi thấy sự lặng lẽ âm thầm của Chúa nơi Nhà Tạm, Ngài luôn ở đó chờ đợi tôi và bạn đến với Ngài.
Trước Thánh Thể Ngài, tôi có thể mở lòng mình ra, kể cho Ngài nghe những chuyện vui buồn của tôi, tâm sự với Ngài về những khó khăn, những vấn đề mà tôi đang gặp phải, sau mỗi lần như thế tôi cảm thấy lòng mình bình an đến lạ. Ngài mời gọi tôi nhìn lại chính mình, giúp tôi điều chỉnh lại bản thân, nhận ra những giới hạn của mình. Ngài cho tôi thấy rõ bản thân tôi có được như ngày hôm nay là nhờ sự bẻ mình ra, sự hy sinh thầm lặng của bao người. Và Chúa mời gọi tôi cũng hãy trở nên tấm bánh, một tấm bánh dám bẻ mình ra. Bẻ mình ra là đau, là phải bỏ mình là dẹp đi tính tự nhiên của bản thân, là làm cho mình nhỏ đi để người khác được lớn lên, là hy sinh là dâng hiến. Đó là điều mà Chúa đã làm và Ngài mời gọi tôi bắt chước theo Ngài.
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến tình yêu độc nhất của Thiên Chúa dành cho tôi. Nhờ Mình và Máu của Chúa Giêsu, tôi được tham dự vào giao ước của Chúa, trở nên con cái của Người và tôi ước ao được kết hiệp với Ngài luôn mãi. Tôi hy vọng rằng đời tôi luôn được dõi theo lời của Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Để rồi câu lời Chúa này là châm ngôn, là mục đích và là mục tiêu của tôi khi tôi đáp lại tiếng gọi của Chúa, sống với Chúa và ra đi trên mọi nẻo đường với Chúa Kitô Phục Sinh.
Marie Paul Miki Trần Thị Kim Hoài
Tập sinh năm II - TD Tây Nguyên
Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người sống trong tình yêu của Ngài. Nhưng con người vì sự kiêu ngạo của mình đã bất trung phản bội tình yêu ấy, theo lẽ công bằng thì con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã cúi xuống, để ngỏ lời yêu thương và kết giao với con người qua lịch sử ơn cứu độ, lịch sử của những giao ước. Đặc biệt là giao ước vĩnh cửu của Ngôi Lời hiến tế vì yêu!
Ngay từ buổi hồng hoang của “Địa Đàng” khi con người bất tuân lệnh Chúa, Thiên Chúa đã tự nguyện ký kết với con người một “Giao Ước”, Ngài luôn đi trước ngỏ lời với nhân loại, dù chúng ta có bất trung Ngài vẫn một mực trung tín, dù chúng ta bội phản Ngài vẫn hết lòng yêu thương. Trải qua muôn thế hệ, cả một chuỗi dài trong dòng lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã chuẩn bị kế hoạch nhiệm mầu của Ngài qua các Tổ phụ, các tiên tri và quan trọng là Thiên Chúa ban tặng chính Con Yêu Dấu là Đức Giêsu Kitô, và qua Ngài, “Giao Ước Vĩnh Viễn” đã được ký kết với nhân loại. Trong dòng lịch sử đó, Thiên Chúa dành một vị trí đặc biệt, Ngài đã yêu tôi trước khi tôi được thành hình trong lòng mẹ, Ngài ban cho tôi ân thiêng, dắt tôi từng bước đi trong đời và tôi không ngừng tạ ơn Chúa với tất cả tấm lòng biết ơn:
“… thì phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến, con người là gì mà Chúa phải bận tâm!”
Nhìn lại chặng đường lịch sử đời tôi, hành trình đức tin được thăng tiến một cách tiệm tiến. Chúa hướng dẫn tôi từ trong gia đình, tôi được cắp sách đến trường cùng bạn bè với ước mơ và hồn nhiên trong sáng tuổi học trò, nhiều bài học nơi thầy cô giáo. Khi trưởng thành lời mời gọi của Chúa làm xáo động lòng tôi, tôi quyết bước theo và dâng hiến cho Ngài. Chính niềm tin và tình yêu còn non yếu giúp tôi thắng vượt mọi nghịch cảnh trong cuộc sống, chỉ có tình yêu là nguồn sức mạnh và là động lực ghì chặt tôi với Chúa. Mỗi lần chiêm ngắm Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh tôi lại càng được thôi thúc tôi trao phó bản thân cho Ngài.
Cũng trong kế hoạch yêu thương của Chúa tôi được chiêm ngắm hình ảnh của Tổ phụ Ápraham, một con người của niềm tin, một người công chính trước mặt Thiên Chúa. Lòng tôi rung động trước lời hứa mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho con người qua Tổ phụ Ápraham: một dân tộc, một đất nước, một mối phúc lành (St 12, 1-3). Từ không có gì Chúa đã ban cho Ápraham từng lời hứa một và ông đã tin. Ông được kể là cha của những kẻ tin, Thiên Chúa xem ông là người công chính (St 15,6). Niềm tin nơi ông Ápraham đã ảnh hưởng và tác động trên cuộc đời tôi, câu chuyện rời bỏ xứ sở để đến một nơi mình không hề hay biết, gợi lên trong tôi lời chất vấn: tôi có dám từ bỏ cái quen thuộc, cũ kỹ, từ bỏ ý mình để chọn thay đổi một môi trường mới, nếp sống mới, thích nghi với mọi hoàn cảnh không? Chọn điều tôi muốn hay điều Chúa muốn cho đời tôi? Ápraham đã ra đi và tin điều Chúa đã nói với ông. Nhiều những biến cố xảy ra trong cuộc đời Ápraham, nhưng ông vẫn tin yêu, phó thác cho Chúa dẫn lối. Ông đã hạnh phúc có người con nối dõi tông đường trong lúc tuổi già (St 11, 30), thế nhưng Chúa đã thử lòng ông, bảo ông dâng Isaác làm lễ tế dâng cho Thiên Chúa, đức tin và lòng kính tôn Thiên Chúa đã cho ông sức mạnh… Ông Abraham giơ tay để giết con ruột của mình, ông đã chiến thắng trong thử thách của Thiên Chúa, ông được kể là kẻ kính sợ Thiên Chúa (St 22, 1-19). Niềm tin của tôi cần phải đặt lại mỗi ngày trước mặt Chúa, một niềm tin được thể hiện bằng hành động, tôi có dám tin hết lòng như thế không? Tôi nguyện xin được dâng hiến tất cả, không giữ lại gì cho riêng mình, để: “Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con.” (Tv 142, 10).
“Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con ơn đức tin kiên trung và lòng yêu mến Chúa nồng nàn. Ước gì đức tin của con được lan tỏa trong cung cách sống của mình bằng sự yêu thương, tha thứ và cho đi nhưng không như Chúa đã ban cho con vì “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10). Chúa ơi, mọi giao ước Chúa ký kết với con người bằng chính tình yêu của Ngài, thì nay con nguyện dâng trọn cả con tim của con, xin tình yêu Chúa dẫn lối con đi trong muôn vạn nẻo đường, và xin cho con ơn được trung thành yêu Chúa bằng con tim không san sẻ. Xin Chúa thương nâng đỡ và hướng dẫn con.”
Pauline Marie Trần Thị Bích Liên
Tập sinh năm II - TD Tây Nguyên
Page 1 of 33