LỜI MINH ĐỊNH.
Dòng Chúa Quan Phòng Portieux có mặt ở Á Châu từ năm 1875: Trung Hoa, Việt Nam, Campuchia và Đài Loan. Tuy Giáo Hội chưa chính thức công bố là Dòng có “đầu rơi máu chảy” vì Chúa, nhưng Dòng Chúa Quan Phòng Portieux tại Á Châu có những trang sử oanh liệt liên quan đến việc tử đạo, xuyên qua lịch sử của Dòng. Ở đây xin thu tập lại những mẩu chuyện có thật để chị em ý thức là dòng Dòng Chúa Quan Phòng Portieux tại Á Châu cũng được Chúa ban ơn tham gia vào việc cứu rỗi các linh hồn trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô và trong sự đồng công cứu chuộc của Mẹ Maria.
I. CHA Á THÁNH GIOAN MARTINO MOYE VÀ TRUNG HOA NĂM 1774
Trước hết chúng ta hãy nghe cha Á Thánh Gioan Martinô Moye – Cha sáng lập dòng của chúng ta, vì vâng lời Đức Cha Pottier đã ghi lại những dòng sau đây:
“Một ngày tháng 05.1774 Cha tới Mao-tien với giáo lý viên Benoit Sen, một cậu học trò người Hoa. Khi cha sắp bước lên bàn thờ, những kẻ giết mướn ập tới. Không còn cách lẩn trốn và cũng không làm được gì, cha chỉ biết để cho người ta tới bắt. Vị quan hỏi: “Ông theo đạo nào?” Cha Moye giải thích, xác định chỉ có đạo của Đấng Cứu Thế Giêsu là đạo thật mà thôi. Người ta sỉ nhục cha thậm tệ. Cha đã nghĩ đến Chúa Giêsu trước mặt Hêrôđê “Thà chết ngàn lần còn hơn chối bỏ sự thật.” Người ta xé nát quần áo của Cha và tìm thấy một tượng Chúa Giêsu chịu nạn, họ nói: “Ngẫu tượng của chúng đó!”.“Không”, cha đáp lại: “Chúng tôi không thờ bất cứ một ngẫu tượng nào. Đó chỉ là hình ảnh biểu tượng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã làm người, bị đóng đinh để chuộc tội chúng ta.” Trả giá cho lời xác nhận can đảm này, cha đã chịu năm cái tát, một cú đạp bằng đế giày da và bị ném vào tù, bị xiềng chung với một tín hữu bị bắt trong cùng một nhà với cha. Có đám rất đông người tràn ngập pháp đình. Đây cũng là niềm vui, cha được cơ hội tốt để tuyên xưng đức tin và hát những lời ca ngợi Vị Thầy Chí Thánh trước đông đảo thiên hạ. Về phần ngài, chuyện gì sắp xảy ra?
Tới lượt giáo lý viên Benoit Sen, cậu cũng lại so sánh như cha, và vì cậu trả lời quá khôn khéo những câu hỏi của quan tòa, nên quan đã xử cậu một trăm cái tát, đến đêm con người xấu số này được dìu về ngục thất với cái đầu bầm tím. Cậu ngã sõng xoài xuống đất và nằm bất động. Các quan chức lo ngại nên cho người vào lay cậu dậy.
Vào ngày thứ sáu, lại một cuộc hỏi cung mới với nhà truyền giáo và hai tín hữu, ông chủ nhà và cậu giáo lý viên. Viên quan án ngạc nhiên khi nghe cha Moye nói rặt tiếng Hoa, ông hỏi: “Mày có mang theo tiền không? Mày sinh sống cách nào?” Khi nhận được những câu trả lời không vừa lòng, họ đã tát cha đến nỗi hai má ngài sưng húp. Một lần nữa cha bị tống vào ngục, còn người nộp cha đã lãnh thưởng một nghìn đồng vì bắt được nhà truyền giáo là chuyện quan trọng. Cha Moye chuẩn bị để lãnh án tử. Vì nhà tù là một loại lồng kín làm bằng những chấn song. Trong khi chờ đợi giờ hành hình, đám đông chen chúc nhau để nhìn “con quỷ Tây Dương” và đồng bọn. Cha lợi dụng tình cảnh này để lớn tiếng công khai rao giảng: “Lời Chúa đâu có bị xiềng xích.”
Mục đích của các quan không nhằm vào việc ngăn chặn các nhà truyền giáo rao giảng Phúc Âm, họ không muốn án tử cho các ngài, nhưng mong chiếm đoạt tiền bạc hơn. Ở đây viên quan địa phương lo sợ mà nghĩ, nếu ông làm rùm ben vụ án này bằng cách kết án tử hình bị can và hai người tùy tùng, thì thượng cấp hẳn có thể trừng phạt ông vì đã không biết ngăn cản người Âu Châu tới lãnh địa của mình hay đã không bẩm báo lập tức lên cấp trên.
Họ để cho vị truyền giáo nghe rằng ngài sẽ được thả nếu tuyên bố mình là người Quảng Đông, không phải người Âu Châu và tất nhiên, phải nộp một khoản tiền bảo chứng là được. Một số tín hữu không muốn mất cha, đã nài nỉ cha Moye chấp nhận một cuộc thỏa hiệp. Cha không thể giải quyết bằng cách đồng tình nói dối như vậy. Nhưng nỗi buồn đau của các tín hữu của cha đã làm cha thêm đau lòng. Viên quan ra quyết định, và ông hỏi nhà truyền giáo: “Ông có hứa sẽ rời khỏi đất nước này và không quay trở lại không?”. Cha Moye trả lời: “Nếu quan đã ra lệnh, tôi sẽ ra đi”. Nhưng cha không hứa sẽ không quay trở lại.
Khi những đồ lễ được mang ra, đám binh lính xé nát chiếc áo lễ và giẫm dưới chân. Người ta đoán được nỗi đau buồn của cha trước sự xúc phạm này. Khi mọi chuyện chấm dứt, cha được quyết định trả tự do. Nhưng người ta không tìm thấy tên lính giữ chìa khóa dây xích cột chung những người bị án. Lợi dụng lúc này như cơ hội mới, cha lại công bố về Chúa Giêsu cho đám đông.
Những tín hữu ở Mao-tien cảm thấy rất vui mừng được gặp lại nhà truyền giáo của họ, ngài đã chịu đau khổ suốt mười ngày một cách can đảm như thế. Một niềm vui mong manh! cha đã hứa rời khỏi vùng này và cha đã thực hiện. Hơn nữa, kẻ tay sai không lúc nào chịu rời xa cha Moye. Y có nhiệm vụ đưa cha và Benoit Sen đến quan đầu tỉnh Tứ Xuyên. Khi tới biên giới tỉnh Quế Châu, y thấy chẳng lợi lộc gì mà phải đi xa hơn, nên y đã cướp những quần áo tốt nhất còn lại của cha và cúi chào cha trước khi để mặc cha và Benoit Sen đi đâu tùy thích.
Người ta sẽ chẳng bao giờ biết được những chi tiết này, nếu Đức Giám Mục không truyền cho cha phải viết một bản Kể Chuyện. Để chấm dứt, Cha Moye viết: “Tôi đã luôn xin Chúa ơn này là chớ gì biến cố này thay vì nâng tôi lên, lại khơi dậy trong tôi một lòng khiêm nhường sâu xa hơn, và lôi kéo được những phúc lành lớn lao hơn nữa của Người xuống trên công việc truyền giáo của chúng tôi. Bây giờ, tôi phải tự coi mình như kẻ tội đồ của Đức Giêsu Kitô, tôi phải xiềng xích vì tội lỗi của tôi và vẫn luôn luôn thuộc về vị Tôn Sư của tôi.”
Đức cha Pottier đã tự tay chép tài liệu này và gởi về Roma. (Cha Moye Đấng sáng lập tr. 94 - 97).
Trước mặt Chúa và Thần Thánh, Cha Moye và Benoit Sen không phải là hai vị tử đạo sao?
II. NỮ TỬ CỦA CHA GIOAN MARTINO MOYE.
1. PHÉP RỬA BẰNG MÁU NĂM 1858
Nếu cha Moye không được đổ máu mình vì Chúa Kitô, thì cha cũng được trọng thưởng nhờ con cái người chịu khổ vì đạo, mà bởi khiêm tốn có lẽ người không dám ước mong được như vậy. Nhưng Chúa đã ban cho cha những người con sau đây. Trước hết là hai trinh nữ Trung Hoa:
- Agatha Lin, bị chém đầu ngày 29.01.1858
- Lucia Y, chịu tử hình ngày 17.02.1862
Cả hai chết vì tin đạo Chúa Kitô và trung thành làm bạn trinh khiết của Ngài.
Ngày 27.05.1909 hai chị được ghi vào sổ vàng các Á Thánh, trang điểm triều thiên tử đạo và đồng trinh do Đức Thánh Cha Piô X (xem Cha Moye Đấng Sáng Lập, trang 120; Đấng Á Thánh, trang 282)
2. BỊ THIÊU SỐNG NĂM 1900
Ngày 02.07.1900 lúc đoàn viên của Nghĩa Hòa Đoàn khởi loạn trong nhà thờ Chánh Tòa ở Moukden (Trung Hoa) hai chị dòng Dòng Chúa Quan Phòng Portieux bị thiêu sống: Chị Sainte Croix Granduy và chị Albertine Roeklin. Hai chị này cùng với một giám mục và ít người bổn đạo bản xứ bị thiêu sống vì người ta ghét đạo. Các chị nói: “Ôi được thiêu sống gần bàn thờ như hai cây nến nhỏ... Đó là phước lộc ta không đáng được.” Các chị nói vậy chứ không dám ước mong ơn ấy. Song Chúa đã nhậm lời. (Đấng Á Thánh p.282)
3. SẴN SÀNG “ĐẦU RƠI MÁU CHẢY” NĂM 1945.
“Ngày 10.12.1945, cha Raballand đến Mỹ Luông tìm các nữ tu và các em cô nhi bị đuổi khỏi Cù lao Giêng, để đưa về Nam Vang. Hôm đó có ba chị vắng mặt, vì đã tị nạn tại gia đình, đó là nữ tu Marie - Antoinette Chiêng, 26 tuổi với người cô là nữ tu Marcie Thân và người dì là nữ tu Rufina Mừng. Cả ba nữ tu đều trọ tại nhà thân phụ của nữ tu Marie Antoinette. Khi được chị bề trên Mỹ Luông bảo đến nhanh, họ liền vội vã lấy hành trang và xuống một chiếc ghe do thân phụ của nữ tu Marie Antoinette thuê. Trên đường đi họ bị các anh Việt Minh bắt và được dời chỗ liên tục để các chị không xác định được nơi chốn. Trong suốt tiến trình di dời, các chị phải chịu nhiều sỉ nhục và đe dọa đủ loại.
Nữ tu Marie Antoinette chịu đựng nhiều buổi hỏi cung và những câu trả lời của chị làm đao phủ phải khâm phục, một số trong đó không thể bỏ qua. Một anh có tên là Vân nói:
- “Các chị là đồng bào cùng chung một chủng tộc, một dòng máu với chúng tôi, mà các chị không yêu thương quê hương, các chị đi theo Pháp, các chị giữ đạo của người Pháp. Tại sao vậy?”
- “Không đâu, không phải đạo của người Pháp!”
- “Bà là người phản động bà phải chết.”
Bấy giờ hắn đưa gậy lên để đánh tôi. Tôi nói một câu ngắn mà tôi không còn nhớ. Và anh ta hạ gậy xuống.
Chị Marie Antoinette nói tiếp: “Kitô giáo chẳng phải là tôn giáo của người Pháp. Đó là học thuyết của Đức Giêsu Kitô. Người ra đời trong vùng Á Châu, cùng một lục địa với chúng ta. Đức Giêsu Kitô không phải là người Pháp, sao ông nói đó là tôn giáo của người Pháp?”
Trong lần hỏi cung khác, Vân đặt cho chị câu hỏi:
- "Bà quyết định thế nào? Bỏ đạo hay bị cực hình hoặc bị xử bắn. Bà chọn cái nào?”
- "Tôi muốn chết hơn là bỏ đạo!” Chị đáp.
- “Nếu bà bỏ đạo, bỏ tu phục của bà để theo chúng tôi, bà sẽ giúp đất nước của chúng ta được nổi danh và khi chết người ta sẽ tôn vinh, ngợi khen bà vì bà đã hy sinh mạng sống cho đất nước.”
- “Đối với tôi, danh vọng, tôi coi nó như là rơm rác...”
- “Chắc chắn là bà sẽ không bỏ đạo phải không?”
- “Tôi thà chết hơn là bỏ đạo mà tôi đã giữ từ thuở bé, làm sao tôi có thể bỏ nó được chứ?”
- “Bà thật là cứng đầu. Tôi cho bà biết, nếu bà không bỏ đạo tôi sẽ là người xử bắn bà bây giờ”.
Vân miệt mài giục nữ tu Marie Antoinette bỏ đạo, nhưng người nữ tu này vẫn can trường bất khuất. Và chị cho biết, nếu chị chết là vì chị gắn bó với niềm tin Kitô giáo, chứ không phải là vì chị đi theo người Pháp.
Bấy giờ họ giam giữ ba nữ tu trong một ngôi chùa. Trong đêm 12 hay 13.12.1945, người bảo vệ chùa đi cùng với bốn người đàn ông khác để tra hạch các nữ tu :
- “Sao, cô em gái có thay đổi ý định chưa?”
- “Thay đổi ý định gì?”
- “Hãy chọn một trong hai việc: một là xử bắn, hai là bỏ đạo”.
- "Tôi tự nguyện chọn cái chết.”
- “Vậy là bà phải chết thôi.”
Ba chị em dọn mình chết. Cuộc hành hình được dự tính vào 14.12.1945. Sáng hôm đó, một hồi trống vang lên, mời gọi dân chúng tụ họp để dự bữa tiệc, kèm theo bài diễn văn vì có ba người bị hành hình.
Những tên đao phủ chuẩn bị nào dao găm, súng ống, dây xích, dây thừng và địa điểm để hành hình. Tử thần sắp đến và 03 nữ tu vẫn còn bị nhốt trong chùa, quỳ gối dọn mình chết với lời kinh cầu cho người hấp hối. Nữ tu Marie Antoinette lập lại lời khấn theo Hiến Pháp Hội Dòng.
Thế mà cuộc hành hình đã không xảy ra. Những tên đao phủ và những người được mời trải qua một đêm ăn nhậu say sưa. Họ cũng nhân đạo, sợ các nữ tu đói. Vào lúc 0h sáng, có một người mang đến một mâm thức ăn cho các nữ tu đang đợi cái chết. Và suốt ngày hôm ấy họ vẫn chờ đợi. Chiều 14/12/1945, các chị bị trói lại và qua đêm như vậy trong chùa. Hôm sau, ngày 15/12/1945 các chị được đưa xuống ghe. Trong đêm ngày 16/12/1945 họ đưa các chị đến Long Xuyên và ở đây cho đến ngày 27/12/1945. Chúng ta vẫn không biết các chị bị tống giam ở đâu.
Kẻ cướp đoạt dường như muốn lợi dụng tình thế để kiếm tiền, không giết hại các nữ tu. Thân phụ của chị Marie Antoinette không phải là người nghèo. Họ đe dọa đốt nhà ông. Cuối cùng, nhờ một người bà con của gia đình can thiệp, với một số tiền chuộc mạng, các nữ tu được trả tự do vào chiều ngày 27/12/1945.
Tập san của Hội Dòng (Voix de chez nous no2, 1947) kết thúc bài tường thuật của 03 nữ tu như sau:
Câu chuyện tường thuật của nữ tu Marie Antoinette đáng được ghi nhận trong số những biên bản đẹp nhất của những người bị tuẫn giáo.
Đích thực các nữ tu không đổ máu vì Đức Kitô, nhưng trong thâm tâm thì các chị đã tử đạo rồi và Chúa đã vui nhận của lễ đó. Vì các chị xác tín là mình sẽ chịu cực hình trước khi hành quyết. Cả ba nữ tu đều chứng tỏ một lòng dũng cảm anh hùng và một niềm tin không lay chuyển. Các chị sẽ không bao giờ được ghi vào danh sách các vị tử đạo, nhưng sức mạnh của niềm tin và lòng can đảm của các chị là chứng tá hùng hồn cho những ai biết đến và nhất là cho các “đao phủ” của các chị. (Lịch sử một thế kỷ, trang 462 – 466)
4. BẦU SEN ĐẪM MÁU NĂM 1946.
Chúng ta đang ở vào tháng 05 năm 1945. Sau khi bị người Nhật đuổi về Sài gòn, soeur Bénédictine Foor, chị trưởng và soeur Emile Mathieu lại trở về Bạc Liêu. Những người thọ ơn các chị đều vui mừng, nhưng chẳng bao lâu Việt Minh xuất hiện.
Theo báo Nhân Dân Sài Gòn đăng ngày 17.08.1946 cho biết:
Các soeurs bị đuổi khỏi bệnh viện vì họ là những người Âu Châu, tức là kẻ thù.
Ngày 06.01.1946, các chị bị đưa đến Rạch Nhà (Hòa Thành ngày nay) và bị nhốt trong một nhà kho cùng với tám người con lai Pháp.
Ngày 05.02.1946 các chị bị đưa xuống một chiếc xuồng chật ních, sau một ngày không thức ăn, họ bị nhốt trong nhà kho của ông Abalain ở Bàu Sen làng Tân Duyệt.
Hôm sau ngày mùng 06.02.1946 lối 10 giờ, các anh Việt Minh bắt họ phải trao cho các anh tất cả những gì mình có. Hai nữ tu xin họ thả tự do cho André Vững, là người đi theo các chị cho đến bây giờ. Vững từ chối, soeur Emile, mắt lưng tròng nói với Vững: “Con hãy về Bạc Liêu để gặp lại cha mẹ. Con là người duy nhất có thể cho tin tức của chúng tôi. Hãy đi, chúng tôi biết ơn con lắm, biết sự tận tình của con. Con là người đầu tiên nhận thấy việc lành chúng tôi đã làm. Chúng tôi sẽ vui lòng chết.”
Nửa giờ sau, cậu Vững rời hai soeurs bị nhốt trong nhà kho, nhờ có một lỗ nhỏ cậu nhìn thấy hai nữ tu và tám người con lai xếp hàng hai, mỗi người có một anh lính gác. Vững bị tống đi.... Họ ở sau nhà kho, bị lột trần, bị đâm. Soeur Bénédictine bị đâm ở cổ, rồi ở bên hông, còn soeur Emile thì sau khi bị vài nhát đâm thâu, lồng ngực mở ra. Rồi họ lấp đất lại khi các nạn nhân chưa chết hẳn. Chiếc nhẫn của hai nữ tu không bị lấy, là dấu tích duy nhất để nhận ra hai chị khi lấy hài cốt.
“Chúng tôi ước ao hài cốt của chúng tôi được đưa về Cù Lao Giêng”. Đây là những lời cuối cùng của soeur Emile nói với André Vững. Ngày 25.02.1957, André thực hiện lời trối cùng với soeur Hortense, người Pháp, đến tận Bầu Sen, đưa thi hài của hai soeurs về Cù Lao Giêng, tức 11 năm sau khi chết. (Par Marie-Christine BAUDOUIN-DUVAL). (Tiếng nói gia đình số 5,tháng 04.2010. trang 48 - 49)
CHẾT NHƯ THẦY.
Thánh Phêrô khi bị đóng đinh trên thập giá, Ngài cảm thấy mình bất xứng được chết như Thầy nên xin lý hình đóng đầu mình xuống đất. Còn hai chị của chúng ta thì sao?. Dĩ nhiên hai chị không có quyền chọn cái chết của mình, nhưng Chúa cho các chị được diễm phúc chết như Ngài. Chúng ta thử ngắm xem vài chi tiết:
- Chúa Giêsu đã chết trần truồng: Hai chị của chúng ta đã chết không một mảnh vải trên thân, bị lột trần.
- Chúa Giêsu đã bị lưỡi đòng đâm thấu quả tim: Soeur Emile đã nhận vài nhát dao găm, và lồng ngực mở ra lúc chị chưa chết hẳn. Soeur Bénédictine bị đâm ở cổ, ở bên hông…
- Trước khi thở hơi cuối cùng Chúa Giêsu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho chúng...” Soeur Emile van xin lý hình thả tự do cho André Vững. Giờ phút cuối đời, như Thầy Chí Thánh chị vẫn nghĩ tới người khác.
- Chúa Giêsu vui sướng khi được chu toàn thánh ý Chúa Cha, Ngài nói: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Soeur Emile bảo André: “Con về nói với bà mẹ là chúng tôi vui lòng chết.”
Ôi! Còn gì đẹp bằng được chết như Thầy đã chết. Các chị đã chết vì yêu Chúa, yêu các linh hồn. Là con cùng dòng máu cha Moye trong đức tin, chúng ta xin hai chị cầu cùng Chúa ban cho mỗi nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng được ơn sống vì yêu và chết vì yêu như các chị vậy. (Tiếng nói gia đình số 5,tháng 04.2010. trang 50-51)
5. MÁU RƠI ĐÓ ĐÂY: CAMPUCHIA NĂM 1975.
Năm 1975 khi quân đội Mỹ rút khỏi Campuchia, thì Khmer Đỏ với Pônpốt Yenséry nổi lên. Dòng Chúa Quan Phòng bị quét sạch khỏi Campuchia năm 1975. Một số trở về Việt Nam, một ít sang Pháp. Mất tích 6 soeurs có tên sau:
- Soeur M.Gustave Võ Thị Tri.
- Soeur M.Césarine Bùi Thị Nhơn.
- Soeur M.Candide Nguyễn Thị Nay.
- Soeur M.Jacqueline Kim Sương.
- Soeur M.Lydie Savan.
- Soeur Anne Thérèse Séravy.
Lạy Chúa các chị này chết cách nào chúng con không được biết, chỉ biết các chị chết không mồ mả, chẳng được chị em an táng, viếng thăm. Chúng con xin dâng lên Chúa những hy sinh của các chị, những giọt máu đào các chị đã đổ ra trên đất Campuchia. Xin Chúa thánh hóa và làm cho nó trở nên những hạt giống nảy mầm trên đất nước này, là nơi mà lúc sinh thời các chị đã tình nguyện làm thừa sai để đem Chúa đến cho đồng bào Campuchia.
“Thời thế tạo anh hùng”, “Lửa thử vàng gian nan thử đức.” Để kết trang sử bi hùng của Dòng Chúa Quan Phòng Portieux tại Á Châu, xin được ghi lại đây bức thư của nữ tu Gustave Võ Thị Tri, là một chứng nhân can đảm tuyệt vời, nói lên tấm lòng của nhà truyền giáo được tình yêu Đức Kitô chiếm đoạt. Chị viết cho mẹ Alodie như sau:
“Sau khi đã suy nghĩ kỹ và cầu nguyện, con xin phép được viết lên quyết định của con. Con sẵn sàng ở lại bao lâu mà một chị em Việt Nam có thể lưu lại tại Campuchia, miễn là con có được việc gì để làm ở đó.
Con cũng sẵn sàng ở lại với các chị em Campuchia, nếu chẳng may các chị Pháp phải ra đi, miễn còn một vài linh mục ở lại với chúng con.
Con còn sẵn sàng chết tại Campuchia, đất nước mà con yêu mến như nước Việt Nam. Mặc cho tất cả những điều họ đã làm cho những người đồng hương của con, con không muốn thay đổi quyết định. Trái lại, con muốn tỏ cho họ thấy con còn yêu thương họ nhiều hơn nữa. Con yêu thương họ thay cho tất cả những ai thù hằn họ.
Con muốn sống phần còn lại của đời con để tha lỗi, bênh vực, yêu mến Campuchia vì con là một người truyền giáo.”
Với lá thư đáng khâm phục này, chúng ta có thể kết thúc những trang sử trong một tia sáng đầy vui mừng và hy vọng. (Lịch sử một thế kỷ, tr.751)
Sr. M.Flore VÕ THỊ VỊ