1. LỜI CHÚA
Bài đọc 1 : Hc 27, 33 – 28, 9
“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.
Trích sách Huấn Ca.
Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?
Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.
Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9
“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.
Phúc Âm : Mt 18, 21-35
“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
2. SUY NIỆM
Sau khi đưa ra những giáo huấn về đời sống huynh đệ cộng đoàn trong những bài Tin Mừng trước đây, hôm nay Chúa Giêsu hướng các môn đệ đến tầm xa hơn, cao hơn của đức ái Kitô giáo : đó là tha thứ và tha thứ không ngừng.
Khi Phêrô hỏi CG, có lẻ ông nghĩ rằng tha 7 lần là quá đủ rồi vì các kinh sư dạy chỉ tha 3 lần thôi nhưng ông không ngờ CG lại bảo không chỉ tha 7 lần mà là 70 lần 7. Trong Phúc Âm, con số này có nghĩa là vô hạn. Vậy tại sao ta phải tha thứ và tha thứ không ngừng ?
Sống trên đời, không ai hoàn hảo cả, ai cũng có những sai trái, lầm lỗi. Xét lại bản thân, ta thấy chính ta cũng có nhiều sai trái, khiếm khuyết, lầm lỗi. Con người có một mẫu số chung như nhau là rất yếu đuối, rất dễ chìu theo cái ác. Vậy nếu ta không tha thứ và bỏ qua lầm lỗi của tha nhân thì ai sẽ thông cảm tha thứ cho ta. Trong kinh lạy cha chúng ta thường đọc nhưng có khi nào ta đọc với tất cả ý thức hoặc lấy thời giờ suy nghĩ về lời kinh này : “…Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”. Tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa nhân từ, thánh thiện và công bằng, quyền năng vô cùng, ngày càng chồng chất có thể ví như món nợ khổng lồ “10.000 nén bạc”, còn món nợ nhỏ nhoi 100 đồng ví như những vấp phạm của anh em đối với chúng ta. Nếu đem so sánh ta sẽ thấy sự cách biệt giữa 2 món nợ này như thế nào, ấy vậy mà trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay : ông chủ đã tha cho người mắc món nợ “10.000 nén bạc” nhưng anh này sau đó lại đối xử độc ác với người chỉ nợ anh ta 100 đồng. Câu chuyện này có ý nghĩa gì với mỗi người chúng ta ? Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay ? Nếu ông chủ ở đây là Chúa và tôi là người mắc món nợ khổng lồ đó, tôi nghĩ gì và tôi sẽ ứng xử thế nào đối với những người có lỗi với tôi ?
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người luôn cho ta cơ hội
Lòng thương xót tha thứ vô biên của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta qua Kinh thánh, nhất là nơi cuộc đời Chúa Giêsu, là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu cứu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình cách ngoạn mục như thế nào (Ga 8, 2-11). Trong khi mọi người đồng loạt cáo tội, lên án, kết án : phải ném đá thì CG phân xử bằng trái tim yêu thương :
- Ngài không cáo tội, nhưng tìm cách gỡ tội cho thiếu phụ.
- Ngài cho người thiếu phụ cơ hội để nói.
- Ngài không kết án nhưng tha bổng và cho cơ hội làm lại, phục hồi nhân phẩm cho chị.
Còn với người biệt phái :
- Chúa cũng yêu thương cả họ và cũng muốn gỡ họ khỏi nhúng tay vào một tội ác : kết án người khác trong khi chính mình là tội nhân.
- Ngài đã đánh thức lương tâm họ, cho họ cơ hội nhìn lại chính mình (là điều mà họ thường né tránh) và nhất là cũng cho cơ hội làm lại cuộc đời như người thiếu phụ kia. Điều này cho thấy lòng thương xót Chúa vô biên vô tận.
Hôm nay, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu khẳng định tính cách cần thiết của sự tha thứ. Phải tha thứ vì con người là bất toàn, không ai hoàn hão. Có những xúc phạm hay lỗi lầm cố ý nhưng cũng rất nhiều lúc chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Nếu tôi biết cảm thông, thấu hiểu, tôi sẽ không chấp nhất nhỏ nhặt và cũng dễ bỏ qua. Nhưng nếu vì cái tôi quá lớn mà tôi cố chấp thì chuyện nhỏ xé to, chuyện to trở nên nặng nề không thể cứu vãn. Nếu tôi cứ “sống theo luật mắt đền mắt thì thế giới này chỉ toàn người mù” (Thánh Ghandi). Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào tha thứ thì chính tôi là người đau khổ, tâm hồn sẽ không bao giờ bình an vì mang nặng oán hờn. Hơn thế nữa, nếu tôi cương quyết loại trừ tất cả những ai xúc phạm đến tôi, thì cuối cùng tôi sẽ mất hết tất cả tình cảm thân thương, bạn bè, chung quanh tôi chỉ toàn kẻ thù và tôi trở thành kẻ cô đơn nhất.
Chuyện kể rằng, sau đệ nhị Thế chiến, bà Corrie-Ten-Boom, với những tàn tích trên thân thể do những khổ hình mà bà phải chịu trong trại tập trung Đức Quốc Xã, đã dấn thân đi khắp các nước Âu Châu để rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Thế nhưng vào một ngày nọ, sau khi đã kêu gọi mọi người tha thứ cho nhau trong nhà thờ tại thành phố Munich, ở Đức. Vừa bước ra ngoài, bà bất ngờ đối diện với một gương mặt quen thuộc, đó chính là người lính đã hành khổ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Phút chốc, những cảnh tra tấn xuất hiện trong tâm trí bà xen lẫn tiếng khóc than rên la, máu hận nổi lên trong lòng... Đang lúc đó, người đàn ông tiến lại gần khiêm tốn đưa tay ra như muốn bắt lấy tay bà và nói: “Thưa bà, tôi rất cảm ơn những lời đẹp đẽ bà đã kêu gọi cho sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi”. Khoảnh khắc ấy, bà Corrie-Ten-Boom như chết lặng vì trước đó bà đã cầu nguyện và quyết tâm với Chúa là tha thứ cho kẻ làm khổ mình. Phút giây đó, bà đã cố gắng dâng lên Chúa một lời cầu nguyện thầm: “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa” và chính lúc đó bà nghiệm ra rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình thương yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Cũng trong đệ nhị thế chiến, Giám Mục Théas bị quân Đức bắt làm tù binh. Trong tù, ngài giảng cho bạn tù về sự yêu thương kẻ thù. Khi được cử hành Thánh lễ , ngài đã dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho người Đức dù các bạn tù tỏ ra không hài lòng. Sau này cũng chính Ngài thành lập phong trào Pax Christi, một phong trào quốc tế tranh đấu cho hòa bình. Đến khi làm Giám mục ở Lộ Đức, ngài đã tổ chức cuộc hành hương quốc tế của phong trào Pax Christi. Qua đó, người ta nhìn thấy những người trước đây vốn là thù địch của nhau như Đức, Pháp, Anh, Ý… cùng chắp tay cầu nguyện cho nhau, và quên đi cái dĩ vãng đen tối. Một hình ảnh đẹp biết bao. Ai có thể làm được điều đó nếu không phải là tình thương của Chúa kết nối họ lại với nhau.
Chúng ta phải tha thứ cho nhau và tha thứ mãi vì Thiên Chúa đã không ngừng tha thứ cho chúng ta. Thánh Phaolo đã nói: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:13). Có ai trong chúng ta sai phạm lỗi lầm mà không muốn được người tha thứ bỏ qua ? Vậy sao tôi có thể không tha thứ cho anh em ? Chẳng lẽ chúng ta không cần thứ tha? Chúa chúng ta là Đấng giàu lòng xót thương, Ngài luôn chạnh thương trước những người cùng khổ được thể hiện qua cả cuộc đời làm người của CG. Chân dung nhân từ của Thiên Chúa được CG minh hoạ rõ nét nhất trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32). Chính CG đã xác định điều kiện để được Chúa xót thương trong mối phúc thứ năm : “Phúc cho ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7) và “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Không những thế Ngài còn dạy phải yêu thương tha thứ cho kẻ thù và Ngài đã làm gương để chúng ta noi theo : trên thập giá, CG đã cầu xin với Cha : “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Sự xót thương của mối phúc thứ năm đòi hỏi một cố gắng của trí não và ý chí để có tình cảm. Nó chứng tỏ một sự đồng cảm không đến từ bên ngoài nhưng đến từ một chủ tâm đồng nhất với kẻ khác. Thương xót ở đây là đồng hoá mình vào địa vị của người khốn khổ đến mức nhìn sự vật bằng cái nhìn của họ, suy nghĩ bằng tâm trí của họ và cảm xúc bằng chính cảm xúc của họ. CG cũng đã đồng hoá mình với tha nhân, do đó, ta yêu thương tha nhân là yêu thương chính Chúa, ta là gì với tha nhân cũng là làm cho Chúa. Khi đồng cảm, ta sẽ dễ dàng bao dung tha thứ. CG đã nhập thể làm người để cảm thông và bao dung với con người, Ngài cũng muốn chúng ta bao dung độ lượng như Ngài “ yêu thương nhau là dấu chỉ môn đệ của Ngài”. Xin cho chúng ta có trái tim chạnh thương như Ngài.
Trong tình yêu không có chỗ cho hận thù đố kỵ ghét ghen. Vậy khi quyết định tha thứ là chúng ta đang vượt lên bản tính tự nhiên, để trở nên giống Thiên Chúa tình yêu, đang nâng mình lên tới sự hoàn thiện như Chúa mong muốn. Khi tha thứ là ta thi ân cho kẻ thù, tạo cơ hội cho họ đồng thời tạo phúc cho chính mình vì khi thực hiện một hành vi cao đẹp lòng chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui và nhất là vui vì biết chắc rằng mình sẽ được Chúa xót thương thứ tha.
Qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi chất vấn bản thân mình : tôi đã thực hành sự tha thứ này trong gia đình, trong cộng đoàn, trong Hội Dòng, trong giáo xứ, trong môi trường làm việc… như thế nào ? Hiện tại, có ai là kẻ thù trong mắt của tôi ? Tôi cần chỉnh sửa điều gì để đời sống tôi phù hợp với tinh thần Tin Mừng hôm nay ?
Mượn lời của Thánh Têrêsa Calcuta chúng ta cùng cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hoà bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con. Amen (Mẹ Têrêxa Calcutta).
Ánh Thiên SPP.