Vào dịp hè hàng năm, các Khấn sinh có những ngày thường huấn về đời tu. Nhận thấy nhu cầu cần thiết để giúp các em hiểu và khám phá về chính mình nhiều hơn, Tỉnh Dòng tổ chức 3 ngày thường huấn về đề tài “Tâm Sinh Lý” từ ngày 14-16/8/2024, qua sự chia sẻ của Bác Sĩ Têrêsa Lan Hải; giảng viên của một số học viện thần học nữ trên toàn quốc, chuyên về các môn giáo dục giới tính và tính dục, đạo đức sinh học, và mục vụ hôn nhân - gia đình. Khóa học này không những dành cho các Khấn sinh mà còn có sự tham dự của các em trong khối huấn luyện.
Với lối giảng thuyết nhẹ nhàng, trẻ trung, hài hước và đầy nhiệt huyết, Bác Lan Hải đã giúp các em có những bài học thật gần gũi, dễ hiểu và hữu ích. Các em được hiểu thêm về sự khác biệt tâm lý – tình cảm của nam và nữ, hiểu rõ và hiểu đúng hơn về tính dục. Đồng thời, Bác cũng gợi ý về những kỷ năng sống đời sống cộng đoàn, tình bạn trong đời tu, hiểu thêm về bản thân mình và người khác, một vài bí quyết giữ mãi tháng ngày hạnh phúc, điều mà ai cũng mong muốn không chỉ cho mình mà cho tất cả chị em trong Tỉnh Dòng…Các em cũng được giải đáp những thắc mắc mà các em thường gặp trong đời sống hàng ngày.
Ba ngày tuy ngắn ngủi nhưng để lại cho các em nhiều cảm xúc khó quên. Tất cả những bài học mà Bác chia sẻ sẽ là hành trang quý báu để giúp các em sống triển nở hơn trong ơn gọi, tiếp tục thi hành sứ mạng và xây dựng những mối tương quan trưởng thành ngang qua việc tuân giữ LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH.
Tạ ơn Chúa vì những bài học quý giá và những niềm vui mà Bác Lan Hải đem đến nơi Tu viện. Xin cám ơn Bác sĩ đã nhiệt tâm rao truyền Lời Chúa qua sứ mạng này. Nguyện xin Chúa tuôn đổ hồng ân trên Bác để Bác luôn là cánh tay nối dài của Chúa ngang qua sứ vụ đặc biệt này.
BTT.TD.Cù Lao Giêng
Một ngày nọ, sơ giáo nói với chúng tôi có môt số nơi các Cha xin chúng ta đi giúp Tuần Thánh. Tôi cùng với một chị khác sẽ đến Giáo điểm Đất Mũi, công việc là tập hát, phụ giúp phần nghi thức và tập múa dâng hoa.
Cuộc đời tu sĩ là một cuộc hành trình của sự ra đi dấn thân phục vụ, nên tâm thế cũng là “sẵn sàng ra đi, sẵn sàng ở lại theo ý Thiên Chúa và người ta muốn”. Đáp lại lời mời gọi đó, chị em Kinh Viện chúng tôi đã ra đi để đem bầu khí Tuần Thánh và niềm vui Chúa Phục Sinh đến với anh chị em nơi những vùng quê chưa có sự hiện diện của quý Sơ. Dịp này, tôi cùng một chị được sai đến với Họ đạo Cồn Mỹ Phước, một cái tên nghe rất xa lạ với chúng tôi, vì đây là lần đầu Cha xin quý Sơ đến giúp. Đúng như cái tên của mình, có thể nói Cồn Mỹ Phước là một hòn đảo thu nhỏ trên dòng sông Hậu, chỉ vỏn vẹn có 4km nằm giữa đôi bờ của 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều thiếu thốn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Để đến được nơi đây, chúng tôi phải trải qua một chuyến đò dài, dường như để đáp lại những bước chân của chúng tôi mà hai bên đường, những chùm nhãn trĩu quả, tỏa mùi hương thơm dễ chịu giữa trưa hè, làm chúng tôi vơi đi sự mệt mỏi khi trải qua một chặng đường dài.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Xẻo Lá, nơi tôi được sai đến để thực tập mục vụ tuần thánh, đã cho tôi một cơ hội để sống và cảm nhận được điều vừa nói trên. Nơi đây, tôi được đón nhận và trải nghiệm những khó khăn của bà con giáo dân trên sông nước, trong vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, một lối sống đạo quy cũ với cả sự nhiệt thành của lòng đạo đức bình dân đã làm mới mẻ lắm nơi một tâm hồn.
Giáo họ của vùng sâu:
Giáo họ Xẻo Lá là một trong số mười bốn điểm truyền giáo xa xôi của giáo hạt Cà Mau thuộc cực nam của tổ quốc. Giáo họ nằm ngay trên một bãi bồi thuộc Ấp Xẻo Ngay, Xã Viên An Đông, Huyện Ngọc Hiển, Tỉnh Cà Mau. Con đường đến khuôn viên giáo họ chằng chịt những kênh rạch, mà bất cứ ai ngày đầu đặt chân đến vùng đất này lẽ dĩ nhiên chẳng thể nhớ nổi. Thế nên, phương tiện di chuyển duy nhất để có thể đến với giáo họ vùng sông nước này chính là ghe xuồng, và còn phải chờ theo con nước lớn mới có thể đi được. Việc đi lại của bà con giáo dân và của các em học sinh đến trường, đến nhà thờ để học giáo lý và sinh hoạt nơi giáo họ vất vả là thế.
Nhớ lúc chị em chúng tôi ngồi trên xe di chuyển từ trung tâm thành phố Cà Mau đến Rạch Gốc để gặp Cha đặc trách của giáo họ, vị Linh mục trẻ đón chúng con đã bông đùa cách tếu táo rằng: “Các sơ gáng nhìn xe và người đi, vô đấy không còn cơ hội để thấy đâu!” Nghe được điều ấy, chị em chúng tôi cười xòa vì nghĩ rằng Cha vui tính. Thế nhưng, khi chiếc đò được ông trùm chánh chở chị em chúng tôi mỗi lúc một băng sâu vào những khúc sông, từng dòng nước được bắn tung tóe có hương vị mặn đặc trưng của vùng đất nơi đây, đã làm cho chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi đang ở giữa một rừng đước, và rồi những ngày sau đấy có người chị em vui đùa với gia đình khi được hỏi thăm nơi đến để phục vụ rằng: “ ở đây mà thả ba con khỉ vào là giống rừng nguyên sinh luôn”
Thế đấy, Giáo họ tuy ở một nơi xa xôi của miền Nam tổ quốc, cùng với một địa hình kênh rạch phức tạp và khó khăn trong việc đi lại. Thế nhưng, tôi đã không thấy có sự chùn bước nào của các đấng bậc có trách nhiệm, mà ngược lại thì tinh thần hăng hái, và tấm lòng quảng đại cho việc phục vụ nơi đây đã là điểm sáng để cho tôi ghi nhớ, học hỏi và quyết tâm noi theo trên bước đường sứ vụ. Tôi thầm cảm ơn Chúa và cảm ơn Cha đặc trách cùng Hội dòng đã trao cho tôi cơ hội để được “nới rộng lều đang ở” và đến với “vùng ngoại biên”, để tôi biết sống, biết cảm nghiệm và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người phục vụ, và của tất thảy bà con giáo dân vùng sâu vùng xa này.
Giáo họ nhiệt thành với lòng đạo đức bình dân:
Bà con giáo dân ở vùng Xẻo Lá nơi đây, được nghe biết phần lớn là người di cư từ Nam Định vào trong miền Nam của đất nước vào khoảng đầu những năm 2000. Truyền thống sùng đạo, mến Chúa của bà con một phần được thừa hưởng từ nếp sống quy cũ với các lễ nghi theo tập tục địa phương từ Bùi Chu. Thế nên, những ngày mục vụ nơi đây, chúng tôi từng được việc ngập tràn trong bầu khí đạo đức bình dân với lòng sốt mến.
Ngay từ ngày đầu tuần, bà con giáo dân đã theo con nước lớn mà chèo chống ghe thuyền đến nhà nguyện, để quy tụ và cùng nhau có những bài ngắm đứng, rồi dâng hạt. Tam nhật thánh được Cha đặc trách nơi đây khéo tổ chức để có sự kết hợp hài hòa giữa phụng vụ Giáo hội với những lễ nghi của lòng đạo đức bình dân. Tuần thánh được khai mở với bài ngắm than trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với Đức Mẹ và Thánh Gioan, rồi hòa cùng dòng người tháo đinh Chúa và đi kiệu thi hài Chúa đến hang táng xác được che dựng rất công phu và thẩm mỹ.
Tất cả đã hòa quyện vào một bầu khí sốt mến lạ thường với mầu nhiệm cứu chuộc của Ngôi Hai vì tất cả loài người chúng ta. Một thực hành theo lối đạo đức bình dân, để cảm nghiệm sâu hơn những tư tưởng thần học khó nhằn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, mà chúng tôi đang theo học nơi môi trường học viện. Đấy quả là một bài giáo lý thu gọn và dễ hiểu, cũng rất dễ cảm nhận về mầu nhiệm thập giá, và lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa. Thiết nghĩ rằng, lòng nhiệt thành với việc nhà đạo, cùng lòng đạo đức bình dân nơi Xẻo Lá, rất cần được gìn giữ và phát huy cùng những truyền thống đạo đức tốt đẹp, để nên như một di sản tinh thần của việc hội nhập văn hóa mà không sai lạc với đường hướng chung của nền phụng vụ Hội thánh.
Giáo họ với những ưu tư và hy vọng:
Những ngày đến đây để phục vụ, ngoài việc giúp mục vụ tuần thánh, chị em chúng tôi có thêm cơ hội để thăm viếng, được tiếp xúc với bà con giáo dân, cùng lắng nghe những ưu tư và khát vọng của mọi người về những nhu cầu cho đời sống thiêng liêng và vật chất nơi giáo họ nằm giữa những con kênh, con rạch vùng nước mặn của vùng Cà Mau này.
Thao thức đầu tiên của bà con giáo dân nơi đây là có được sự hiện diện thường xuyên hơn của vị chủ chăn. Bởi ở thời điểm hiện tại, Cha đặc trách chỉ có thể đến với giáo họ 1 tuần được 2 lần để dâng Thánh Lễ. Họ mong mỏi được gần vị Mục tử của mình hơn để được bảo ban và chỉ dạy về những chỉ dẫn cho đời sống đức tin thêm vững mạnh.
Thứ đến phải nói lên là ao ước có một nhịp cầu để nối các đôi bờ trên những kênh rạch, cùng một con đường đá vững chắc hơn trên những đoạn đường đất từ những bãi bồi chông chênh. Rồi cũng từ đấy mà đường đến nhà Chúa được thuận tiện hơn với rất nhiều ông bà cao niên trong giáo họ, cũng như các em nhỏ được đến trường đỡ vất vả hơn để tìm lấy ánh sáng của tri thức cũng như chân lý của đức tin.
Một nguyện đường cũng cần lắm được tu sửa và xây dựng lại, bởi trong thời điểm hiện tại này, ngôi nhà nguyện đã rất cũ kỹ và nằm dưới đường dây điện rất nguy hiểm. Vào đêm áp lễ phục sinh, sợi dây điện trên đường dẫn vào nhà nguyện không ngừng tóe ra những tia lửa vì hở mạch điện, chị em chúng con đã cùng với bà con giáo dân và Cha đặc trách đã âm thầm dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho sự bình an và mọi sự được tốt đẹp.
Xẻo Lá, nơi được sai đến mục vụ, đã đón nhận chúng tôi trong tình yêu thương. Ân tình của Cha đặc trách và bà con giáo dân nơi đây, làm cho chị em chúng tôi chẳng thể nghĩ được là chúng tôi đang đi giúp thực tập mục vụ nữa, mà thay vào đó là chúng tôi như đang được trở về thăm nhà. Xin hết lòng tri ân tình Chúa và cảm ơn tình người ở nơi xa xôi của vùng đất mặn mòi này. Để kết thúc cho những dòng cảm nghĩ về chuyến đi mục vụ tuần thánh năm nay, xin hiệp dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện đơn thành cho giáo họ: “ Lạy Chúa là Cha chúng con, Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn, đồng hành và thánh hóa toàn thể dân Chúa. Nay chúng con tha thiết nguyện cầu, xin Chúa thương cho mỗi thành phần trong giáo họ Xẻo Lá cách riêng, và mỗi phần tử trong đại gia đình Hội Thánh, biết yêu thương, hiệp nhất với nhau, đồng thời biết cộng tác với những người có trách nhiệm để biết sống theo ơn đặc sủng Chúa ban hầu được ơn trung thành mà phụng sự Chúa. Amen”
Marie Julienne Nguyễn Tuyết Anh
Kinh sinh – TD. Cần Thơ
Trung tâm bảo trợ xã hội Ân Phúc tọa lạc tại 196B – KV Phú Thuận – P.Tân Phú – Cái Răng- Tp. Cần Thơ do quý Cha Dòng Phanxico quản lý. Nơi đây có 60 bệnh nhân tâm thần nam từ nhẹ tới nặng. Một ít bệnh nhân lớn tuổi, đa phần là người trẻ, có em nhỏ nhất là 13 tuổi. Họ đến từ nhiều nơi và được quý Cha, quý thầy chăm sóc rất chu đáo.
Page 1 of 4