Người ta có kể một câu chuyện vui như sau : Có một Tu sĩ trẻ kia được sư phụ cho phép xuống núi để đi hành hương. Giữa trưa hè nóng bức anh tìm đến một gốc cây để nghỉ chân, Không có sẵn gối, anh lượm lá cây và rơm rạ cuốn lại thành chiếc gối để gối đầu.
Bên gốc cây có một giòng suối, một số cô gái trẻ có thói quen đến để lấy nước. Nhìn thấy người tu sĩ đang lim dim ngủ, họ nói nhỏ với nhau: “ Xem kìa người thanh niên này đã chọn con đường tu trì, nhưng không thề ngủ mà không có gối để gốỉ đầu. Anh ta đã cố gắng bó rơm rạ để làm cho bằng được cái gối để gối đầu.”
Nói thế rồi các cô gái tiếp tục đi xuống núi. Anh tu sĩ trẻ nghĩ thầm: “Những cô này có lý khiđưa ra những nhận xét như thế”. Nghĩ như vậy rồi anh ta liền quẳng cái gối bằng rơm đi và ngả đầu trên mặt đất.
Từ giòng suối đi lên, những người con gái liếc nhìn người tu sĩ đang nằm dài trên mặt đất, không chiếu chăn, không gối kê đầu, họ liền che miệng cười khúc khích và kháo láo với nhau: “Thật là một chàng trai dễ thương. Nhưng thật đáng tiếc, anh ta đã quẳng cái gối đi chỉ vì lời nhận xét của chúng mình. Anh ta tìm cách làm vừa lòng con gái chúng mình hơn là làm đẹp lòng Thiên Chúa của anh ta”.
***
Không những người tu sĩ kia mà nhiều người khác trong chúng ta cũng đã có những thái độ ấy trong đời sống tu trì của mình. Chúng ta sống đời sống tu trì bằng những cái bên ngoài hơn là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng này ?
Thật ra có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn tới một điểm đố là sống thiếu lửa trong lời khấn. Để hiểu vấn đề này chúng ta bàn tới những việc sau:
* Hiểu như thế nào về lời khấn
* Lời khấn theo tinh thần Đa Minh.
* Những thách đố của lời khấn.
* Thực hiện ba lời khấn.
Hiểu như thế nào về Lời Khấn:
+ Theo nghĩa thông thường thì lời khấn là một lời hứa tự nguyện và có suy nghĩ, cam kết với Chúa, sẽ làm một điều gì tốt đẹp, một điều mà làm thì tốt hơn là không làm. Người khấn phải ý thức rằng nếu vi phạm lời khấn mình sẽ phạm một tội rất đặc biệt. Một lời khấn có mức ràng buộc nhiều hay ít nghĩa là không làm sẽ mắc tội (nặng hay nhẹ) tùy theo ý hướng của người khấn. Nếu ta khấn một điều gì nghiêm trọng thì kể như là ta đã có ý ràng buộc mình với lời khấn tới mức nếu không làm sẽ phạm tội nặng. Lời khấn làm tăng giá trị cuộc sống của những hành vi nhân linh vì một vài lý do. Nhờ lời khấn linh hồn được liên kết với Chúa bằng một quan hệ thờ phượng mới; vì thế những hành vi làm theo lời khấn cũng là những hành vi thờ phượng và bởi đó có nhiều công trạng hơn. Khi khấn người ta giao cho Chúa cả tự do cuộc sống của mình, hi sinh các tự do có thể làm khác đi, tựa như một người không những thỉnh thoảng nộp hoa trái mà cho cả cây sinh hoa trái ấy nữa. Lời khấn còn giữ gìn ta khỏi rơi vào sự yếu đuối của con người, vì khi đã khấn ta không còn gì để do dự hay thay đổi thất thường vì đã thuộc về Người trọn vẹn. Mục đích của lời khấn là để kêu cầu ơn Chúa giúp ta trung thành cho đến khi thực hiện xong lời khấn dâng cho đến khi chết, nếu là khấn vĩnh viễn.
+ Theo nghĩa luân lý thì lời khấn là một lời hứa với Thiên Chúa được tiến hành một cách tự do. Người tín hữu sống quyết định chu toàn một hành vi có cùng đích vì tình yêu nhưng không hoặc để tỏ lòng biết ơn. Tất cả các Tôn giáo đều biết đến hình thức tế tự này: Dâng hiến, lời hứa, trong một nghi thức hoặc là không có nghi thức. Kinh thánh đơn cử một vài ví dụ ( Lv 22,21 ; 27, 1 – 8 ; Đnl 12, 6 – 12). Giáo hội nhấn mạnh đến sự bó buộc giữ lời khấn. Người nào không chu toàn lời hứa mình đã tự do cam kết, người ấy chế nhạo danh Thiên Chúa ( Xh 20,7). Sự bó buộc tham dự vào tính cách thần thánh của Đấng mà lời hứa ấy được ngỏ. Dĩ nhiên là nó sẽ có tính cách triệt để hơn khi lời khấn được nói lên một cách công khai dù đó là các Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối hoặc giữ Chức thánh hoặc giữ các lời khấn trong đời tư. Từ lúc khấn được trình bày, dù có dưới hình thức riêng tư (chẳng hạn cách này cách khác tiến hành một cuộc hành động, đồng ý bố thí một mức gì đó v.v) nó cam kết tác giả, không thể rứt lời lại mà không qua trung gian của Giáo hội. Mọi thiếu sót lúc bấy giờ trở thành một lỗi phạm; nghịch đức công bình.
+ Theo Phụng vụ thì lời khấn hứa có tiếng La tinh Votum có nghĩa là hứa với Thiên Chúa do động từ Vovere là hiến dâng, là tuyên khấn. Khấn hứa là dâng mình cho Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác để xin ơn hoặc để tạ ơn. Một cách hiển nhiên và tuyệt đối lời khấn dòng là xin Thiên Chúa ban chính Người cho chúng ta và chúng ta tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Người Tu sĩ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong Giáo hội của Người chính nhờ sự thúc đẩy của Thần linh. Qua các lời khấn, các tu sĩ cam kết tuân giữ các lời khuyên Phúc âm: Khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục. Đôi khi có Hội Dòng thêm một hoặc hai lời khấn khác nữa nói lên đặc điểm trong mỗi đời sống của họ. Tất cả những điều này được thể hiện dần dần trong Phụng Vụ.
+ Theo sách Giáo lý Công giáo chung của Hội Thánh thì bậc sống thánh hiến là một trong những cách thức để được thánh hiến sâu xa hơn, bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy và việc tận hiến cho Thiên Chúa. Trong đời sống Thánh hiến, các Kitô hữu dưới tác động của Thánh Thần, sẵn sàng theo sát Đức Kitô hơn, tự hiến cho Thiên Chúa là Đấng được yêu mến trên hết mọi sự và theo đuổi đức ái hoàn hảo để phụng vụ Nước Trời, bày tỏ và loan báo trong Hội Thánh Thật sự vinh quang của thế giới tương lai (x. CIC câu 572) và GL chung số 916 )
Đặc tính của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa là công khai giữa các lời khuyên Phúc Âm về nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục trong một bậc sống ổn định được Hội Thánh phê chuẩn (GL chung số 944).
B. Lời khấn theo tinh thần Đa Minh
Tôi không phải là một tu sĩ Đa Minh, hoặc một tu sĩ của bất cứ Dòng nào khác, nhưng tôi lại mê mệt Cha cựu Bề trên Tổng quyền Timothy Radcliffe khi ngài nói về Linh đạo của đời sống tu sĩ Đa Minh. Đó là Thánh Đa Minh, con người của tự do và lữ hành. Trong thư gởi cho anh chị em Đa Minh của mình với tiêu đề là : “Tự do và trách nhiệm ”, cha Timothy Radcliffe đã viết: Thánh Đa Minh mê hoặc chúng ta bằng sự tự do của Người. Đó là sự tự do của nhà giảng thuyết lữ hành, nghèo khó, sự tự do đã sáng lập nên một Dòng tu không giống một Dòng tu nào khác đã có trước đó. Người tự do khi tung gieo cái cộng đoàn mong manh nhỏ bé, Người đã quy tụ họ quanh mình và phái họ đi tới các đại học. Và Người tự do chấp nhận những điều anh em đã quyết nghị trong tổng hội. Đó là sự tự do của con người có lòng thương cảm dám đối diện và dám trả lời.
Dòng luôn phát triển thịnh đạt nếu chúng ta sống tự do tâm hồn và khôn ngoan của Thánh Đa Minh.
Ngày hôm nay, làm thế nào chúng ta có thể canh tân sự tự do đúng đắn và sâu sắc của Thánh Đa Minh ? “Sự tự do ấy mang chiều kích đơn giản trong nếp sống và lữ hành trong cầu nguyện”, đây là quan điểm của Cha Bề trên Tổng quyền về vấn đề quản trị Dòng , tuy nhiên nó cũng rất đúng về việc sống ba lời khuyên Phúc Âm của người tu sĩ Đa Minh. Thật vậy khi đề cập tới ba lời khấn, Cha Bề trên cũng cho ta cái tư tưởng và tinh thần ấy; tự do trong lời khấn và lữ hành với lời khấn. Trong thơ gởi cho toàn Dòng ngày 04.5.1994, Ngài đã đặt cho anh chị em của mình bằng một câu hỏi là tại sao chúng ta dám khấn ?
Câu trả lời cho câu hỏi này là : “Vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy, Ngài luôn trung tín với những lời Ngài hứa. Lời Ngài là sự thật và là sự sống. Ngài đã giữ lời hứa với Cha Ngài, mà chúng ta là con của Ngài, chúng ta cũng dám làm như vậy”. Sự liều lĩnh này có thể đưa chúng ta tới một lời khấn mà tự bản chất đưa chúng ta tới một tương lai mà chúng ta không biết. Nhưng đó là dấu chỉ của địa vị làm con Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, Đấng bất ngờ làm cho chúng ta như con cừu vướng trong bụi cây và như vậy chúng ta được thực hiện một sự tự do đích thực thuộc về Thiên Chúa để ngài muốn làm gì thì làm và chúng ta được sống hạnh phúc trong Ngài. Để biện minh cho lời này, cha Bề trên Tổng quyền đưa ra một hình ảnh thật sống động về cuộc trò chuyện của Người với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng, Người nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” ( Ga 4,34 ). Sự tuân phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha không giới hạn sự tự do của Ngài, không giảm quyền tự quyết của Ngài. Đó là lương thực mang lại sức mạnh và làm cho Người kiên vững. Dưới tương quan giữa Người và Chúa Cha là mối tương quan lệ thuộc nhưng lại là mối tương quan hỗ tương về tự do. Đàng khác, theo Cha Bề trên Tổng quyền thì sự tự do đó không phải chỉ có trong việc thực hiện ba lời khuyên Phúc Âm theo ý hướng thiện, nhưng còn là việc tuyên khấn sẽ đưa anh chị em Đa Minh đến chỗ huynh đệ hơn và từ đó là phát sinh tính dân chủ trong quản trị, trong cách sống và trong các mối tương quan để làm phát triển cho Dòng và làm thăng tiến đời tu trì của các khấn sinh. Đặc biệt hơn nữa là sự tự do đó còn được chia sẻ trong đời sống gơn gọi một cách hiểu biết và thông cảm. Ngài viết : Thực ra, đôi khi có anh chị em thấy rằng mình không thể tiếp tục sống lời khấn mình đã tuyên đọc. Có thể đó là hậu quả của sự thiếu phân định trong giai đoạn đào tạo sơ khởi hoặc đơn giản nói cho đúng đó là cuộc sống mà họ không thể chịuđựng được nữa. Bấy giờ giải pháp khôn ngoan là xin chuẩn miễn lời khấn. Ít ra chúng ta cảm tạ Chúa vì những gì các anh chị em đó đã mang lại cho chúng ta, và hãy vui mừng vì những gì chúng ta đã chia sẻ. Chúng ta cũng tự vấn xem trong các cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có thể làm tất cả những gì có thể nâng đỡ các anh chị em ấy trong lời khấn của họ hay không ? Thật là quảng đại, hào hiệp, cởi mở và ngay thẳng.
Một điểm khác nữa của Đa Minh là cuộc lữ hành với ba lời khấn. Đối với Dòng Đa Minh, một từ ngữ luôn được nhắc đến đó là “Sứ vụ“. Người tu sĩ Đa Minh mang trong mình một sứ vụ hết sức quan trọng đó là sứ vụ bởi Chúa và bởi Dòng. Các sứ vụ này đòi buộc người tu sĩ Đa Minh không bao giờ được nghỉ ngơi. Họ lên đường vì các lời khuyên Phúc Âm và các lời khuyên Phúc Âm thôi thúc họ lên đường. Họ thi hành ba lời khuyên Phúc Âm với một tinh thần tiến công và tích cực để đem Tin Mừng đến chỗ hiệu quả nhất là phục vụ Chúa và Hội Thánh, nhưng đồng thời cũng chính những lời khuyên Phúc Âm này cũng sẽ giúp họ mở ra một con đường thênh thang bước vào con đường tình yêu vì Nước Trời. Do đó họ bắt chước Thánh Tổ Phụ để lên đường không mệt mỏi và đúng như Cha Bề trên Timothy đã nói: “Họ không ra đi lủi thủi một mình. Họ cùng với chị em đồng hành trong lời khấn một cách huynhđệ và hiến đời thànhmột cuộc lữ hành truyền bá Tin Mừng. Là những con người nhận sứ vụ giảng thuyết bởi Chúa và Giáo Hội. Họ không chỉ thuyết giảng bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống chứng tá trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt trong đời sống tuân thủ ba lời khuyên Phúc Âm. Họ sống đúng như lời Cha Bề trên Tổng quyền đã nói : “Tôi chẳng bao giờ hiểu được rõ ràng các lời khấn của chúng ta mãi cho tới khi tôi đi thăm một làng nhỏ tại ranh giới Lisbonne, nơi ở của những người nghèo khổ nhất, những người bị quên lãng và những người ‘vô hình’ của thành phố và tôi đã thấy ở đó một khu phố đang sống trong cảnh vui tươi vì một nữ tu vẫn chia sẻ cuộc sống của họ sắp tuyên khấn trọn đời. Thực là một ngày hội ”. Đó là cuộc lữ hành tuyệt diệu với lời khấn.
C. Những thách đố của lời khấn :
Thật vậy, nhân loại đang rơi vào cuộc khủng hoảng to lớn. Đó là cuộc khủng hoảng về niềm tin. Con người không biết tin vào đâu ? Trắng đen lẫn lộn, sự thất vọng bao trùm, cuộc sống chỉ mang tính chất hiện tại và không tin vào tương lai. Những hình ảnh như “Con Gấu thời đại ” và “khoảnh khắc bây giờ“ làm ơn gọi mất đi. Con người choáng ngợp trước những văn minh của thế giới đương đại, nhưng không tìm ra được ngõ thoát hướng về tương lai, cái mà người ta gọi là “thế giới bây giờ ” to lớn đến độ dường như muốn che lấp cả lối ngõ đi về tương lai đã thật sự ảnh hưởng hết sức ghê sợ trên nhân loại này và tất yếu nó cũng len lỏi vào đời sống tu trì để quảng bá quyền lực của chúng. Vì thế, người tu sĩ trong cuộc có khi bị lừa bịp để đánh mất chính mình và cũng không còn một hấp lực nào để lôi kéo người khác đi vào đường chính để gặp Chúa. Điều này phải chăng đã làm cho những người trẻ đặt lại vấn đề lời khấn hoặc gạt lời khấn ra khỏi cuộc đời họ. Có lần chúng ta đã chia sẻ con Gấu của thời đại của Cha Bề trên Tổng quyền Timothy trong bài “Cơn lốc thời đại”, chúng ta đã cảm thấy sức mạnh của con Gấu và của cơn lốc thật vô cùng mạnh mẽ và đáng sợ. Nhưng thật sự cái đáng sợ hơn cả là chính chúng ta. Sự yếu kém trong nhuệ khí, sự mất ý thức tiến công và tinh thần đại khái chủ nghĩa trong lời khấn còn nguy hiểm hơn nhiều. Có người suy nghĩ mang danh nghĩa tu trì đã là một dấu chứng của sự hy sinh rồi thì cần gì phải triệt để quá đáng. Thế nhưng lời Chúa dạy vẫn còn đó : “Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, hâm hâm dở dở Ta sẽ mửa ra ”. Chúa mửa ra thì ai là người có thể cứu thoát ?! Vì thế, không thể có một thái độ thiếu triệt để trong lời khấn. Cuộc lữ hành tuy có vất vả nhưng nó sẽ là bảo chứng tốt nhất của tình yêu và cuộc hoàn tất của một đời sống tu trì hoàn hảo.
Thực hiện lời khấn :
Để nói về vấn đề này, chúng ta nên nhắc lại tư tưởng tuyệt vời của Cha Bề trên Timothy : “Tự do và trách nhiệm theo tinh thần Đa Minh ” được mời gọi bước vào con đường tình yêu của Thiên Chúa, đó là một cuộc phiêu lưu kỳ thú trên con đường sống chết vì tình yêu của Đức Kỉtô. Người tu sĩ tự do tumg hoành trong yêu thương vì tình yêu của Chúa là bao la, quảng đại, vô vị lợi, khôn cùng … Con đường dâng lên tới Chúa bằng những hoa quả thiêng liêng mà một linh hồn yêu Chúa có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, vì tình yêu Đức Kitô, người tu sĩ có thể phục vụ anh em mình bất cứ là người nào, bất cứ ở đâu và bất cứ ở hoàn cảnh nào. Họ được tự do để tình yêu thúc bách và trưởng thành đồng thời để tình yêu gọt giũa những gì đẹp lòng Chúa và mưu ích các linh hồn, ngoài ra sự tự do cũng sẽ làm cho những sáng kiến phục vụ con người vì Thiên Chúa được thực hiện cách hữu hiệu hơn. Ba lời khấn không phải là một định thức, nhưng là một quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Nó giúp thúc đẩy con người đi vào chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Nó là khí cụ tuyệt hảo có một không hai để đưa con người đến cùng Thiên Chúa và trở về với tha nhân.
Nhưng như một con tàu có định hướng, lời khấn cũng tạo nên một trách nhiệm, để con người khỏi bị tha hóa. Nó là cái thuẫn để chống đỡ kẻ thù là thế gian, xác thịt và ma quỷ. Lời khấn là chỗ dựa vững chắc cho đời sống thánh hiến. Người tu sĩ dựa vào lời khấn để biết mình đang đi về đâu ? Họ có trách nhiệm cao độ với lời khấn. Và lời khấn giúp họ uốn nắn con đường mình đi cho đúng ý Chúa và Giáo Hội. Chính vì thế họ nghiêm ngặt trong lời khấn và cởi mở bước đi trong linh đạo của Hội Dòng. Họ dấn thân triệt để sống lời khấn như một dấu chứng tình yêu giữa họ và Thiên Chúa, đồng thời ngược lại. Tuy sống trong cởi mở nhưng họ luôn đối chiếu với lời khấn đừng để bao giờ con thuyền trật hướng. Họ vui vẻ sống phó thác và hy vọng triệt để vào Chúa qua lời khấn và quyết định dùng lời khấn làm bàn đạp tiến đức của mình. Họ vui vẻ bước đi loan báo tin vui bằng chính đời sống phó thác cho lời khấn theo tinh thần Đa Minh.
Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo
daminhtamhiep.net
Nguồn: http://conggiao.info
Tại sao các nữ tu đội lúp? Các ni cô Phật giáo cũng bịt đầu như vậy. Cái lúp có ý nghĩa gì không?
Tôi không biết rõ lịch sử của đời tu bên Phật giáo, cho nên không dám so sánh ý nghĩa giữa các nữ tu với các ni-cô. Tuy nhiên, dù không phải là một chuyên viên về y phục chúng ta thấy rằng ở Việt Nam không phải chỉ có các nữ tu hay là các ni cô mới đội khăn che đầu. Có rất nhiều miền tại Việt Nam, các phụ nữ luôn đội khăn trên đầu, nổi tiếng là lối chít khăn mỏ quạ. Tôi xin để cho các nhà khảo cứu nhân văn nghiên cứu nguồn gốc lai lịch của tục lệ đó. Riêng tôi, hồi nhỏ sống ở Đàlạt, tôi thấy rất nhiều phụ nữ đội khăn trùm đầu. Lý do rất dễ hiểu: bởi vì Đàlạt là xứ lạnh cho nên các ông tìm cách che đầu bằng các thứ mũ len, còn các bà thì lấy khăn mà trùm. Nếu các bà đã có tóc dài mà còn phải đội khăn, thì các bà tóc ngắn hay không có tóc lại càng có lý để mà đội khăn hơn nữa. Đến đây, ta thấy có một sự khác biệt lớn giữa các ni cô và các nữ tu: đó là ở dưới cái khăn, một bên đã cạo tóc, còn một bên thì để tóc, ngắn dài tùy trường hợp.
Như vậy, các nữ tu đội lúp để che bộ tóc thôi hay sao?
Tôi không có ý nói như vậy! Đó mới chỉ là giáo đầu mà thôi, nhằm cho thấy rằng việc đội khăn lên đầu là một phong tục gặp thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề được đặt ra là tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và công dụng của nó. Như đã nói trên, tôi sẽ không bàn tới nguồn gốc các khăn đội đầu của các phụ nữ Việt Nam, tôi cũng sẽ không đi vào ý nghĩa của các khăn đội đầu của các ni cô, nhưng chỉ muốn trình bày nguồn gốc và ý nghĩa của các lúp của các nữ tu. Thoạt tiên, khi mở Tân ước chúng ta thấy một đoạn văn trong thư thứ nhất Côrintô, chương 11, thánh Phaolô muốn rằng khi cầu nguyện các phụ nữ phải đội khăn che đầu, nhưng mà người nam thì không che đầu. Thánh tông đồ cũng lại thêm rằng các phụ nữ mà không đội khăn thì như là trọc đầu vậy, và đó là một điều xấu hổ, bởi vì phụ nữ phải để tóc dài. Ngược lại, người nam thì không nên để tóc dài và cũng không đội khăn lên đầu. Thánh Phaolô đã đưa ra những lý do thần học để giải thích cho tục lệ này, như ta đọc thấy ở câu 7: “người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam”. Các nhà chú giải Kinh thánh đã tranh luận rất nhiều về ý nghĩa của đoạn văn này. Không rõ là thánh Phaolô muốn biện minh cho một tục lệ địa phương về việc các phụ nữ đội khăn lên đầu; hay là ngài chỉ muốn bài trừ một thói tục hỗn độn ở Côrintô, nơi mang tiếng là phong tục suy đồi, không còn phân biệt phái tính nữa: các cậu thì để tóc dài, còn các cô thì cắt tóc ngắn. Theo một vài nhà chú giải gần đây, thánh Phaolô chủ trương rằng người nam cần tỏ ra nam tính qua việc cắt tóc ngắn, để đầu trần; còn người nữ thì hãy biểu lộ nữ tính, qua việc để tóc dài và trùm khăn đầu.
Phải chăng đây là nguồn gốc của việc các nữ tu đội lúp?
Có lẽ kết luận như vậy thì hơi vội vàng. Thánh Phaolô không có ý định bắt buộc hết mọi phụ nữ phải để tóc dài và trùm khăn. Ngài chỉ giới hạn vào kỷ luật trong các buổi hội cầu nguyện tại Côrintô mà thôi. Ở câu 16 của chương 11, thánh Phaolô chấp nhận rằng không phải là đâu đâu cũng có thói tục như vậy. Dù sao theo các nhà sử học, cần phải tìm nguồn gốc cái lúp của các nữ tu ở chỗ khác, tức là ở nghi lễ hôn nhân tại Rôma. Tại đây các cô dâu khi làm lễ cưới thì đội chiếc khăn lên đầu, Đến khi phụng vụ muốn tìm ra một biểu hiệu cho nghi thức cung hiến các trinh nữ, thì người ta quy chiếu vào nghi thức hôn nhân. Tại sao vậy? Lý do là vì các giáo phụ (tựa như thánh Ambrôxiô) đã ví các trinh nữ như là Hiền thê, bạn trăm năm với đức Kitô. Bởi đó, lễ cung hiến trinh nữ cũng được ví như là lễ kết hôn với đức Kitô, gắn bó với Ngài như là bạn trăm năm.
Nhưng mà ngày nay, khi cưới nhau, thì các cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau như biểu hiệu của lòng chung thủy chứ đâu có đội khăn trùm mặt gì nữa đâu?
Tại Âu châu, nhiều nơi vẫn còn giữ tục lệ là cô dâu đội khăn voile trong nghi thức hôn nhân. Nếu tôi không lầm thì tại một vài thành thị Việt Nam, người ta cũng du nhập tục lệ đó. Cô dâu mặc y phục trắng, với tấm khăn voile không những trùm đầu mà trùm cả thân người và kéo dài thành cái đuôi nữa. Nhưng chỉ có trong lễ cưới thôi, chứ sau đó thì cô ta chẳng bao giờ trùm voile nữa. Còn các nữ tu thì khác, họ đội cái lúp suốt đời. Dù sao thì đó mới chỉ là vắn tắt để cho chị có một cái khái niệm về nguồn gốc và ý nghĩa của tục lệ các nữ tu đội lúp. Chúng ta cần phải đi sâu vào vấn đề hơn tí nữa.
Tôi không rõ là chữ “lúp” bởi đâu mà có. Không hiểu nó có họ hàng gì với tiếng “lấp” hay không? Xin để dành việc tầm nguyên cho các nhà ngữ học. Trong tiếng Pháp, người ta gọi nó là “voile”. Và ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng cái voile không chỉ hiểu về cái lúp của các nữ tu mà còn hiểu cho cả thứ hàng vải thưa. Tại sao lại có chuyện đó? Chúng ta phải trở về với nguồn gốc lịch sử của nó. Voile trong tiếng Pháp dịch từ velum của tiếng La-tinh. Danh từ “velum” gốc bởi động từ “velare” có nghĩa là che đậy. Có lẽ là chị sẽ liên tưởng ngay tới tấm khăn che đầu, nhưng không phải như vậy. Các cô vẫn được tiếng là thuộc phái đẹp. Người ta đã chẳng ví các thiếu nữ như là bông hoa biết nói đó là gì? Ấy nhưng mà bông hoa đẹp thì phải cho vào chậu kiểng thì mới giữ được lâu, chứ phơi ngoài trời thì chỉ được mấy tiếng đồng hồ là héo tàn! Xin lỗi, có lẽ tôi đang tán bậy. Nhưng mà ta thấy phong tục của nhiều nơi đã muốn rằng khi các cô đi ra đường thì không những phải che đầu cho khỏi nắng mà còn phải che mặt nữa, kẻo bị người khác hái mất cái đẹp của mình. Nói cách khác, vào thời xưa cái voile không phải chỉ trùm đầu mà còn trùm cả khuôn mặt nữa. Và thiếu nữ chỉ vén màn che mặt cho người nào đáng được chiêm ngắm sắc đẹp của mình.
Trong phong tục hôn nhân tại Rôma thời cổ, việc che và vén màn là cao điểm của lễ nghi. Cô dâu che mặt của mình, dĩ nhiên là không phải là trùm chăn bít kín đầu, nhưng là với vải thưa (mà ta gọi là vải voile), và chỉ có người chồng mới được vén khăn lên. Từ đó, người Rôma gọi việc hôn nhân là nubere, có nghĩa là che mặt. Tục lệ này cũng được du nhập vào nghi thức hôn nhân Kitô giáo, từ thế kỷ IV.
Tuy nhiên, một cuộc tranh luận đã nảy ra giữa các nhà nghiên cứu lịch sử phụng vụ, bắt nguồn từ chỗ nghi thức chúc lành cái voile của các trinh nữ và nghi thức chúc lành cái voile của các cô dâu đều xuất hiện vào thế kỷ IV. Thế thì ai mượn của ai? Phải chăng các trinh nữ muốn bắt chước các cô dâu, hay là các cô dâu cũng muốn cho cái voile của mình được chúc lành theo gương các trinh nữ? Cho đến nay, cuộc tranh luận vẫn chưa có ngã ngũ. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý là tại một số Dòng nữ cận đại, vào ngày mặc áo dòng, các thỉnh sinh bận y phục sang trọng như các cô dâu, rồi sau đó, họ đã cởi bộ đồ cưới đó, để khóac vào chiếc áo dòng hèn mọn. Đó là một nghi thức nhằm nêu bật rằng giữa hôn nhân trần thế và hôn nhân thần bí, có những điểm tương đồng nhưng cũng không thiếu những điểm khác biệt. Vào thời cổ, điểm khác biệt đó được diễn tả một cách đơn giản hơn. Trong khi mà các thiếu nữ ngoài đời đội voile với hàng đắt tiền quý giá, thì các trinh nữ đội voile hàng rẻ tiền, và với màu đen, màu của tang chế, thường dành cho các bà góa.
Nhưng mà cũng có nhiều nữ tu đội lúp trắng đấy chứ?
Vào các thế kỷ đầu tiên, chưa có các nữ tu khấn dòng, mà chỉ có các trinh nữ tận hiến. Họ là những phu nữ tận hiến cho Thiên Chúa qua một lễ nghi do Đức Giám mục chủ sự, với nghi thức chính là lời nguyện thánh hiến, và chúc phúc cái voile. Kế đó, các trinh nữ trở về sống tại gia đình giống như các thiếu nữ khác. Đến khi xuất hiện các Dòng tu (với các đan viện hay tu viện), thì các nữ tu cũng mang cái lúp như là biểu hiệu của sự tận hiến. Và các nữ tu chỉ mang lúp từ khi dấn thân vĩnh viễn. Dần dần, các tập sinh cũng được đội lúp, nhưng mà để phân biệt với các người đã khấn trọn đời, thì các tập sinh đội lúp màu trắng. Đó là hai cái màu căn bản của các lúp: màu đen dành cho những ai đã khấn, và màu trắng dành cho các tập sinh. Dần dần, con số các Dòng tu tăng gia, và mỗi Dòng cố gắng trình bày căn cước của mình qua màu áo cũng như là qua màu lúp. Từ đó mà ta thấy hiện tượng trăm hoa đua nở.
Tóm lại, thời xưa, dấu hiệu của đời tận hiến là cái lúp chứ không phải là chiếc nhẫn hay sao?
Đúng như vậy. Nhưng mà cần phải thêm rằng nghi thức hôn nhân và nghi thức cung hiến không phải chỉ bao gồm việc trùm mặt hay vén voile. mà còn có nhiều chi tiết khác nữa, chẳng hạn như việc đội triều thiên lên đầu.
Trong các nghi thức cung hiến trinh nữ, bên cạnh việc chúc lành tấm voile, từ thế kỷ XIII, người ta du nhập thêm tục lệ trao nhẫn, như là biểu hiệu của sự chung thủy. Ngày nay, chúng ta thấy nhiều nữ tu chỉ có đeo nhẫn, chứ không còn mặc tu phục, lại càng không có chuyện đội lúp. Tôi không dám phê phán thói tục đó, bởi vì phần nào trong xã hội ngày nay, cái lúp không còn ý nghĩa đối với phụ nữ như là thời xưa nữa. Tại Âu châu, có lẽ chỉ còn các nữ y tá trong các bệnh viện là còn duy trì cái lúp như là biểu hiệu của nghề nghiệp của mình. Tại Âu châu ngày nay, biểu hiệu của hôn nhân là chiếc nhẫn. Chỉ cần xem tay có đeo nhẫn hay không, đủ biết là người đó đã kết hôn hay chưa. Các nữ tu đã khấn dòng đeo nhẫn như dấu hiệu của việc kết hôn thiêng liêng với Chúa Kitô.
Vậy vấn đề đặt ra là: tại sao các nam tu sĩ, tuy đã khấn dòng lại không đeo nhẫn? Xin thưa rằng có lẽ tại vì đã có người khác lấy mất rồi. Đó là các giám mục. Trong nghi lễ tấn phong các giám mục lãnh nhận chiếc nhẫn, biểu hiệu cho lòng tận tụy với Hội thánh, hiền thê của đức Kitô. Tuy nhiên, ý nghĩa của từ ngữ “Hội thánh” ngày nay không còn như xưa nữa. Thời nay, người ta hiểu Hội thánh theo nghĩa là Hội thánh toàn cầu. Thời xưa, người ta hiểu Hội thánh như là một giáo đoàn địa phương. Giám mục được đặt lên để phụ trách giáo đoàn đó, và phải gắng mà chung thủy cho đến chết. Bởi thế, thời xưa không có chuyện thuyên chuyển từ giáo phận này sang giáo phận khác; bởi vì làm như vậy là ngoại tình, thiếu chung thủy. Nhưng mà tôi xin gác chuyện của các Giám mục vào dịp khác. Chỉ cần ghi nhận rằng các đôi hôn nhân hay các giám mục thì mang nhẫn vàng, chạm trổ ngọc quý, còn các nữ tu chỉ mang nhẫn bằng kẽm, bằng thiếc gì đó. Nó là biểu hiệu của cuộc hôn nhân với Chúa Kitô khó nghèo, chết trần trụi trên thập giá.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com
Dẫn nhập
Ngày nay, xã hội có sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Chắc hẳn, sự phát triển đó có ảnh hưởng tới đời sống đức tin của người Ki-tô hữu nói chung và đời sống người tu sĩ nói riêng. Việc đào tạo người tu sĩ trẻ được nhấn mạnh, để làm sao người tu sĩ vững vàng bước vào thế giới. Như Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II bàn về việc đào tạo Linh mục trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, các hội dòng cũng thực hiện việc đào tạo tu sĩ thông thường dựa trên các chiều kích khác nhau về nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ.
Như vậy, huấn luyện nhân bản là một chiều kích không thể thiếu trong tiến trình đào tạo người tu sĩ. Tại sao người tu sĩ cần trưởng thành nhân bản? Người tu sĩ cần huấn luyện như thế nào để trưởng thành nhân bản? Sau đây là đôi điều xin được bàn luận.
Tại sao người tu sĩ cần trưởng thành nhân bản?
Dưới cái nhìn của dân chúng, người tu sĩ là người trưởng thành nhân bản và trưởng thành Ki-tô giáo. Người tu sĩ có mối tương giao thường xuyên với người khác vì thế họ cần phải học cách cư xử và giao tế cho đúng phép. Hơn nữa, dưới cái nhìn chính danh, người tu sĩ là người được kêu gọi để trở nên “hình ảnh sống động” của Đức Giê-su, Đấng đã đến trần gian trong thân phận con người, hoàn hảo về phương diện nhân bản, đặc biệt qua thái độ của Người đối với tha nhân. Vì thế, người tu sĩ cần được rèn luyện để ngày càng trở nên giống Thầy của mình “có khả năng nhận thức được chiều sâu trong tâm trí con người, nhạy bén về những khó khăn và những vấn đề, dễ dàng gặp gỡ và đối thoại, gây được niềm tin và sự cộng tác, đưa ra những phán đoán ngay thẳng và khách quan.” [1]
Trong huấn từ ban cho Dòng Cát-minh, ngày 23.9.1951, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập học viện Quốc tế của Dòng tại Rô-ma, Đức thánh cha Pi-ô XII đã khẳng định sự quan trọng của việc trưởng thành nhân bản: “Trong khi chờ đợi người tu sĩ trẻ trở nên thành viên có nhân đức sáng ngời, thì họ phải luyện tập trở thành con người hoàn hảo trong những công tác thường nhật: vì làm sao con người có thể trèo lên đỉnh núi nếu dưới đồng bằng họ đi chưa vững bước! Vậy ước mong rằng người tu sĩ rèn luyện và biểu dương qua cuộc sống, một nghị lực thích ứng với tha nhân và tương quan xã hội, một thái độ cởi mở, một bộ diện nhu mì, một tâm hồn trung thực, và cũng ước mong rằng người tu sĩ ấy luôn luôn giữ lời hứa, làm chủ ngôn hành của mình, biết kính trọng mọi người, giữ đức công bình, giữ đức nhẫn nhục..”
Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Sắc lệnh đào tạo Linh mục cũng khẳng định: “Các chủng sinh phải tập cho quen biết điều thích hợp với cá tính mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng” và “ Sẽ thất bại khi gán ép sự thánh thiện Ki-tô giáo cho một người chưa đạt tới sự trưởng thành nhân bản”[2]. Những điều nói về chủng sinh, cũng phải hiểu về các tu sĩ nữa, nhất là các tu sĩ trẻ đang trong giai đoạn đào tạo.
Như vậy, sự trưởng thành nhân bản là rất cần thiết đối với người tu sĩ. Đó là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành Ki-tô giáo và trưởng thành đời tu. Vậy, để trưởng thành nhân bản, người tu sĩ cần được huấn luyện thế nào? “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền,... thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8)
Người trưởng thành nhân bản là người rèn luyện thành công những đức tính tự nhiên, đạt tới nhân cách viên mãn. Đó là phải rèn luyện để biết cư xử lịch sự với bản thân và người khác; biết sống thành thật, công bằng, chính trực, tiết độ; biết tự tín, tự chủ, sáng tạo; có tinh thần trách nhiệm … Nói về nội dung giáo dục nhân bản, Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, đã khẳng định “sự cần thiết phải có một nền giáo dục về lòng yêu mến chân lý, sự chân thành, thái độ tôn trọng mọi người, ý thức về công bình, trung tín với lời mình nói, sự cảm thông đích thực, tính nhất quán và nhất là quân bình trong phán đoán và thái độ cư xử”[3] đối với các chủng sinh trong giai đoạn đào tạo. Điều này cũng phù hợp với người tu sĩ trẻ.
Khi nói đến giáo dục nhân bản, chúng ta thường nghĩ đến việc được đào tạo tựa như vị giáo sư truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên. Điều này chỉ đúng một phần, mà có lẽ là phần nhỏ. Trong lĩnh vực đào tạo nhân bản, chính mỗi người phải tự đào luyện mình, với sự giúp đỡ của anh chị em hiện diện xung quanh.
Đối với tinh thần
Rèn luyện lòng chân thành: chân thành với mình và chân thành với người khác. Chân thành với mình là tư tưởng và hành động phải phù hợp với nhau, nghĩ sao làm vậy. Vì thế, trước khi hành động, chúng ta phải nhìn lại ý hướng của mình và cố gắng loại trừ những gì không tốt. Chân thành với người khác gắn liền với sự chân thành với chính mình. Không thể sống chân thành với chính mình khi không chân thành với người khác.
Truy tầm chân lý: là những người môn đệ Đức Giêsu, các tu sĩ đang trên đường tìm kiếm Chân Lý để có thể làm chứng cho Chân Lý. Đây là một hành trình dài, cần sự nhiệt tâm và kiên trì của mỗi người. Người trưởng thành không ngừng tìm kiếm tìm sự thật sâu thẳm về chính mình và về sự vật với con mắt nội tại của con tim, để ngày càng trở nên khiêm tốn và tin tưởng vào Thiên Chúa hơn.
Trau dồi kiến thức: Ngày nay, người tu sĩ sống trong môi trường khoa học phát triển, trình độ dân trí ngày một cao hơn, phương tiện kỹ thuật ngày càng đa dạng…Vì thế, để có thể phục vụ tốt hơn, để có thể chu toàn sứ vụ và trở nên hữu ích cho mọi người, người tu sĩ cần được đào tạo, trau dồi để có thể có trình độ kiến thức tương xứng và chuyên môn nào đó. Ngày nay có nhiều cơ hội học tập cho mọi người, vì thế để có kiến thức về một lĩnh vực nào đó là điều không khó.
Rèn luyện thái độ bao dung: “Bao dung trở thành đường lối xử thế chủ yếu làm sao để người khác được tự do trình bày những quan điểm mà chúng ta không đồng ý và nhất là cho phép mỗi người sống theo nguyên tắc và xác tín riêng”.[4] Bao dung đích thực đòi hỏi phải có lập trường và xác tín riêng, nhưng không áp đặt xác tín của mình trên người khác, chấp nhận để những người khác cũng có những xác tín riêng của họ. Bao dung là nhìn nhận và chấp nhận những khác biệt giữa các cá nhân, là biết lắng nghe người khác, trao đổi với họ và hiểu họ. Như thế, bao dung là điều rất cần thiết đối với những người tu sĩ sống cộng đoàn.
Đối với tình cảm và ý chí
Tình cảm là một năng lực mãnh liệt có thể giúp chúng ta hăng say làm việc có ích hoặc có thể đẩy chúng ta vào con đường tha hóa. Chúng ta không thể hủy diệt tình cảm của mình. Vì vậy, cần phải rèn luyện tình cảm để khơi dậy sức mạnh nhân bản lớn lao, tức là điều khiển và hướng dẫn tình cảm vươn lên những đối tượng tốt đẹp hơn. Để chế ngự tình cảm và hướng nó đến những đối tượng cao đẹp, thì chúng ta cần tạo cho mình một ý chí mạnh mẽ. Để thành nhân, chúng ta phải biết tiết chế đam mê và hướng dẫn các khuynh hướng bản năng.
Rèn luyện khả năng yêu thương: trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc, Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II khẳng định: “Con người không thể sống mà không có tình yêu”. Vì thế, người trưởng thành nhân bản phải là người biết yêu bản thân mình, có trách nhiệm làm cho mình phát triển trọn vẹn cả về thể lý, tâm lý, thiêng liêng. Đó không phải là tình yêu vị kỷ, nhưng chính khi biết yêu bản thân mình, chúng ta biết trao hiến cho người khác, yêu thương và đón nhận họ như mình vậy.
Rèn luyện ý thức: người trưởng thành nhân bản là người biết khám phá và nhận biết chính bản thân mình với những nét độc đáo, riêng biệt. Chính khi ý thức về bản thân, chúng ta có thể chọn lựa và quyết định sứ vụ phù hợp với bản thân.
Chấp nhận thực tế: người tu sĩ trưởng thành nhân bản là người biết chấp nhận thực tế về bản thân, có cái nhìn đúng đắn về mình, không huênh hoang tự đắc, cũng chẳng giả bộ giả hình. Ngoài ra, người tu sĩ trưởng thành còn phải biết chấp nhận hoàn cảnh, môi trường cuộc sống của cộng đoàn, hội dòng, và anh chị em. Nhờ biết chấp nhận thực tế, họ có thể sống bình an, hạnh phúc.
Rèn luyện cảm xúc: người tu sĩ trưởng thành nhân bản là người sống yêu thương chan hòa với mọi người, có khả năng mở rộng tâm hồn cho mọi người và đón nhận họ một cách thanh thản, không thiên kiến với ai. Trong giao tiếp, họ biết diễn tả hồn nhiên và đúng mức cảm xúc.
Rèn luyện tinh thần trách nhiệm: người trưởng thành là người có tinh thần trách nhiệm về công việc mình đảm nhận, về cuộc sống cũng như lựa chọn của mình.
Rèn luyện khả năng thích nghi: chúng ta muốn bước vào cuộc sống mới, chúng ta phải chấp nhận từ bỏ lối sống cũ và sẵn sàng hòa nhập. Được coi như người lữ hành, người tu sĩ cũng phải rèn luyện để có thể thích nghi thường xuyên với môi trường mới.
Rèn luyện thái độ quân bình và trung dung: người tu sĩ cần rèn luyện để có thể luôn giữ được mức quân bình cần thiết: giữa tâm lý và thể lý, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa lao động và nghỉ ngơi…Chính điều đó, giúp cho họ giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống, để sống đời tu hạnh phúc hơn
Huấn luyện lương tâm
Lương tâm có thể bị ngủ mê, sai lầm, lạc lối. Một số người có ít khả năng nhận ra tiếng nói của lương tâm, vì thế, vai trò giáo dục lương tâm được đặt ra một cách khẩn thiết. “Sự trưởng thành nhân bản của linh mục đặc biệt phải bao gồm việc huấn luyện lương tâm. Thực vậy để ứng sinh có thể trung thành chu toàn những bổn phận với Thiên Chúa, Giáo hội và biết khôn ngoan hướng dẫn lương tâm các tín hữu, họ phải làm quen với việc lắng nghe tiếng Thiên Chúa đang nói với họ trong tâm hồn, và chấp nhận thánh ý Người với lòng yêu mến và cương quyết”.[5]
Huấn luyện lương tâm thế nào? Trước hết cần huấn luyện tri thức để biết những nguyên tắc căn bản về luân lý và giáo huấn Tin Mừng. Thứ hai: tạo một thói quen biết nhạy cảm trước những giá trị luân lý và luôn chăm chú kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa. Cuối cùng: để có thể lắng nghe tiếng nói lương tâm cũng cần cầu nguyện, có thái độ phản tỉnh và biết đối diện với bản thân mình.
Người tu sĩ phải nhận ra những đòi buộc mà con người phải chu toàn để thực hiện sứ vụ làm người. Họ sẵn sàng hành động không phải vì sợ hình phạt, hoặc hay muốn bắt chước cách hời hợt, nhưng dựa trên xác tín về những giá trị nội tại của các đòi hỏi luân lý.
Rèn lyện mối tương giao với người khác
Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định “mối tương giao với người khác có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một yêu tố thực sự thiết yếu đối với người được mời gọi để lãnh trách nhiệm về một cộng đoàn và trở thành một con người hiệp thông”[6]. Thật vậy, con người không thể khép kín nơi chính mình, mà phải sống trọn vẹn chiều kích xã hội mở rộng mối tương quan với cộng đoàn. Thánh Tô-ma A-qui-nô diễn tả con người như một hữu thể sống với, sống cùng người khác và có trách nhiệm đối với lợi ích chung.
Theo cái nhìn xuất phát từ mầu nhiệm Hội thánh, đời sống tu sĩ phải thấm nhuần cả hai chiều kích: Chiều kích cá nhân – đó là đời sống nội tâm, và chiều kích cộng đồng – hướng đến tha nhân và dấn thân trong công việc tông đồ. Vì thế, người tu sĩ không thể không có mối tương quan với người khác, trước hết với anh chị em trong cộng đoàn, và sau đó với tất cả mọi người mà người tu sĩ dấn thân cho họ trong công tác tông đồ.
Vì vậy, người tu sĩ cần rèn luyện mối tương giao đó. Đó là rèn luyện thái độ cởi mở để có mối tương quan đích thực và lành mạnh với tha nhân ; thái độ tôn trọng phẩm giá con người, để có thể “vượt qua và loại trừ mọi hình thức kỳ thị về quyền lợi căn bản của con người trong lĩnh vực xã hội cũng như văn hóa, vì lý do phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo”[7]. Ngoài ra, trong cộng đoàn, người tu sĩ cũng phải học cách hỗ trợ và xây dựng nhau, học cách chia sẻ, giao tiếp hài hoà…để ngày càng trở nên hiệp nhất trong Chúa Ki-tô và hiệp nhất với nhau trong sứ vụ.
Kết luận
Giáo hội mời gọi những người được thánh hiến trong bậc sống tu trì cần phải nhận ra sứ mạng của mình để có thể bước vào thế giới, dấn thân làm chứng cho tình yêu và phục vụ Tin Mừng hiệu quả. Để thực hiện được điều đó, họ phải được huấn luyện không chỉ về triết học, thần học, mà còn phải được huấn luyện để trưởng thành về tâm sinh lý, tu đức, tâm linh… Sự trưởng thành của ngươi tu sĩ không chỉ dựa vào nhà huấn luyện, nhưng chính việc tự huấn luyện, tự chịu trách nhiệm về chính mình trong sự tự do đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và Hội dòng mới tạo nên nền tảng vững vàng cho sự trưởng thành. Chính Đức Giê-su, Đấng đã sống trọn vẹn kiếp người, là gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta bước theo.
(Tập san Chia sẻ số 62)
Trải qua truyền thống hằng mấy chục năm, mấy trăm năm, các nhà dòng thường sở hữu những điều vĩ đại. Đó không chỉ là tài sản, nhà cao cửa rộng, nhưng đó còn là danh thơm tiếng tốt. Đó không chỉ là nơi an toàn, cơm ngon áo ấm, mà còn là môi trường tốt để phát triển toàn diện. Thực tế, nhiều người thích đi tu để hưởng những thành quả ấy.
Chẳng hạn, có người theo Chúa Giêsu để được người ta chúc tụng. Không ít người vào nhà dòng để hưởng môi trường an toàn. Trong nhà Dòng, họ chăm chút cho bản thân hơn là tu luyện theo linh đạo nhà Dòng. Trong ý thức đó, quả là đời tu không còn nhiều ý nghĩa trong cuộc đời họ. Bởi, đời tu đòi hỏi người tu sĩ “phải từ bỏ mọi sự để ở với Đức Giêsu và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ; và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 1).
Như thế, ai cũng hiểu đời tu hoàn toàn không để người ta hưởng thụ. Người tu sĩ luôn được huấn luyện với những đòi hỏi gắt gao của nhà Dòng. Họ được Thiên Chúa thử luyện và giúp đỡ để nên người loan bao Tin Mừng tốt. Theo đó, người tu sĩ là người của mọi người, người thuộc về Thiên Chúa và sống theo Tin Mừng. Là tu sĩ thật, họ phải bước vào con đường hẹp. Họ phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là bỏ những nhu cầu hưởng thụ vốn có nơi mỗi người. Có khi trên con đường đó, họ cảm thấy cô đơn, trống vắng. Người tu sĩ có khi phải đương đầu với tình trạng không có chỗ nương thân. Tất cả những thách đố ấy nhằm giúp người tu sĩ biết họ phải tin vào Ai và sống vì Ai!
Thách đố trên càng lớn hơn cho người tu sĩ trong thế giới này nay: Chủ nghĩa hưởng thụ. Người sống hưởng thụ chỉ dành toàn phần tốt về cho mình. Họ chỉ tìm những điều họ thích. Họ bỏ mặc nhu cầu người khác; ngược lại, họ luôn ở trong vỏ bọc an toàn. Bất cứ điều gì làm cho họ thoải mái, thư thái là họ thụ hưởng điều ấy. Ngoài xã hội, đó là những người ăn chơi, đốt tiền ở những nơi họ thích. Ngồi chơi xơi nước khiến họ thích thú. Họ chịu ăn chơi hơn dám làm việc. Thực dụng là quan niệm sống của nhóm người theo chủ nghĩa này. Tóm lại, điều họ quan tâm số một là tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải, để có điều kiện hưởng thụ tối đa.
Trong đời tu, tiếc là có những người trong nhóm chủ nghĩa này. Khấn khó nghèo, nhưng họ sống giàu sang, tiện nghi và sung túc. Khấn vâng lời, nhưng họ thích làm theo những sở thích của riêng mình. Khấn khiết tịnh, nhưng họ tìm những niềm vui của xác thịt. Thậm chí khi được góp ý, có người đã từng nói rằng: “Tu có cần phải triệt để như thế không?” Thưa, đời tu là con đường theo Chúa Giêsu cách triệt để. Nói thế không phải đi tu là “tốc hành” có thể nên người tu sĩ chân chính. Đời tu luôn là một tiến trình lớn lên. Một dấu hiệu trưởng thành của người tu sĩ là mỗi ngày một chút thoát khỏi tinh thần hưởng thụ. Vâng, họ sống không chỉ cho mình, nhưng trên hết, Thiên Chúa và sứ mạng luôn lôi quấn họ bước vào với niềm dâng hiến say mê.
Một hình ảnh tôi rất thích khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ lời với các tu sĩ: “Trái tim nếu không co giãn, nó sẽ bị teo đi.” Thử hỏi một người đi tu để tìm mọi thứ thoải mái cho mình, làm sao họ có cùng nhịp đập với Thánh Tâm Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh ấy, làm sao họ hiểu Đức Giêsu và ý muốn của Người. Thiên Chúa và nhà dòng muốn một đường, người tu sĩ hưởng thụ lại đi một nẻo. Hai khung trời cách biệt! Hệ quả người ta có thể đoán ra: Nếu người tu sĩ không lớn lên, không từ bỏ, đương nhiên cuộc sống họ sẽ úa tàn. Thế gian sẽ bóp nghẹt cuộc đời hiến dâng của họ.
Đôi lần tôi nghe người ta nói vui rằng: “Quý thầy, quý sơ đi tu sướng thật! Nhà cao cửa rộng, ăn cơm nhà Chúa “múa tối ngày”, các tu sĩ chẳng phải lo nghĩ gì.” Đúng là ăn cơm nhà Chúa, nhưng người tu sĩ đích thật phải “múa” đấy chứ. Nghĩa là, họ phải chu toàn những điều Thiên Chúa và nhà Dòng mong muốn. Họ phải tu tập, phải làm việc và dấn thân đến mọi biên cương. Người không muốn “múa” là người lười biếng, ăn không ngồi rồi. Khi ấy, đương nhiên đời tu không sinh nhiều hoa trái cho chính họ và cho Thiên Chúa.
Có người giơ tay ý kiến về những điều trên: Nếu đi tu như thế, nhà Dòng, Giáo Hội sẽ không chấp nhận! Họ không hợp với đời tu. Đúng thế! Đương nhiên nhà Dòng luôn có cách để giúp người tu sĩ thoát khỏi cuộc sống hưởng thụ. Mỗi tu sĩ đều có một sứ mạng cụ thể để chu toàn, cho vinh danh Chúa hơn. Một khi lửa dấn thân tắt dần, không ai dám chắc họ bước với Đức Giêsu đến cuối con đường trong đời tu.
Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với mỗi người tu sĩ: “Sẽ không có hoa trái nếu không chịu cắt tỉa, sẽ không có chiến thắng nếu thiếu chiến đấu.” Từ bỏ và cắt tỉa nhánh cây hưởng thụ, sung sướng không dễ chút nào. May thay, nhà Dòng và Giáo Hội có những phương cách tốt để giúp người tu sĩ dám chọn khó nghèo hơn giàu sang, chọn sống khiêm nhường hơn kiêu kỳ, cao ngạo và chọn bám rễ sâu vào Thiên Chúa hơn là thế gian.
Phải thú thật rằng đời sống tu trì luôn ẩn tàng bóng dáng của thế gian. Sẽ là ảo tưởng nếu ai đó nghĩ rằng nhà Dòng là nơi hoàn toàn thánh thiện. Tuy nhiên, chắc một điều là nơi đó, người tu sĩ có Thiên Chúa ở cùng, có nhà Dòng giúp đỡ và có anh chị em đồng hành. Trong môi trường đó, chúng ta cầu nguyện cho người tu sĩ loại bỏ dần tinh thần thế gian, nói không với cuộc sống hưởng thụ. Một khi người tu sĩ liên lỷ chiến đấu, tu sửa và bước theo Giêsu, đời tu của họ sẽ đẹp vô cùng. Được như thế, chính họ sống hạnh phúc bình an; chính Thiên Chúa và Giáo Hội cũng được nhờ.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net
Những người tiểu thương chợ Tam Hà – Thủ Đức từ lâu đã quen với hình ảnh các tu sĩ xách giỏ đi mua đồ. Dù các thầy tập sinh Dòng Tên ở gần đó thay phiên nhau đi chợ nhưng họ vẫn nhận ra mỗi khi có người mới đến. Câu nói đùa là: “Nhìn mặt ngơ ngơ không sơ thì thầy!”
Ai cũng biết rằng sống đời tu là đi theo một con đường đặc biệt, ít giống ai. Những bạn bè cùng trang lứa phải lo tìm công ăn việc làm, lập gia đình, sinh sản và nuôi dưỡng con cái…; còn các tu sĩ có vẻ như “vô ưu”! Phải chăng họ đang cố né tránh những gánh nặng ở đời này để chọn một cuộc sống dễ dàng hay thậm chí “dễ dãi” hơn? Những giáo dân sốt mến cứ mặc định các tu sĩ là người của Chúa, chỉ cần lo việc nhà Chúa thôi chứ không cần phải bận tâm việc đời; những người ít thiện cảm hơn thì cho rằng đi tu chỉ để hưởng nhờ bổng lộc cho cá nhân hay cho gia đình. Dù nhìn đời tu theo hướng khuyến khích hay mỉa mai thì dường như vẫn luôn có một ranh giới cách biệt rõ ràng giữa đời tu và đời “thường”.
Người ngoài đánh giá đời tu tùy theo quan điểm cá nhân họ, còn người tu sĩ cảm nghiệm ý nghĩa đời tu như thế nào là chuyện của riêng mình. Đời tu đặt nền tảng trên lựa chọn căn bản là bước theo Đức Giêsu Kitô một cách triệt để trong khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Giữa một thế giới còn nhiều người chưa biết đến chính Chúa thì lối sống của người môn đệ Chúa trở nên xa lạ cũng là điều dễ hiểu.
Khi mà người ta coi tiền bạc, danh vọng là mục tiêu cao nhất cần phải đạt tới thì rõ ràng mục đích đời tu là quá khác biệt nếu không muốn nói là lố bịch. Tuy nhiên, sự thật là có nhiều người giáo dân quảng đại dấn thân phục vụ giữa đời, biết sử dụng của cải vật chất làm phương tiện hữu hiệu giúp xây dựng và cổ võ giá trị Tin Mừng. Ngược lại, có những người sống trong nhà tu nhưng tâm hồn không được tự do với vật chất và danh vọng. Nói cách khác, có người tu nhưng thực ra “không tu”; có người không tu nhưng cũng gần giống như “tu”. Như thế, không phải khuôn khổ kỷ luật mà là giá trị chọn lựa làm nên tính chất khác biệt của đời tu. Nhìn từ thái độ nội tâm của người tu sĩ thì ranh giới giữa đời tu và đời thường là rất mong manh.
Vậy rốt cuộc đời tu và đời thường có liên quan gì với nhau? Trong tương quan xã hội, người tu sĩ sống khác biệt (vì theo ơn gọi tận hiến) chứ không hề tách biệt (vì cùng chia sẻ phận người). Sự khác biệt trong giá trị chọn lựa khiến lối sống của người tu sĩ có những nét đặc trưng so với đời thường. Tuy nhiên, chính nét khác biệt trong lối sống của người tu sĩ lại là điều kiện để làm nổi bật và lan tỏa giá trị mà tất cả mọi người khác đều được mời gọi theo đuổi. Nói cách khác, lối sống khác biệt của người tu sĩ không mang tính ưu tuyển cho bằng tính chứng tá. Tính ưu tuyển làm cho người tu sĩ sống xa cách và thậm chí là còn coi mình cao trọng hơn người khác. Ngược lại, tính chứng tá nói lên rằng người tu sĩ là người giữa mọi người, và đúng hơn là người của mọi người.
Tu sĩ cũng là con người với đầy những yếu đuối như bao nhiêu người khác nhưng được mời gọi tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và sống dấn thân như Đức Giêsu Kitô. Do đó, người tu sĩ không thấy mình tách biệt giữa thế giới này; họ cũng phải cưu mang những bận tâm của phận người, không chỉ của mình mà còn của người khác nữa. Hóa ra họ không hề “vô ưu”! Ngược lại, lối sống khác biệt của người tu sĩ minh chứng rằng con người luôn có thể tìm được sự nghỉ ngơi trong sự phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa giữa cuộc đời đầy những điều phải ưu tư.
Lạy Chúa Giêsu, trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Con không xin cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần.” Chúa biết những người môn đệ Chúa mang thân phận yếu đuối mỏng giòn, cần ơn Chúa giúp. Lạy Chúa, chính sự yếu đuối của các môn đệ chứng tỏ mọi việc tốt đẹp mà họ có thể làm đều đến từ Chúa. Xin cho các tu sĩ có tinh thần khiêm tốn và hăng say cầu nguyện để biến mình trở thành khí cụ trong tay Chúa giữa lòng đời. Amen
Giuse Lê Đắc Thắng SJ
Nguồn: https://dongten.net
Page 11 of 19