30 năm sống ẩn dật tại Nazareth là khoảng thời gian Đức Giêsu lãnh hội từ thánh Giuse và Đức Maria một chương trình huấn luyện tuyệt vời. Kinh Thánh không nói từng chi tiết như thế nào, tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh và nền văn hóa thời đó ta có thể hiểu được: Giuse, thợ mộc phải lo cho cả gia đình; Maria, người mẹ nội trợ và chăm sóc dạy dỗ con cái…Vậy mà sau 30 năm, hai người đã đóng góp cho cuộc đời một Giêsu vĩ đại.

Nhìn Đức Giêsu : “ngày thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ơn nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52), ta thấy bức tranh của việc huấn luyện toàn diện được Thánh Giuse và Đức Mẹ thực hiện trên trẻ Giêsu:

  • Sức khỏe thể lý
  • Khôn ngoan của tri thức
  • Ơn sủng thiêng liêng
  • Lối sống nhân văn

Chiêm ngắm Thánh Gia, tôi thầm thĩ dâng lời tạ ơn. Tạ ơn Chúa và tri ân Hội Dòng đã tin tưởng và trao ban cho tôi cơ hội để đóng góp phần mình vào việc chăm sóc các mầm non. Tạ ơn Chúa vì đây là thời gian ẩn dật âm thầm huấn luyện những con người để đóng góp cho cuộc đời và cho cánh đồng sứ vụ.

Điều phá vỡ hạnh phúc của chính mình cũng như của người khác đáng sợ nhất đó là chủ nghĩa cầu toàn. Sự cầu tiến là mời gọi vươn lên không có nghĩa buộc bản thân phải chạm đến mức hoàn hảo tuyệt đối. Điều đó càng không thể đối với người khác. Chữ “mọi’ và chữ “phải” là rào cản cho việc đón nhận tính tương đối của sự vật sự việc. Ngay cả điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm vẫn là tương đối đối với một ai đó. Nên đón nhận sự mong manh của cuộc đời để vun xới nó hằng ngày.

Đừng lấy bản thân là thước đo cho vạn vật. Cũng không nên uốn người khác trở nên mẫu người mình muốn. Và càng không hay nếu đặt bản thân và một ai đó trong mẫu mực nhất định để rồi không ai có thể hạnh phúc. Đức ái sẽ nâng ta lên một tầm cao mới. Nơi ấy con người sống với nhau bằng sự vị tha và lòng thương cảm. Nơi ấy con người sống với nhau bằng sự chân thành nhất. Cùng đón nhận nhau và cùng nhau thực hiện điều tốt đẹp để xây dựng hạnh phúc cho cuộc đời. Hãy lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại và đừng lên án nhau.

 Tôi nhớ khi còn nhỏ học đi giáo lý, có các trò chơi tuổi thơ, trong đó có trò chơi: Thiên đàng – Hỏa ngục. Hai đứa cầm tay nhau đưa lên cao như một cánh cổng. Số còn lại, đứa đứng sau đặt tay trên vai đứa ở trước thành một hàng. Rồi đứa dẫn đầu dắt nhóm chui qua cổng, đi theo hình số tám. Vừa đi vừa đọc bài vè lục bát: “Thiên đàng hỏa ngục hai bên. Ai khôn thì dại ai dại thì khôn. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha. Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn. Linh hồn phải giữ linh hồn. Đến khi gần chết được lên Thiên đàng.”. Khi đọc đến chữ Thiên đàng cuối cùng, cánh cổng vội hạ xuống. Đứa nào ở trong cổng thì được xem là lên Thiên đàng. Trò chơi chỉ đơn giản thế thôi, nhưng cũng làm cho tuổi thơ chúng tôi hào hứng, mong ước mình may mắn được vào Thiên đàng.

Trò chơi trên đây như bổ sung vào việc dạy giáo lý cho đám con nít chúng tôi. Hình ảnh Thiên đàng là một nơi chốn, mà ở đó chúng tôi sẽ được thụ hưởng nhiều niềm vui. Nơi đó có Chúa cùng vui đùa với chúng tôi bằng tình yêu thương của Ngài dành cho trẻ thơ. Muốn được thế thì hôm nay, chúng tôi cần siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, yêu thương người khác, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô...Đó là những gì chúng tôi được dạy dỗ và cố gắng thực hành, như chuẩn bị để có thể bước vào Thiên đàng. Những điều đó đã in sâu vào tâm khảm trẻ thơ chúng tôi.

Còn Hỏa ngục thì quả thật là đáng sợ. Nơi đó lửa không hề tắt, thiêu đốt những ai bị đày vào. Một nơi chốn với những hình ảnh gây kinh khiếp nơi trí óc non nớt của chúng tôi. Chưa kể là tôi có xem bộ phim nói về vị tu sĩ Phật giáo, tên là Anada (Mục Kiền Liên) đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông đã xuống mười tám tầng Địa ngục để cứu người mẹ của mình, khi sống tại trần thế rất độc ác, nay bị đày xuống Hỏa ngục. Quả thật đây là những hình ảnh gây kinh hãi và in đậm trong tâm trí trẻ thơ chúng tôi. Hình ảnh của người bị cưa đôi, bị ném vào vạc dầu đang sôi...cùng nhiều hình ảnh tra tấn khác. Còn Công giáo thì có hình của người chết lành và chết dữ. Người chết dữ thì bị ma quỷ với gương mặt gướm ghiếc đến bên gường lôi đi, ném vào Hỏa ngục.

Dần với thời gian, tôi lớn lên và được học hỏi những kiến thức phù hợp với lứa tuổi của mình. Từ những kiến thức tôi nhận được qua môi trường giáo dục của xã hội lẫn Giáo Hội, tôi đã giải trừ dần những tri kiến về vấn đề Thiên đàng - Hỏa ngục. Không phải là tôi loại trừ hẳn những gì đã học được từ tuổi thơ; nhưng, tôi đã chắt lọc lại để còn cái cảm nhận về vấn đề này. Như nói đến: sau cái chết, con người sẽ đi về đâu; thì, vấn đề Thiên đàng – Hỏa ngục cũng vậy. Nghĩa là vấn đề thuộc huyền nhiệm, sẽ mãi mãi không có câu trả lời thỏa đáng. Chỉ bằng cảm thức của trực giác đức tin để tiếp cận vấn đề mà thôi. Tôi suy nghĩ về Thiên đàng. Bởi theo lẽ tự nhiên, con người ai cũng ước mong mình có được một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc nơi Thiên đàng.

Con người vốn là vật chất khả giác, nên luôn hướng những gì họ suy nghĩ qui về cái khả giác, Thiên đàng cũng thế.( loại suy ). Dù cho tôi có mơ mộng giàu trí tưởng tượng đến đâu, thì khái niệm Thiên đàng vẫn là khái niệm, không diễn tả đúng như Thiên đàng vốn có. Thiên đàng vẫn mãi là hành trình tìm kiếm khi con người còn tại thế. Việc tìm kiếm này tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người có về Thiên đàng. Vì thuộc vật chất và khả giác, nên con người cũng tìm kiếm từ kinh nghiệm bản thân có được nơi trần gian này, rồi phóng chiếu qui về cho Thiên đàng. Có thể nói đời người là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Vì thế cái mà con người tìm và chờ đợi nơi trần gian, sẽ là hạnh phúc vĩnh cửu mà họ cảm nghiệm và đợi chờ. Nhưng đâu mới là hạnh phúc đích thực mà con người khao khát tìm kiếm?

Tôi không bàn đến và cũng không tranh luận về hạnh phúc vô thần, vì tôi là người có niềm tin Công giáo. Mỗi người có tự do để tìm cho mình hạnh phúc. Do đó tôi đi tìm hạnh phúc dựa trên niềm tin của mình đặt vào Thiên đàng, nơi có hạnh phúc đích thực. Tôi tin Thiên Chúa tạo dựng nên tôi theo hình ảnh của Người, hình ảnh Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì vậy tôi chỉ thực sự có hạnh phúc, một khi tôi trở về lại chính dung mạo từ Tình Yêu cội nguồn mà tôi hiện hữu. Bởi vì tôi từ Tình Yêu mà ra thì, cũng chính trong tình yêu mà tôi có và cảm nghiệm được thế nào là hạnh phúc.

Chúng ta thường nghe nói: Nước Mỹ là thiên đàng trần gian. Dù có nhiều dân tộc, nhiều người không ưa gì Mỹ, những vẫn cứ thích dùng đồ Mỹ và được sống ở Mỹ ! Thiên đàng là nơi chốn hạnh phúc vĩnh cửu (theo niềm tin của tôi). Xin mượn từ “nơi chốn” để nói về thực tại Thiên đàng; vì sự giới hạn của ngôn ngữ nhân loại không thể chỉ rõ  Thiên đàng. Trên đây tôi đã nói là, dần với thời gian lớn lên, tôi được học, đã sống và có cảm nghiệm về Thiên đàng. Hôm nay với tôi, Thiên đàng không còn là nơi chốn, không còn là những sinh hoạt đáp ứng sở thích, ước muốn của con người và cho, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc lớn lao hơn nhiều, hạnh phúc mở rộng và bao trùm cả vũ trụ.

 Hạnh phúc nơi Thiên đàng, đó là một tình trạng viên mãn của tình yêu. Nơi nào có yêu thương, nơi đó có Thiên Chúa và Vương quốc của Người hiện diện; và hẳn nhiên, cũng tràn ngập hạnh phúc. Con người sinh ra là luôn mong muốn được yêu thương và có khả năng thương yêu. Nhưng khổ nỗi con người vốn ích kỷ, vì vậy họ chỉ mong được người khác quan tâm và yêu thương họ. Ngược lại, họ tỏ ra thờ ơ dửng dưng với đồng loại. Sự nghịch lý này làm cho họ luôn ray rứt, vì cảm tưởng như hạnh phúc là điều không tưởng và chẳng bao giờ có nơi trần gian này. (dĩ nhiên hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên đàng mà thôi).

Chúng ta chỉ có thể nếm cảm hạnh phúc đích thực nơi Thiên đàng; khi biết ra khỏi con người ích kỷ của bản thân, mở ra đón nhận anh chị em bằng tình yêu mạnh nhất có thể có của một con người. Hay nói cách khác, chúng ta có thể nếm cảm hạnh phúc đích thực của Thiên đàng ngay tại trần gian này; nếu như chúng ta để cho đời sống mình luôn được dẫn dắt bước vào trong tình trạng của yêu thương. Tuy nhiên ta cũng nên nhớ rằng, con người vốn nhuốm bụi trần đầy tội lỗi, làm hoen ố dung mạo yêu thương. Do đó ta vẫn mãi không bao giờ đạt đến tình trạng yêu thương thật sự; và vì thế, cũng không bao giờ ta có thể nếm cảm hạnh phúc đích thực cách rõ ràng.

Ai cũng đi tìm cho mình Thiên đàng – Cõi Phúc. Nói đến đi tìm là nói đến hành trình, là lên đường, là nỗ lực khám phá với hy vọng bắt gặp được điều mình tìm. Tôi cũng vậy, tôi lại bắt đầu tiêp bước hành trình của đời mình. Tôi thấy trò chơi Thiên đàng - Hỏa ngục khi xưa như gợi ý, để tôi đi tìm hạnh phúc của những ngày còn lại của đời mình, bằng: “Đêm ngày nhớ Chúa , nhớ Cha. Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn. Linh hồn phải giữ linh hồn. Đến khi gần chết được lên Thiên đàng.”. Tôi trở về với Thiên Chúa bằng việc thờ phượng, để nhờ đó tôi kín múc Tình Yêu của Ngài tuôn đổ trong tôi. Nhờ trong Tình Yêu của Ngài, tôi cảm nhận được hạnh phúc của Thiên đàng, sự viên mãn của tình yêu đích thực.

Từ cảm nghiệm có được nơi Thiên Chúa, buộc tôi mở ra với tha nhân và cụ thể là nơi những anh chị em tôi gặp gỡ mỗi ngày. Tôi lấy từ kinh nghiệm của một người được Thiên Chúa yêu thương, để biết cách hành xử với tha nhân bằng tình yêu mà tôi nhận được từ Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “ Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa.” (1Ga 4, 20). Nếu tôi muốn có được hạnh phúc đích thực như lòng mong ước, thì tôi không thể là kẻ nói dối. Vì như thế tôi chỉ xây dựng cho mình một thứ hạnh phúc giả tạo. Do đó tôi cần nỗ lực để thanh tẩy cõi lòng, dẹp bỏ bất hòa, ganh ghét, thù hận...là những rào cản không cho tình yêu tuôn trào đến mọi người. Vậy tôi có thể nếm cảm hạnh phúc Thiên đàng mai hậu ngay tại bây giờ, bằng tình yêu chân thành dành cho anh chị em mình. Như Chúa Giê-su đã nói: “ Nước Trời ở giữa anh chị em.”

Còn Hỏa ngục, tôi không nói ở đây. Vì có lẽ không ai muốn “nơi chốn” vắng bóng tình yêu này cả.

BTT.TD. Cù Lao Giêng 

Sau một thời gian các tông đồ “ở lại” với Chúa Giêsu, cùng đi với Ngài trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng, cũng như từng lắng nghe lời Ngài giảng dạy, chứng kiến các phép lạ Ngài làm… và đã có lần Chúa Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc 8,29)

Bước vào tuần thánh, câu hỏi này lại được vang lên trong tâm hồn tôi, một câu hỏi không dễ dàng có được câu trả lời, vì tiếp theo câu trả lời của Phêrô, đại diện cho anh em, Chúa Giêsu lại bắt đầu dạy các môn đệ và báo cho các ông biết về tương lai của chính mình: Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại.” (Mc 8,29)

Là ai…? Nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, đây không phải là lần đầu tiên tôi đối diện với câu hỏi này… Và câu trả lời không chỉ là một sự hiểu biết, một lời tuyên xưng mà câu trả lời còn dẫn dắt tôi đi sâu hơn vào tương quan “thuộc về nhau” với Giêsu. Tôi không trả lời với Ngài duy chỉ một lần trong ngày tôi tuyên khấn, trong ngày tôi và mọi người hân hoan tạ ơn Chúa, trong ngày rộn ràng niềm vui và lời chúc mừng… nhưng cả những lúc tôi chỉ còn biết ngước nhìn lên thánh giá trong thinh lặng và thưa với Giêsu, bạn đường của lòng tôi: “Giêsu ơi, con yêu Chúa hay ít ra con muốn yêu Chúa, xin Chúa nâng đỡ, xin Chúa hướng dẫn và xin Chúa giải thoát con…” 

Là ai…? Câu trả lời trở nên định hướng cho lẽ sống đời tôi, tôi nghĩ suy làm thế nào để tôi có thể đón nhận Giêsu vào đời tôi, và nhất là khi tôi bước theo, khi tôi đáp lại lời mời gọi của Ngài trong những lựa chọn lớn nhỏ hằng ngày của tôi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo….” (Mc 8,34-35) Thật là khó khi Thánh lễ tuyên khấn lần đầu hay khấn trọn đời chỉ diễn ra một lần trong đời tôi, nhưng lời mời gọi “vác thập giá mình” lại diễn ra hằng ngày.

Là ai…? Là Đấng đã bước đi trên con đường nghịch lý, con đường mang tên Giêsu, con đường phục vụ sự sống ngang qua sự trao ban và hy sinh mạng sống của chính mình. Con đường quy luật muôn đời của sự sống. Giêsu, Ngài đã không đi con đường nào khác hơn là con đường trở nên hạt lúa mì: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24)

Bắt đầu bước vào Tuần Thánh câu hỏi “Là ai…?”, hình ảnh thập giá và hạt lúa gieo vào lòng đất không làm cho tôi run sợ hay thất vọng nhưng đã khơi lên trong tôi một nguổn cảm hứng, một niềm tin, một sức bật mạnh mẽ của hy vọng… Đây không phải sức bật của ý chí, mà là sức bật của Đấng đã yêu thương, Đấng thành tín và là Đấng luôn củng cố niềm tin trong tôi.

Giêsu ơi, xin cho con bước theo Ngài trên đường thương khó, dẫu rằng con chưa đi theo sát Ngài, vì con bất toàn và yếu đuối trong thân phận người; thì xin cho con được bước với Ngài, dẫu chỉ là những bước xa xa… Xin Chúa thương nâng đỡ con khi con “vác thập giá mình” và xin cho con trả lời câu hỏi “Ngài là ai?” với tất cả tâm tình yêu mến, cậy trông và phó thác vào tình Chúa tín trung.

Giêsu, Ngài là Đấng Cứu Độ, là niềm Hy Vọng cho nhân loại chúng con, và cho chính riêng con!

Ngày, 12 tháng 04 năm 2025 – Kẻ hành hương

Chúng ta đang bước vào Tuần Thánh mà cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua. Trong những ngày này, chúng ta sẽ chứng kiến những ngày cuối cùng của Đức Giêsu nơi trần gian. Suốt 3 năm ngắn ngủi trong cuộc đời hoạt động công khai, Đức Giêsu đã làm biết bao nhiêu việc tốt lành: giảng dạy, chữa bệnh phần xác cũng như phần hồn, trừ quỷ…biết bao người nhờ Ngài mà “ được sống và sống dồi dào”. Vậy mà, cũng chính những khuôn mặt ấy, những con người ấy đã góp phần làm nên cái  chết của chính vị ân nhân  mình. Chúng ta hãy điểm qua một vài khuôn mặt xuất hiện trong cuộc thương khó này, và biết đâu thấp thoáng trong đó, có khuôn mặt của chính chúng ta.