I. Nguồn gốc
Trong thời gian thi hành chức vụ linh mục ở các họ đạo vùng quê, khi thấy có nhiều trẻ em không biết đọc, biết viết, cha J.M.MOYË có dự tính mở các trường học để giáo dục các trẻ em nghèo. Các trường này sẽ được dạy bởi các thiếu nữ đạo đức, tình nguyện, nhưng sẽ không có lương. Sau khi trình bày dự án này và được bề trên chấp thuận, cha đã bắt tay ngay vào việc .
Có nhiều thiếu nữ đạo đức sẵn sàng tham gia kế hoạch của cha. Trong số đó có cô Fresne, 55 tuổi. Cô giúp cha dạy cho các thiếu nữ để chuẩn bị cho dự án của cha. Cô làm công việc này được vài năm thì qua đời vào tháng 10.1768, hưởng thọ 60 tuổi.
II. Giai đoạn đầu Người phụ nữ đầu tiên được gửi đi thực hiện dự án của cha J.M.MOYË là chị Marguerite LECOMTE (có phần riêng nói về lịch sử của chị nữ tu đầu tiên này). Chị đã được gửi đến thôn Vigy, làng Saint-Hubert - Moselle, cách thành Metz ba bốn dặm, với hành trang duy nhất là một cái giỏ nhỏ với một cái bánh nhỏ ăn dọc đường ; mọi sự khác thì phó thác cho Chúa Quan Phòng định liệu.
Khi đi đến làng, không ai chịu tiếp đón chị, vì dân chúng quá nghèo. Họ định trả chị về. May thay có một người phụ nữ nghèo đến nhận cho chị về ở cùng nhà. Tuy nhiên, ngôi nhà quá bé, mà người thì đông, chị phải ngủ cùng với họ. Suốt đêm chị đã không nhắm mắt, chị suy nghĩ phải tìm cho mình một chỗ trọ, ở xó kẹt nào cũng được miễn là được ở một mình.
Và hôm sau ngày 14.1.1762 chị đã tìm được một chuồng heo bỏ hoang. Chị dọn dẹp lại để làm chỗ dạy học cho các em bé. Chính nơi đó Dòng Chúa Quan Phòng được khai sinh.
Từ hạt giống đầu tiên này, cha J.M.MOYË tiếp tục gửi nhiều thiếu nữ khác đến các trường xung quanh ở VIGY và BEFEY trong địa phận METZ. Các chị sống giữa dân làng, dạy cho các trẻ em học chữ, giúp cho các phụ nữ trong làng phát triển đời sống, và nhất là giúp củng cố niềm tin của họ vào Chúa. Các chị sống với nhau như những Kitô hữu đầu tiên, chia sẻ với nhau tất cả trong cuộc sống hằng ngày, và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Quan Phòng.
Lúc đầu cha J.M.MOYË gọi các chị là “Những chị em hèn mọn”. Nhưng qua cách sống tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, các chị được dân làng gọi là “Chị em Chúa Quan Phòng”. Đó là cái tên mà Hội Dòng giữ lại cho đến hôm nay.
III. Phân tán và phục hồi
Cuộc Cách mạng Pháp, từ năm 1789 đến1799, làm cho nhiều trường học bị đóng cửa, các nữ tu lưu vong đến nhiều nơi ; một số thì trở về gia đình ; một số gia nhập vào những Dòng khác ; một số khác lưu lạc sang Đức cùng cha J.M.MOYË và trọ tại thành Trèves. Trong thời gian này, cha J.M.MOYË bị bệnh nặng và qua đời. Lúc đó còn khoảng tám chị nữ tu bên cạnh cha, cha đã chúc lành cho các chị trước khi ngài ra đi.
Các chị không còn cha, không còn tổ quốc, các trường học cũng không còn, còn lại một nhóm rất nhỏ, nhưng các chị vẫn trung thành với dự án của cha mình. Một số chị lưu vong thì giúp các linh mục lánh nạn ở đó. Các chị còn ở lại Pháp cũng kiên cường tiếp tục công việc của mình giữa muôn ngàn sống gió, trong số đó có chị Margeurite LECOMTE. Vài chị về gia đình những vẫn tiếp tục giúp các linh mục ở giáo xứ.
Sau khi cha J.M.MOYË qua đời, cha RAULIN thay thế chăm sóc Hội Dòng theo lời trăn trối của Cha J.M.MOYË khi người đi truyền giáo ở Trung Hoa. Trước khi chết ngài cũng nhắc lại việc trao phó Hội Dòng cho cha RAULIN. Ngày 15.07.1801 hoàng đế Pháp Bonaparte đã ký hòa ước Concordat, chính thức cho tái lập việc thờ phượng Chúa của đạo Công giáo tại Pháp. Các chị lưu vong vui mừng trở về quê hương ; và tất cả chị em lưu lạc khắp nơi lại tìm về bên nhau. Các chị đến gặp cha RAULIN, cha khuyên các chị trở lại công việc mới với lòng can đảm mới. Sau đó các chị được cha gửi đến các giáo xứ miền Vosges, Moselle, Meurthe và Alsace.
Đầu năm 1803, cha FEYS được chỉ định làm cha sở họ đạo Portieux. Ở đây cha đã xin cha RAULIN cho hai nữ tu Chúa Quan Phòng đến giúp ngài. Chúa Quan Phòng đã sử dụng những hạt giống nhỏ bé này cùng với sự cộng tác của cha FEYS. Để phát triển Hội Dòng ở Portieux, nhiều trường học khác được dựng nên, nhiều tập viện ra đời để đào tạo các nữ tu. Và năm 1816 nhà Portieux đã được chọn làm Nhà-Mẹ Dòng Chúa Quan Phòng cho đến hôm nay.
Chúa Quan Phòng đã sử dụng những hạt giống bé nhỏ đầu tiên, với biết bao khó khăn vất vả, để thực hiện ý định của Ngài. Dù bị dập vùi trong cuộc Cách mạng Pháp, các chị đã đứng lên kiên cường gầy dựng lại Hội Dòng. Khi đó, thì Dòng có 900 nữ tu, điều hành 700 trường học và một vài bệnh xá.
Một vài sự kiện quan trọng trong thời gian này :
- 1816 : thành lập cộng đoàn tại Bỉ.
- 1828 : thành lập cộng đoàn tại Thụy Sĩ.
- 1840 : thành lập cộng đoàn tại Ý.
- 21.01.1841: vua Louis-Philippe phê chuẩn Hội Dòng được gọi tên là Dòng Chúa Quan Phòng Portieux.
- 04.07.1875 : khởi đầu truyền giáo ở Mãn Châu tại Newchwang.
- 12.01.1876 : khởi đầu truyền giáo ở Đông Dương tại Cù Lao Giêng.
- 03.03.1930 : Hiến Pháp được chấp nhận, Hội Dòng trở thành Dòng Giáo Hoàng.
- 01.11.1959 : thành lập cộng đoàn ở Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) tại Transua.
-23.11.1967 : Thành lập cộng đoàn ở Đài Loan.
IV. Trên thế giới
Chúa Quan Phòng đã có chương trình của Ngài : do cuộc Cách mạng Pháp bùng nổ, các nữ tu Chúa Quan Phòng phải lưu vong nhiều nơi ; và chính những hạt giống này đã sản sinh ra nhiều hoa trái tốt đẹp cho dự án ban đầu của Cha J.M.MOYË. Hiện tại trên thế giới có bảy Hội Dòng Chúa Quan Phòng có cùng một Đấng Sáng lập và sống cùng một tinh thần, đó là tinh thần của Cha J.M.MOYË :
1. Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux (Pháp)
2. Hội Dòng Chúa Quan Phòng Gap (Pháp)
3. Hội Dòng Chúa Quan Phòng Champion (Bỉ)
4. Hội Dòng Chúa Quan Phòng Saint Jean de Bassel (Pháp)
5. Hội Dòng Chúa Quan Phòng Texas (Mỹ)
6. Hội Dòng Giáo Lý Viên Thừa Sai (Mỹ)
7. Năm 2004: Hội Dòng Chúa Quan Phòng Ribeauvillé (Pháp) xin sáp nhập, vì Cha Louis KREMPT đã thành lập Dòng này dựa trên tinh thần và đặc sủng của cha J.M.MOYË.
V. Hiện tại
Ngày nay Dòng Chúa Quan Phòng Portieux có mặt trên 10 quốc gia thuộc Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Hội Dòng gồm có năm Tỉnh Dòng và một Miền trực thuộc Ban Tổng Quản. Toàn Hội Dòng có gần 800 nữ tu với 150 cộng đoàn.
- Tỉnh Dòng Âu Châu : Pháp -Ý-Thụy Sĩ
- Tỉnh Dòng Cần Thơ : Việt Nam
- Tỉnh Dòng Campuchia : Campuchia
- Tỉnh Dòng Cù Lao Giêng : Việt Nam
- Tỉnh Dòng Tây Nguyên :Việt Nam
- Miền Đài Loan-Trung Quốc
Ngoài ra còn có các cộng đoàn quốc tế trực thuộc Ban Tổng Quản :
- Cộng đoàn Nhật Bản
- Cộng đoàn Phi-Luật-Tân
- Các cộng đoàn ở Bờ Biển Ngà
VI. Sứ mạng chính của Hội Dòng là :
-Giáo dục :
+Phục vụ trong các trường mầm non.
+Lớp tình thương cho trẻ em nghèo.
+Lưu xá cho sinh viên
-Y tế:
+Phục vụ trong các bệnh viện, trạm xá.
+Chăm sóc sức khỏe, phát thuốc cho người nghèo.
- Xã hội:
+Thăm viếng bệnh nhân, người già cả, bệnh tật.
+ Giúp đỡ những người di cư.
-Mục vụ giáo xứ
+Dạy giáo lý.
+Thăm viếng giáo dân và những người già cả đau yếu trong vùng.
+Tập hát, dạy đàn…
+Gặp gỡ, sinh hoạt giới trẻ.
*Gia đình Huynh Đệ Chúa Quan Phòng :
Gồm những người muốn sống theo tinh thần của Cha Á Thánh GMM để trở nên cánh tay nối dài của lòng thương xót Chúa cho những người nghèo và bị bỏ rơi. Các anh chị em đã tích cực tham gia các hoạt động bác ái : thăm viếng, giúp đỡ, chia sẻ tinh thần lẫn vật chất cho những người đau ốm, bệnh tật và nghèo khổ theo tinh thần của Hội. Để duy trì và phát triển, các hội viên được kín múc và trao dồi đời sống thiêng liêng và tinh thần bằng việc hội họp thường xuyên, học hỏi Lời Chúa, học hỏi tinh thần của Cha Á Thánh, cầu nguyện chia sẻ và sinh hoạt vui chơi trong tình hiệp thông huynh đệ.
Gia đình Huynh Đệ Chúa Quan Phòng được thành lập cách đây hơn 20 năm. Hiện tại, trong ba Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng ở Việt Nam đều có hoạt động và sự đóng góp của hơn 1000 thành viên, để rao truyền danh Chúa theo tinh thần của Cha Á Thánh.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch Sử Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux. Giai đoạn: 1730-1871.
- Lịch Sử Hội Dòng Chúa Quan Phòng Portieux. Quyển 2 và 3.